Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 22-03-2022 2:30pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu chung
Hiện tượng hình thành phôi nang chậm không phải là trường hợp hiếm gặp trong quá trình nuôi cấy phôi, nhưng các cơ chế chính xác giải thích cho hiện tượng trên vẫn chưa được làm sáng tỏ. Mặt khác, kết quả lâm sàng của việc chuyển phôi nang ngày 5 (D5) so với ngày 6 (D6) đã được nghiên cứu rộng rãi trên rất nhiều tài liệu. Nổi bật trong số đó là kết quả phân tích tổng hợp bao gồm 8110 ca chuyển phôi D5 và 4727 ca chuyển phôi D6 từ 23 nghiên cứu cho thấy tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ mang thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống đều cao hơn ở các trường hợp chuyển phôi D5. Kết quả tương tự cũng được quan sát thấy khi phân tích các ca chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh, do đó giảm thiểu ảnh hưởng của sự không đồng bộ nội mạc tử cung ở trường hợp chuyển phôi tươi D6. Hơn nữa, đối với các nghiên cứu chỉ xem xét các trường hợp chuyển phôi nguyên bội, nhóm D5 vẫn mang lại kết quả tốt hơn đáng kể so với nhóm D6. Những phát hiện này đã chỉ ra rằng, ngoài các yếu tố nội mạc tử cung và nhiễm sắc thể (NST), còn có các yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sự phát triển của phôi nang D6.
 
Gần đây, số lượng DNA ti thể (mtDNA) trong tế bào lá nuôi phôi (TE) được coi là một dấu hiệu tiềm năng để chọn lọc phôi. Vì mỗi bào quan ti thể có bộ gen riêng biệt, mtDNA cũng sẽ được giải trình tự đồng thời cùng với DNA nhân trong quá trình xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ lệch bội NST (PGT-A). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tế bào TE từ phôi nang lệch bội chứa số lượng mtDNA lớn hơn đáng kể so với phôi nang nguyên bội. Hơn nữa, phôi nang nguyên bội có mtDNA trên ngưỡng cũng được phát hiện là làm giảm khả năng làm tổ. Do đó, số lượng mtDNA tăng lên trong tế bào TE được coi là một dấu hiệu dự đoán khả năng sống sót của phôi bào kém. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Klimczak và cộng sự lại cho thấy số lượng mtDNA được tìm thấy không liên quan đến khả năng làm tổ của phôi nang hoặc mang thai diễn tiến. Trong một nghiên cứu khác với các trường hợp chuyển hai phôi nang cho kết quả mang đơn thai, không có sự khác biệt đáng kể nào về số lượng mtDNA của hai phôi được chuyển. Các phát hiện trái ngược nhau đã thúc đẩy một loạt các cuộc tranh luận xoay quanh các phương pháp định lượng mtDNA được sử dụng trong các nghiên cứu tương ứng. Ngoài ra, vấn đề có nên hạn chế việc sử dụng thường xuyên số lượng mtDNA trong việc chọn lọc phôi hay không cũng được đưa vào bàn luận. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này (2021) là thực hiện một phân tích toàn diện về số lượng mtDNA trong phôi bào D5 và D6, cũng như cung cấp những hiểu biết sâu hơn về sự phát triển chậm của phôi nang.
 
Phương pháp
Đây là phân tích đoàn hệ hồi cứu 829 phôi nang D5 và 472 phôi nang D6 từ 460 bệnh nhân trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm có thực hiện PGT-A dựa trên công nghệ giải trình tự thế hệ mới (NGS) tại Trung tâm sinh sản IHMED, Đài Loan, từ 11/2017 đến 04/2019. Tất cả các noãn thu được đều được thụ tinh bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn và các hợp tử được nuôi cấy bằng môi trường nuôi cấy đơn liên tục. Sau đó, sinh thiết tế bào TE được thực hiện vào ngày thứ 5 hoặc ngày thứ 6 sau thụ tinh, tùy thuộc vào loại hình thái của từng phôi nang. Cụ thể, hệ thống của Gardner được sử dụng để chấm điểm từng phôi nang và chỉ những phôi được xếp loại 3CC trở lên mới được sinh thiết. Tất cả các phôi sau đó được trữ lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa.
 
Khuếch đại toàn bộ bộ gen của các mẫu sinh thiết được thực hiện và số bộ NST của phôi được xác định. Sau đó, mức mtDNA của mỗi mẫu sinh thiết được tính toán từ dữ liệu NGS. Cuối cùng, chuyển đơn phôi nguyên bội sau rã đông với chu kỳ thay thế hormone được thực hiện trong mọi trường hợp. Kết quả chính của nghiên cứu này là số lượng mtDNA trong phôi nang D5 và D6 của cùng thể nguyên bội (hoặc dị bội) và kết quả chuyển phôi (thai lâm sàng dương tính/âm tính) đã được phân tích. Các kết quả phụ là mối quan hệ giữa số lượng mtDNA với hai yếu tố chính được biết đến có thể ảnh hưởng đến kết quả IVF: tuổi mẹ và các loại hình thái của phôi nang.
 
Kết quả
Các phôi nang D5 có tỉ lệ nguyên bội cao hơn đáng kể (41,1% so với 34,5%; P = 0,02) so với phôi D6. Ngoài ra, tỉ lệ có thai lâm sàng của phôi D5 cũng cao hơn so với phôi D6 (69,7% so với 57,2%; P = 0,03). Tỉ lệ phôi nang từ bệnh nhân 40 tuổi tương tự giữa nhóm D5 và D6. Kết quả phân tích mức mtDNA ở các phôi nang có cùng số bộ NST cho thấy các nhóm D5 đều có hàm lượng mtDNA trung bình cao hơn đáng kể so với nhóm D6. Tương tự, khi phân tích các trường hợp với kết quả chuyển phôi giống nhau, lượng mtDNA ở nhóm D5 cao hơn đáng kể so với nhóm D6. Cuối cùng, kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng không có sự khác biệt đáng kể về lượng mtDNA trung bình giữa nhóm phụ nữ từ 40 tuổi trở lên và nhóm nhỏ hơn 40 tuổi. Ngoài ra, lượng mtDNA giữa các nhóm hình thái phôi cũng không có sự khác biệt.
 
Kết luận
Nghiên cứu này là phân tích toàn diện đầu tiên về mối tương quan giữa số lượng mtDNA và thời gian hình thành phôi nang. Kết quả của nghiên cứu phù hợp với các báo cáo trước đó và đã khẳng định thêm rằng phôi nang D5 chứa số lượng mtDNA tổng thể lớn hơn đáng kể so với phôi nang D6, ngay cả khi các biến số như tuổi mẹ, phân loại hình thái, mức bội thể của phôi và kết quả chuyển phôi được cân nhắc. Ngoài ra, hàm lượng mtDNA có thể là yếu tố chính ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của phôi nang. Hơn nữa, chúng ta phải tránh sử dụng một ngưỡng tùy ý khi kết hợp hàm lượng mtDNA vào tiêu chuẩn lựa chọn phôi, vì giá trị quan sát được có thể có ý nghĩa lâm sàng rất khác nhau khi tỉ lệ có phôi D5 cũng được xem xét. Cuối cùng, nhóm tác giả cũng đề xuất nên thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để đánh giá cả khía cạnh định lượng và định tính của mtDNA để làm sáng tỏ đầy đủ mối quan hệ phức tạp giữa di truyền ti thể và sự sinh sản của con người.
 
Nguồn: Wu, F. S. và cộng sự. Suboptimal trophectoderm mitochondrial DNA level is associated with delayed blastocyst development. Journal of Assisted Reproduction and Genetics. 2021. 38(3): 587-594.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK