Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 17-06-2022 4:53pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Thất bại làm tổ liên tiếp (recurrent implantation failture -RIF) là một hội chứng lâm sàng không phổ biến, được mô tả bằng sự thất bại mang thai sau nhiều lần chuyển phôi chất lượng tốt. Nguyên nhân gây ra RIF khá phức tạp với nhiều yếu tố như nội mạc tử cung mỏng, viêm nội mạc tử cung, stress, miễn dịch, lệch cửa sổ làm tổ và tự miễn. Trong đó, nội mạc tử cung mỏng là một yếu tố quan trọng trong thất bại làm tổ vì nó liên quan với tăng nguy cơ sẩy thai. Huyết tương giàu tiểu cầu (platelet-rich plasma – PRP) là một phương pháp mới được đề xuất gần đây để điều trị nội mạc tử cung mỏng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng truyền PRP có thể cải thiện sự phát triển của nội mạc tử cung và kết quả mang thai ở phụ nữ có nội mạc mỏng. Tuy nhiên, các báo cáo về tác dụng của truyền PRP cho phụ nữ không có nội mạc mỏng hiện còn hạn chế. Do đó, bài nghiên cứu này muốn đánh giá hiệu quả của việc truyền huyết tương giàu tiểu cầu vào tử cung trước chuyển phôi ở những trường hợp RIF.
 
Về mặt sinh lý bệnh, nội mạc mỏng là do biểu mô kém phát triển, giảm biểu hiện của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (vascular endothelial growth factor – VEGF), phát triển mạch máu kém, trợ lực của dòng máu cao trong các động mạch hướng tâm của mạch máu tử cung. Mặc dù độ dày nội mạc tử cung (endometrial thickness – EMT) được báo cáo là có cải thiện sau khi dùng Estrogen dài ngày, aspirin, vitamin E và pentoxifylline; nhưng nhiều phụ nữ có nội mạc mỏng vẫn không đáp ứng với các phương pháp điều trị này. PRP được điều chế từ máu tươi thu được từ tĩnh mạch ngoại vi và xử lý để tăng nồng độ tiểu cầu bằng cách tách các thành phần máu khác nhau. Tiểu cầu chứa một lượng đáng kể các yếu tố tăng trưởng như VEGF, yếu tố tăng trưởng biểu bì (epidermal growth factor), yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu (platelet-derived growth factor – PDGF), yếu tố tăng trưởng chuyển đổi (transforming growth factor), tất cả đều kích thích sự tăng sinh và phát triển. Trong nội mạc tử cung, sự hình thành mạch rất quan trọng đối với sự phát triển của nội mạc sau kì kinh nguyệt, và nội mạc tiếp nhận mạch máu là điều cần thiết để làm tổ. Vì vậy, các yếu tố tăng trưởng và các cytokine khác được tìm thấy trong PRP có thể thúc đẩy quá trình dày nội mạc, cụ thể là tăng 1,27 mm sau khi dùng PRP so với chu kì chuyển phôi trước.
 
Đây là một nghiên cứu hồi cứu bao gồm 54 chu kì chuyển phôi đông lạnh sau khi truyền PRP vào tử cung (T9/2019 – T11/2020). Đối tượng bệnh nhân là RIF, có ít nhất 2 chu kì liên tiếp bị thất bại làm tổ và trong độ tuổi 25-45. Phôi nang được phân loại dựa trên tiêu chuẩn của Gardner, một phôi nang từ 3BB hoặc tốt hơn được đánh giá là chất lượng cao. Bệnh nhân có EMT <8mm vào ngày chu kỳ kinh thứ 12-14 trước khi chuyển phôi là nhóm nội mạc mỏng (n=39). Nhóm bệnh nhân khác (n=15) là thất bại làm tổ chưa rõ nguyên nhân. Đầu tiên, estradiol (E2) được tiêm vào N2 của chu kì kinh. PRP được truyền hai lần vào N10 và N12-14. Progesterone (P4) được sử dụng vào N15. Sau chuyển phôi 10 ngày, mức hCG dương tính là >5mIU/ml.
 
Kết cục chính là thai lâm sàng được xác định vào thời điểm 3 tuần sau chuyển phôi. Kết cục phụ là sự tăng của EMT được đo vào N10, N14 và N20 so với nhóm chuyển phôi không truyền PRP (n=187).
-Tỉ lệ hCG dương ở chu kì PRP là 57,4% cao hơn so với chu kì chuyển phôi trước không truyền PRP là 50,0% (P<0,01).
-Tỉ lệ thai lâm sàng ở nhóm PRP cao hơn đáng kể (27,2% và 9,6%) (P<0,01).
-Tỉ lệ sẩy thai tự phát ở chu kì PRP cũng thấp hơn nhiều (11,1% và 55,5%; P=0,07) nhưng không có ý nghĩa thống kê do cỡ mẫu nhỏ.
-Thai diễn tiến (>15 tuần thai kỳ) hay tỉ lệ trẻ sinh sống đều cao hơn đáng kể ở nhóm PRP là 44,4% so với chu kì trước là 4,3% (P<0,01).
-Các kết quả này là tương đương nhau giữa nhóm thất bại làm tổ chưa rõ nguyên nhân và nhóm nội mạc tử cung mỏng.  
-EMT không tăng vào ngày chuyển phôi khi so sánh giữa 2 nhóm PRP và so với chu kì trước cũng như không có sự khác biệt giữa chu kì có hCG dương và hCG âm. 
 
Mặc dù cơ chế phân tử của liệu pháp PRP trong nội mạc tử cung vẫn chưa được hiểu rõ nhưng với các yếu tố tăng trưởng và cytokines, PRP giúp đẩy nhanh quá trình hình thành mạch trong vết thương và mô mềm dẫn đến tái tạo mô nhanh chóng. Xét những đặc điểm này, PRP với nồng độ cao có thể kích thích sự phân bào và tăng trưởng của các tế bào nội mạc tử cung, kích hoạt các con đường nội tiết-cận tiết để cải thiện phản ứng của nội mạc tử cung, từ đó thúc đẩy làm tổ và mang thai.
 
Giới hạn chính của bài nghiên cứu này là cỡ mẫu nhỏ. Thêm vào đó, cơ chế và quá trình sinh học vẫn chưa rõ đặc biệt đối với những bệnh nhân thất bại làm tổ chưa rõ nguyên nhân.
 
Tóm lại, việc truyền PRP giúp nội mạc tử cung có đủ chức năng để duy trì thai kì. Các phân tích sâu hơn là cần thiết để hiểu về cơ chế mà PRP có thể làm giảm nguy cơ sẩy thai tự phát.
 
Nguồn: Enatsu Y, Enatsu N, Kishi K và cộng sự. Clinical outcome of intrauterine infusion of platelet-rich plasma in patients with recurrent implantation failure. 2021 Sep 30.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Eastin Grand Hotel Saigon, thứ bảy 7.12.2024 và sáng chủ nhật ...

Năm 2020

Novotel Saigon Centre, Thứ Bảy ngày 2 . 11 . 2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK