Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 22-03-2022 2:27pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Mai Trần Thuỳ Linh – IVFMD SIH – Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
 
Cơ sở lý thuyết
Trữ lạnh noãn (Oocyte Cryopreservation) được sử dụng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART) nhằm cố gắng bảo tồn khả năng sinh sản của con người để sử dụng trong tương lai bằng cách đông lạnh giao tử. Trường hợp thai đầu tiên (song thai) ghi nhận từ noãn đông lạnh được Chen báo cáo vào năm 1986. Cùng với sự cải tiến các phương pháp đông lạnh như sự ra đời của phương pháp thuỷ tinh hoá dần thay thế phương pháp đông lạnh chậm trước đây, đông lạnh noãn đã có những bước tiến dài trong việc cải thiện tỷ lệ noãn sống sau trữ rã và thai lâm sàng. Năm 2013, Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ (ASRM) đã gỡ nhãn thử nghiệm cho phương pháp đông lạnh noãn. Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) đã bắt đầu xúc tiến phương pháp này vào năm 2014. Trong giai đoạn này, chỉ định trữ noãn hầu hết dành cho các bệnh nhân (BN) chuẩn bị hoá trị và xạ trị vùng chậu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc BN mắc các hội chứng di truyền khiến họ bị suy buồng trứng nguyên phát (ví dụ như hội chứng NST X dễ gãy và khảm monosomy X). Từ năm 2015 đến 2016, chỉ định trữ lạnh noãn tăng 25%. Năm 2018, Hội đồng Đạo đức ASRM có ý kiến rằng việc trữ lạnh noãn chủ động là hợp đạo đức nhằm bảo vệ khả năng sinh sản trong tương lai cho phụ nữ đặc biệt khi họ chỉ có một độ tuổi sinh sản nhất định. ASRM tiếp tục khuyến cáo những trung tâm cung cấp dịch vụ trữ noãn cần thông tin đến BN về hiệu quả, tính an toàn, lợi ích và nguy cơ, cũng như những tác động lâu dài trên trẻ sinh ra từ noãn đông lạnh và các mối nguy tiềm tàng mà hiện tại chưa thể kiểm soát được hết.
           
Đông lạnh noãn đang phổ biến toàn thế giới. Tuy nhiên, những BN trong độ tuổi sinh sản vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các tác động của tuổi tác lên khả năng sinh sản của họ. Hầu hết các BN tìm kiếm trữ lạnh noãn từ các nguồn thông tin trên mạng. Theo tiết lộ từ các bác sĩ sản phụ khoa, mặc dù họ biết các bác sĩ nên thảo luận với BN trong độ tuổi sinh sản của mình về khả năng sinh sản sẽ giảm dần theo tuổi, nhưng họ lại không đủ thời gian và kiến thức tư vấn cho các vấn đề này. Một vài ý kiến cho rằng sở dĩ BN trì hoãn có con do theo đuổi sự nghiệp, tuy nhiên lý do lại không phải như vậy. Theo báo cáo hầu hết BN có trữ noãn vì họ chưa tìm được đối tác thích hợp và việc trữ noãn sẽ bảo vệ họ khỏi các bệnh trong tương lai có thể gây ảnh hưởng lên khả năng sinh sản. Điều này đòi hỏi các trung tâm hỗ trợ sinh sản phải được cung cấp kiến thức và thông tin cần thiết nhằm tư vấn cho bệnh nhân về quá trình thay đổi khả năng sinh sản theo tuổi và phương án trữ noãn.
 
Mục đích của bài tổng quan trữ noãn vì lý do y tế và trữ noãn chủ động này nhằm so sánh các dữ liệu mới nhất về kết cục, dự đoán và khuyến nghị chung trong việc hướng dẫn đi đến quyết định và tư vấn lâm sàng cho BN.
 
Nhóm trữ noãn vì lý do y tế
Ban đầu việc trữ noãn được chỉ định cho những BN chuẩn bị hoá trị và xạ trị điều trị khối u. Tuy nhiên, sau đó chỉ định được mở rộng trên nhóm noãn dư trữ để dành trong tương lai trong trường hợp tất cả các noãn không thụ tinh, không có tinh trùng vào thời điểm chọc hút hoặc trữ chủ động khi muốn chuyển giới nữ thành nam. Trong bài tổng quan này, nhóm nghiên cứu chỉ đề cập trữ noãn ở những BN có chẩn đoán mắc ung thư và quá trình điều trị ít nhiều liên quan đến khả năng sinh sản sau này.
 
Trong điều trị ung thư, ưu tiên hàng đầu là làm sao để giúp kéo dài sự sống cho BN, kế đến là nâng cao chất lượng cuộc sống sau quá trình điều trị. Cùng với những cải tiến trong lĩnh vực bảo tồn sinh sản, việc phục hồi khả năng làm cha làm mẹ cho những đối tượng BN đặc biệt trên đã mở ra hướng đi mới đầy lạc quan. Đặc biệt đối với những BN nữ trong độ tuổi sinh sản, sau điều trị BN phải đối mặt với nguy cơ suy buồng trứng sớm hoặc giảm dự trữ buồng trứng tuỳ độ tuổi, phương pháp hoá trị, liều hoá trị và thời gian tiếp xúc với tia xạ ở vùng chậu. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 70% BN nữ ung thư cho thấy họ lo lắng về khả năng sinh sản của bản thân tại thời điểm chẩn đoán bệnh, và 50% mong muốn có con sau khi kết thúc điều trị.
 
Theo thống kê của nghiên cứu, nhóm phụ nữ trữ noãn vì lý do y tế (cụ thể là trữ noãn với mục đích bảo tồn khả năng sinh sản trước khi đi vào quá trình điều trị ung thư) có lượng noãn thu được tương đương nhóm trữ noãn chủ động. Tuy nhiên, tỷ lệ quay lại sử dụng noãn trữ thấp hơn 10%, cũng như dữ liệu về tỷ lệ thai và tỷ lệ sinh sống từ noãn trữ vẫn còn hạn chế.
 
Nhóm trữ noãn chủ động
Hiện chưa có đủ dữ liệu về độ tuổi trữ noãn tốt nhất để tư vấn cho BN có kế hoạch trữ noãn chủ động. Và không có gì ngạc nhiên khi một số nghiên cứu về chủ đề này chỉ ra rằng trữ noãn khi còn trẻ sẽ cho tỷ lệ sinh con cao hơn. ASRM đã đi đến kết luận là chưa có đủ bằng chứng để tư vấn cho BN về số noãn lý tưởng cần trữ để có thể có con.
 
Một nghiên cứu gần đây năm 2021 bởi Leung và cộng sự tìm hiểu về trải nghiệm lâm sàng của BN trữ noãn chủ động. Đây là một nghiên cứu hồi cứu quan sát trên 921 BN (1265 chu kì - CK) từ tháng 06/2006 đến tháng 10/2020 tại một trung tâm ART chấp nhận thanh toán bảo hiểm. Nghiên cứu chia BN thành 2 nhóm <38 và ≥ 38 tuổi. Độ tuổi trung bình là 36,6 và độ tuổi khi sử dụng noãn là 38,1 ± 1,8 (dao động từ 34 – 42). Số noãn trưởng thành trung bình để trữ là 17,1 ± 8,6, số CK trung bình trên mỗi BN là 1,4 ± 0,6. Không có khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa số lượng noãn trữ dựa trên tuổi. Tỷ lệ noãn sống sau rã đối với phương pháp thuỷ tinh hoá là 84,9% và 57,1% đối với phương pháp làm lạnh chậm. Tỷ lệ thụ tinh là 74% cho cả 2 nhóm. Tỷ lệ thai lâm sàng trên mỗi lần chuyển (54,5% cho nhóm < 38; 39,3% cho ≥38 ) hoặc tính trên BN (64,0% cho nhóm < 38; 52,4% cho nhóm ≥38) là không khác biệt giữa 2 nhóm. Thêm vào đó, tỷ lệ trẻ sinh sống là 38,9% ở nhóm tuổi <38 và 25% ở nhóm ≥ 38 tuổi. Không có trường hợp có thai nào được ghi nhận khi BN ≥ 40 tuổi. Hạn chế của nghiên cứu này là nó bao gồm cả CK thuỷ tinh hoá và đông lạnh chậm cũng như không phổ quát do chỉ bao gồm các ca thuộc phạm vi bảo hiểm chi trả.
 
Về việc sử dụng noãn trữ, Wafi và cộng sự (2020) tìm thấy 65% người trả lời khảo sát đã trữ noãn chủ động theo kế hoạch dự đoán sẽ sử dụng noãn của họ trong tương lai và độ tuổi tối đa được xem xét để sử dụng noãn đông lạnh là 45,2 tuổi. 98% người tham gia khảo sát sẽ giới thiệu cho người khác về chương trình trữ noãn. Thật thú vị khi được hỏi họ sẽ làm gì với những noãn còn lại thì 62% trả lời sẽ hiến tặng cho nghiên cứu khoa học và 14% sẽ tặng lại cho BN khác.
 
Về kết quả sản khoa và chu sinh của trẻ sinh ra từ noãn đông lạnh, theo số lượng bằng chứng hạn chế có thể kết luận rằng các kết quả chu sinh là tương tự giữa noãn tươi và noãn đông lạnh ở những BN hiếm muộn.
           
Cuối cùng, hiện tại không có dữ liệu về ảnh hưởng nhân khẩu học lên quá trình trữ noãn (ví dụ như chủng tộc, chỉ số khối cơ thể, thuốc lá). Trong tương lai cần những nghiên cứu để làm sáng tỏ những ảnh hưởng tiềm năng của những yếu tố trên lên quá trình quyết định cũng như tư vấn cho BN.
 
 
Kết luận
Cũng còn quá sớm để có thể rút ra bất kỳ kết luận nào về kết cục của việc trữ noãn do nguyên nhân y tế hay do chủ động, tuy nhiên các dữ liệu sơ bộ cho thấy trữ noãn cho dù vì nguyên nhân gì cũng giúp bảo tồn sinh sản khi BN sử dụng những noãn trữ của mình. Số lượng noãn thu được cao, cùng với việc đòi hỏi ít chu kỳ kích thích và cho tỷ lệ trẻ sinh sống cao thường thấy ở những BN trữ noãn trẻ tuổi, củng cố cho tầm quan trọng của yếu tố tuổi tác khi thực hiện bảo tồn sinh sản. Hiện tại vẫn chưa có nhiều noãn trữ được sử dụng ở 2 nhóm đối tượng. Chưa tới 10% BN trữ noãn vì lý do y tế và khoảng 40% BN trữ noãn chủ động quay trở lại để rã đông và sử dụng noãn của họ, thế nên việc theo dõi các kết cục lâm sàng của nghiên cứu vẫn còn hạn chế. Cần nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai về hai nhóm BN này để có thể giúp ích trong việc tư vấn và ra quyết định của BN trữ noãn.
  
Tài liệu tham khảo: Walker, Z., Lanes, A. & Ginsburg, E. Oocyte cryopreservation review: outcomes of medical oocyte cryopreservation and planned oocyte cryopreservation. Reprod Biol Endocrinol 20, 10 (2022). https://doi.org/10.1186/s12958-021-00884-0.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK