Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 09-03-2022 11:52pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Mang thai và sinh con là những khía cạnh quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của phụ nữ sau điều trị ung thư. Vì vậy, việc bảo tồn khả năng sinh sản cho trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư ngày càng được khuyến khích. Trong hai thập kỷ qua đã có rất nhiều tiến bộ đáng kể được ghi nhận trong việc bảo quản lạnh phôi, noãn và mô buồng trứng. Trong đó, trữ lạnh mô buồng trứng (Ovarian tissue cryopreservation - OTC) từ lâu đã được coi là một kỹ thuật thực nghiệm. Mô buồng trứng sau khi rã đông có thể được cấy ghép vào khung chậu hoặc các vị trí thay thế như mô dưới da của thành bụng. Hiện nay trên thế giới đã có hơn 130 ca sinh được báo cáo sau khi cấy ghép mô buồng trứng (Ovarian tissue transplantation - OTT), điều này cho thấy phương pháp này có thể được thực hiện ở một số quốc gia. Tuy nhiên, các khuyến nghị liên quan đến OTC, đặc biệt là đối với những bệnh nhân trước đây đã tiếp xúc với hóa trị điều trị ung thư vẫn còn tranh cãi. Dựa theo nhiều kết quả nghiên cứu, hóa trị làm tăng tỉ lệ bất thường trong tế bào hạt và không bào noãn, đồng thời tạo ra các biến đổi mạch máu và xơ hóa buồng trứng. Bên cạnh đó, sự thay đổi dự trữ nang noãn trong buồng trứng còn tùy thuộc vào loại và liều lượng hóa trị, cũng như tuổi của bệnh nhân tại thời điểm điều trị. Một số trường hợp phục hồi chức năng buồng trứng từ cấy ghép mô buồng trứng được trữ lạnh sau khi bắt đầu hóa trị đã được báo cáo. Ca sinh đầu tiên sau khi cấy ghép mô buồng trứng đã trải qua hóa trị được công bố vào năm 2005. Vào năm 2016, một nhóm nghiên cứu công bố một báo cáo về 10 bệnh nhân được cấy ghép mô vỏ buồng trứng có tiếp xúc với hóa trị trước khi trữ lạnh. Tổng cộng 40% những bệnh nhân này đã có ít nhất một con sau khi cấy ghép mô buồng trứng. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân tiếp xúc với hóa trị trong các nghiên cứu là khá thấp, tính khả thi và hiệu quả của OTT trong các trường hợp này vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ. Vì vậy, nghiên cứu này (2019) đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả của việc cấy ghép tự thân mô vỏ buồng trứng bảo quản lạnh trong một nhóm lớn bệnh nhân mong muốn có thai, có tiếp xúc với hóa trị trước đó nhằm mục đích ghi nhận lại hậu quả của việc tiếp xúc với hóa trị và xác định các yếu tố cơ bản liên quan đến thành công của OTT.
 
Phương pháp
Nghiên cứu này đánh giá sự phục hồi chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản ở 31 bệnh nhân trên 18 tuổi mong muốn có con đã thực hiện OTT từ năm 2005 đến năm 2015. Các bệnh nhân này được cấy ghép mô vỏ buồng trứng tự thân, trong số đó có 22 bệnh nhân (71%) đã tiếp xúc với hóa trị trước OTC. Các mô buồng trứng được thu thập bằng cách nội soi hoặc phẫu thuật mở ổ bụng bởi các nhóm phẫu thuật khác nhau tùy theo trung tâm. Ở tất cả các trung tâm, dimethylsulphoxide (DMSO) được sử dụng làm chất bảo quản lạnh và quy trình đông lạnh chậm đã được thực hiện.

Vào ngày OTT, các mảnh mô buồng trứng được rã đông theo quy trình rã đông nhanh. Sau khi được đưa đến phòng mổ, các mảnh mô sẽ được cấy ghép cho bệnh nhân ở cùng hoặc khác vị trí. Mỗi tháng sau khi thực hiện OTT, các xét nghiệm FSH, LH, estradiol, AMH và theo dõi siêu âm đều được thực hiện và ghi nhận. Tiêu chí được sử dụng để xác định sự phục hồi hoàn toàn của chức năng buồng trứng (Ovarian function recovery - OFR) là sự xuất hiện của kinh nguyệt. Sự tương quan giữa tỉ lệ OFR, tỉ lệ sống sót của mô buồng trứng và tỉ lệ mang thai với việc tiếp xúc với hóa trị, loại liệu pháp hóa trị và đặc điểm của mảnh mô ghép (số lượng mảnh mô ghép và mật độ nang) đã được đánh giá. Những bệnh nhân đã trải qua hóa trị được phân vào nhóm trên 3 tháng hoặc dưới 3 tháng dựa vào thời gian giữa đợt hóa trị cuối cùng đến thời điểm thu thập mô buồng trứng. Trong một số trường hợp, hóa trị liên quan đến các tác nhân alkyl hóa (BFAA; cyclophosphamide, procarbazine, busulfan và ifosfamide) cũng được ghi nhận.

 
Kết quả chính:
  • Tại thời điểm 1 năm sau OTT, tỉ lệ tích lũy OFR là 83% (93% ở bệnh nhân tiếp xúc với hóa trị và 67% ở những người khác (P = 0,14)). Ngoài ra, mật độ nang từ 0,3 nang/mm2 trở lên trong mô cấy và số lượng mảnh mô ghép cao (>16) có liên quan đáng kể đến việc phục hồi chức năng buồng trứng nhanh hơn.
  • Tỉ lệ sống sót của mảnh mô ghép sau 2 năm OTT là 77%. Tỉ lệ này thấp hơn đáng kể ở những bệnh nhân tiếp xúc với các chất alkyl hóa và ở những bệnh nhân có mật độ nang noãn thấp.
  • Tỉ lệ thai tích lũy 3 năm sau OTT lên đến 36% ở nhóm hóa trị hơn 3 tháng và 49% ở nhóm dưới 3 tháng, không có sự khác biệt về tỉ lệ thai giữa hai nhóm thời gian tiếp xúc với hóa trị.
  • Tỉ lệ phụ nữ sinh được một con trở lên sau OTT là 23% trong tổng số bệnh nhân, 0% (0/9) ở nhóm không trải qua hóa trị trước đó, và 32% (7/22) trong nhóm đã có hóa trị trước đó. Tổng cộng có 13 ca mang thai và 8 ca sinh nở trên 7 bệnh nhân. Kết quả này cho thấy chức năng của các mảnh mô được ghép không bị ảnh hưởng, cho dù liệu pháp hóa trị có diễn ra trước khi thu thập mô buồng trứng hay không.
 
Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định rằng mật độ nang noãn, số lượng mảnh mô ghép và việc tiếp xúc với các chất alkyl hóa trước OTC có thể dự đoán được tỉ lệ OFR, tỉ lệ sống sót của mảnh ghép buồng trứng và tỉ lệ có thai sau OTT, từ đó điều chỉnh việc quản lý bệnh nhân trong những trường hợp này. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân có thể tham gia những nghiên cứu như trên là khá ít, những bệnh lý của hai nhóm bệnh nhân trong nghiên cứu này lại không được đề cập và so sánh rõ ràng. Trong nhóm đã trải qua hóa trị trước OTC, có 95% bệnh nhân mắc các bệnh máu ác tính. Ở nhóm bệnh nhân không hóa trị trước OTC chỉ có 1 trong số 9 bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, trong khi 44% mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến buồng trứng.
 
Cho đến nay, người ta biết rất ít về hiệu quả của OTT ở những bệnh nhân tiếp xúc với hóa trị ung thư trước OTC. Nghiên cứu này đã cho thấy việc tiếp xúc trước với hóa trị trong điều trị ung thư không làm gián đoạn chức năng của mô buồng trứng được trữ lạnh sau khi cấy ghép. Điều này cũng chỉ ra rằng các liệu pháp hóa trị ung thư không còn được coi là giới hạn của trữ lạnh mô buồng trứng và các khuyến nghị hiện tại về vấn đề này nên được sửa đổi.
 
Nguồn: Poirot, C., Fortin, A., Lacorte, J.M., và cộng sự. Impact of cancer chemotherapy before ovarian cortex cryopreservation on ovarian tissue transplantation. Human Reproduction. 2019. 34(6): 1083-1094.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Lão hóa và sự sinh tinh - Ngày đăng: 09-03-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK