Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 24-05-2022 2:11pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Phạm Duy Tùng – Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức
 
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (preimplantation genetic testing – PGT) đã giúp ích rất nhiều trong việc xác định những bất thường về di truyền ở phôi đặc biệt với những trường hợp phôi khảm, từ đó giúp lựa chọn những phôi có khả năng phát triển thành em bé khoẻ mạnh. Nguồn gốc của phôi khảm đến từ những bất thường trong quá trình phân chia phôi ở giai đoạn sớm và cơ chế phân tử của chúng từ lâu đã được nghiên cứu. Khi kết quả PGT cho ra phôi khảm thường có thể chia thành 2 dạng, trong đó, nếu phôi khảm do đặc điểm di truyền từ bố mẹ là những phôi khảm tự nhiên. Đối với những phôi khảm không do các đặc điểm từ bố mẹ, nhiều nghiên cứu nhận thấy nguyên nhân hình thành phôi khảm còn có thể bị ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như điều kiện nuôi cấy phôi, phác đồ kích thích buồng trứng, do những điều kiện này có thể ảnh hưởng đến quá trình phân bào của phôi.
 
Một số nghiên cứu phân tích phôi khảm khi sinh thiết lá nuôi phôi (trophectoderm – TE) với kết quả sinh thiết thu nhận từ những vị trí khác nhau của cùng một phôi, bao gồm cả khối tế bào nội mô (Inner cell mass - ICM) nhận thấy có sự khác biệt về tỷ lệ khảm ở những lần sinh thiết sau. Sự khác biệt trong kết quả này có thể được giải thích bằng mức độ khảm của phôi thấp và nằm tại những khu vực cụ thể trên phôi. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt này có thể đến từ kỹ thuật sinh thiết, dẫn đến tình trạng khảm do yếu tố con người gây ra – khảm nhân tạo. Khảm nhân tạo có thể đến từ chất lượng cũng như sự toàn vẹn của những tế bào được sinh thiết từ phôi. Theo hiệp hội chẩn đoán di truyền tiền làm tổ thế giới (Preimplantation Genetic Diagnosis International Society - PGDIS) kỹ thuật sinh thiết phôi kém có thể dẫn đến kết quả phôi khảm do gây ảnh hưởng đến vật chất di truyền trong mẫu sinh thiết. Số xung laser được sử dụng khi sinh thiết phôi cũng là một yếu tố nữa được cho là có thể làm sai lệch kết quả khảm của phôi.
 
Những kỹ thuật sinh thiết phôi khác nhau cũng có thể thay đổi kết quả khảm của phôi, thông thường phôi sẽ được sinh thiết bằng cách sử dụng kết hợp giữa lực kéo giữ của pipette và bắn laser để cắt các tế bào TE. Phương pháp cơ học cơ bản không dùng laser mà thay vào đó sử dụng kim sinh thiết để hút các tế bào TE và gạt lên kim giữ phôi để tách các tế bào này khỏi phôi. Tế bào thu nhận được từ những phương pháp này sẽ khác nhau về tính chất cũng như độ toàn vẹn của DNA dẫn đến khác biệt trong kết quả phân tích di truyền. Những sai sót do con người cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả như chuyển mẫu sinh thiết vào sai ống hoặc sai sót trong việc khuếch đại bộ gen, tuy nhiên, những vấn đề này vẫn ít được chú ý đến.
Nghiên cứu này sẽ tập trung vào đánh giá ảnh hưởng của các thao tác trong quá trình sinh thiết đến kết quả sinh thiết cũng như đánh giá ảnh hưởng của kỹ thuật sinh thiết đến kết quả lâm sàng khi chuyển phôi nguyên bội.
 
Tiến cứu quan sát thực hiện trên 474 chu kỳ điều trị có thực hiện PGT với chỉ định chủ yếu cho nhóm bệnh nhân lớn tuổi (70,0%), sảy thai liên tiếp (9,9%), thất bại làm tổ nhiều lần (9,5%), không có chỉ định PGT chiếm 9,3% và còn lại là vô sinh do yếu tố nam nặng (1,3%). Mẫu sinh thiết TE được phân tích bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới (next-generation sequencing – NGS). Những kết quả phôi khảm sẽ được phân tích với kỹ thuật thực hiện sinh thiết (số xung laser sử dụng trong quá trình sinh thiết, số lần kéo và búng kim sinh thiết), thời gian từ lúc sinh thiết đến khi cho mẫu vào ống chứa mẫu (tính bằng phút), và thời gian trữ lạnh kể từ lúc rửa vào ống mẫu đến khi thực hiện khuếch đại vật chất di truyền. Nhóm cũng sẽ phân tích về ảnh hưởng của kỹ thuật thực hiện sinh thiết đến kết quả chuyển phôi nguyên bội.
 
Sinh thiết TE được thực hiện trên 1341 phôi nang với tỷ lệ phôi khảm 13,8% (182/1341 trong đó 6,5% phôi lệch bội khảm và 7,3% phôi nguyên bội khảm). Trong đó, số phôi khảm toàn bộ nhiễm sắc thể chiếm 48,9%, khảm một phần nhiễm sắc thể chiếm 47,8% và 3,3% là sự kết hợp của 2 dạng khảm. Sinh thiết được thực hiện bởi 5 chuyên viên phôi học khác nhau với kỹ thuật cao và tuân theo một quy trình chuẩn hoá chất lượng cao, với 79,2% số phôi được sinh thiết bằng laser và 21,8% thực hiện cơ học với 75% trường hợp thực hiện gạt kim sinh thiết, 25% còn lại dùng kỹ thuật kéo phôi bào. Sau khi thực hiện các phân tích đơn biến, đa biến, nhóm nhận thấy một số kết quả như sau:
  • Số xung laser sử dụng để sinh thiết không làm tăng kết quả phôi khảm khi sử dụng nhiều hơn 3 xung hoặc ít hơn 3 xung (nhóm sử dụng từ 2-8 xung laser để sinh thiết) với tỷ lệ 13,9% so với 13,8% (tỷ lệ khảm điều chỉnh aOR=0,8726 [0,60–1,28]).
  • Phương pháp sinh thiết cơ học không làm giảm tỷ lệ phôi khảm so với phương pháp laser (13,1% với phương pháp gạt kim sinh thiết và 14,0% ở phương pháp kéo phôi bào (tỷ lệ khảm điều chỉnh aOR=0,86 [0,60–1,23])).
  • Phương pháp thực hiện sinh thiết cũng không cho thấy ảnh hưởng đến kết quả thai lâm sàng khi thực hiện chuyển phôi nguyên bội đông lạnh (54,9% và 55,2% ở nhóm sử dụng laser, aOR = 1,05 [0,53–2,09]; 61.1% và 52.9%, ở 2 phương pháp cơ học, aOR = 1,11 [0,55–2,25].
  • Nhóm cũng không nhận thấy thời gian hay lực thao tác khi rửa tế bào làm tăng tỷ lệ xuất hiện tình trạng khảm trong xét nghiệm di truyền.
  • Tương tự, thời gian lưu trữ ở − 80 °C dường như cũng không ảnh hưởng đến kết quả di truyền do nhiệt độ này có khả năng bảo tồn sự nguyên vẹn của DNA tương đối tốt.
 
Qua những kết quả thu nhận được nhóm cho rằng phương pháp sinh thiết và kỹ thuật rửa tế bào sau sinh thiết không làm tăng nguy cơ tạo ra kết quả phôi khảm do lỗi từ con người nếu được thực hiện theo một tiêu chuẩn nghiêm ngặt và giảm thiểu được tác động lên phôi nang khi thao tác. Tuy nhiên, những kết quả trên cũng không loại bỏ hoàn toàn những rủi ro làm sai lệch kết quả khi thao tác do số lượng mẫu không nhiều cũng như phương pháp đánh giá qua quan sát không thực sự khách quan. Chưa kể đến những bước thực hiện khuếch đại DNA và sử dụng thuật toán để xác định những bất thường trong số lượng nhiễm sắc thể có thể có những sai sót riêng của chúng hoặc những tế bào đang ở giai đoạn nghỉ, nơi nhiễm sắc thể chưa phân chia dẫn đến không thể phát hiện được bất thường số lượng trong những tế bào này. Trong tương lai, cần có những nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn, cũng như chọn phương pháp sinh thiết ngẫu nhiên để củng cố thêm cho những kết quả này.
 
  
Nguồn: Coll L, Parriego M, Carrasco B, et al. The effect of trophectoderm biopsy technique and sample handling on artefactual mosaicism [published online ahead of print, 2022 Mar 16]. J Assist Reprod Genet. 2022;10.1007/s10815-022-02453-9. doi:10.1007/s10815-022-02453-9

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK