Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 22-03-2022 2:21pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Phẫu thuật cắt một bên buồng trứng (Unilateral oophorectomy-UO) được thực hiện trong các trường hợp lâm sàng khác nhau để điều trị các khối u buồng trứng ác tính hoặc lành tính, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, áp xe ống dẫn trứng và xoắn buồng trứng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động tiêu cực của UO đối với sự nhạy cảm của buồng trứng và quá trình kích thích buồng trứng (KTBT) ở nhóm phụ nữ này sẽ cần lượng gonadotropin cao hơn cần thiết cho việc chiêu mộ nang noãn. Ngoài ra, số lượng tế bào noãn thu được ở nhóm thực hiện UO thường thấp hơn so với nhóm phụ nữ có hai bên buồng trứng nguyên vẹn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không có dữ liệu rõ ràng nào để chứng minh liệu UO có gây bất lợi cho tỉ lệ mang thai hay tỉ lệ sinh sống của trẻ hay không. Mặc khác, có rất nhiều nghiên cứu đề cập đến sự phì đại bù ở buồng trứng còn lại nhằm bù đắp sự mất mát về cấu trúc và chức năng của bên buồng trứng đã bị cắt. Hiện tượng này được giải thích thông qua các nghiên cứu trên động vật và tỉ lệ mang thai tự nhiên ở các nhóm UO. Bên cạnh đó, nhiều nhóm nghiên cứu còn chứng minh được sự thay đổi trong động lực học của nang noãn, tăng nồng độ Anti-Mullerian Hormone trong huyết thanh để duy trì chức năng buồng trứng ở những phụ nữ lớn tuổi thực hiện UO.
 
Tuy nhiên, tín hiệu bù trừ từ buồng trứng còn lại có thể sẽ không bù đắp đầy đủ cho sự mất mát này. Điều này được chứng minh thông qua các nghiên cứu đoàn hệ về bệnh nhân trải qua UO đã cho thấy xu hướng mãn kinh sớm hơn ở phụ nữ chỉ có một bên buồng trứng (sớm hơn dự kiến ​​ít nhất một năm). Hơn thế nữa, một nghiên cứu khác còn báo cáo sự giảm đáng kể tỉ lệ mang thai, mặc dù không phải là tỉ lệ trẻ sinh sống ở những phụ nữ UO được điều trị ART. Trong một nghiên cứu đoàn hệ-đa trung tâm trước đó vào năm 2017 của nhóm tác giả cũng cho thấy cả tỉ lệ có thai và tỉ lệ sinh sống đều thấp hơn đáng kể ở những phụ nữ đã trải qua UO.
 
Với mong muốn làm rõ tác động của UO đối với tỉ lệ trẻ sinh sống và mang thai sau khi điều trị ART, tổng quan hệ thống và phân tích gộp này đã được thực hiện bằng cách sử dụng phương pháp PICO để tìm tài liệu y văn. Việc tìm kiếm tài liệu được thực hiện trên MEDLINE (Ovid), Embase, và Cochrane (Wiley) với giới hạn tìm kiếm là các tài liệu được xuất bản đến ngày 1 tháng 6 năm 2021. Các bài báo đủ điều kiện bao gồm các nghiên cứu đã được bình duyệt, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng và các nghiên cứu quan sát có báo cáo về những phụ nữ đã thực hiện UO đang điều trị ART được KTBT bằng gonadotropin. Các kết quả chính được khảo sát là tỉ lệ mang thai và tỉ lệ trẻ sinh sống sau ART. Kết quả phụ bao gồm lượng gonadotropin được sử dụng trong quá trình gây phóng noãn và số lượng tế bào noãn thu được. Tiêu chí loại trừ của bài tổng quan này bao gồm các bài báo không đề cập đến các kết quả chính và các bài báo có các kết quả chính nhưng sử dụng các phác đồ kích thích buồng trứng không có gonadotropin.
 
Tổng cộng có 129 bài báo từ năm 1984 đến 2018 được đưa vào phân tích với 1.057 chu kỳ IVF / ICSI ở phụ nữ có UO trước đó và 45.813 chu kỳ IVF / ICSI đối chứng ở phụ nữ có buồng trứng nguyên vẹn. Kết quả cho thấy tỉ lệ trẻ sinh sống có tỉ số odd (OR) thấp hơn đáng kể ở những phụ nữ đã UO trước đó so với nhóm chứng (OR = 0,72, 95% KTC, 0,57-0,91). Ngoài ra, OR cho tỉ lệ có thai trên mỗi chu kỳ điều trị cũng thấp hơn đáng kể ở những phụ nữ có UO trước đó (OR = 0,70, 95% KTC, 0,57-0,86). Ở nhóm phụ nữ đã UO, liều gonadotropin được sử dụng cao hơn đáng kể và số lượng tế bào noãn thu được thấp hơn đáng kể so với nhóm phụ nữ chưa từng trải qua UO.
 
Bài tổng quan này đã cho thấy tác động bất lợi của UO đối với tỉ lệ mang thai và tỉ lệ trẻ sinh sống. Ngoài ra, sự giảm nhạy cảm của buồng trứng với gonadotropins và số lượng tế bào noãn được thu nhập thấp hơn ở những phụ nữ trải qua UO trước đó cũng đã được chứng minh thông qua báo cáo trên. Từ những kết quả này, nhóm tác giả cũng đề xuất việc bảo tồn khả năng sinh sản nên được xem xét trước khi thực hiện UO ở những phụ nữ có nhiều nguy cơ cần điều trị ART. Mặt khác, đối với những phụ nữ mắc u nang lành tính hoặc nguy cơ u ác tính thấp và có mong muốn được thực hiện ART trong tương lai, cần cân nhắc khả năng thực hiện các thủ thuật cắt bỏ một phần buồng trứng, chẳng hạn như cắt u nang. Cuối cùng, cần cung cấp một cách rõ ràng và đầy đủ các thông tin cho bệnh nhân UO về khả năng sinh sản trong tương lai của họ, đặc biệt nếu khả năng sinh sản của họ đã thấp tại thời điểm tiến hành thủ thuật.
 
Nguồn: Rodriguez-Wallberg, K. A., Nilsson, H. P., & Lind, T. Live birth and pregnancy rates after in vitro fertilization/intracytoplasmic sperm injection in women with previous unilateral oophorectomy: a systematic review and meta-analysis. Fertility and Sterility. 2022.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK