Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 07-03-2022 5:46pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Trần Thị Thuỳ An
 
COVID-19 bùng phát do nhiễm coronavirus (SARS-CoV-2) gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng đã trở thành một đại dịch trên toàn cầu. Tiêm phòng hàng loạt tại các nước trên thế giới là một chiến lược quan trọng để giảm thiểu bệnh tật và thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng nhằm kiểm soát đại dịch.
 
Vắc xin ngừa COVID-19 được phân thành bốn loại: vắc xin virus bất hoạt, vắc xin vectơ virus, vắc xin axit nucleic và vắc xin dựa trên protein.
 
Chiến dịch tiêm chủng đi kèm những lo ngại về ảnh hưởng bất lợi liên quan đến miễn dịch đối với khả năng sinh sản của phụ nữ.
 
SARS-CoV-2 bị nghi ngờ có hại cho khả năng sinh sản của nữ giới do sự biểu hiện của ACE-2 và thụ thể serine xuyên màng loại 2 (TMPRSS-2) trong hệ sinh sản. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu lâm sàng cho thấy chức năng buồng trứng và kết quả IVF không thay đổi ở những bệnh nhân có tiền sử nhiễm trùng.
 
Về vắc-xin COVID-19, các tác dụng liên quan đến miễn dịch có các cơ chế sinh học liên quan đến khả năng vô sinh. Các tế bào miễn dịch tham gia vào các quá trình tại buồng trứng và giải phóng các cytokine cần thiết cho sự phát triển bình thường của nang trứng. Những phụ nữ bị tăng hoạt hóa tế bào T có nhiều khả năng thất bại làm tổ. Do đó, phản ứng miễn dịch được kích hoạt sau khi tiêm chủng có thể dẫn đến việc điều trị IVF không thành công. Mặt khác, tiêm chủng có thể tạo ra sự tổng hợp các kháng thể kháng phospholipid (aPL), chẳng hạn như anti-cardiolipin, anti-b2 glycoprotein I và anti-phosphatidylserine/prothrombin, thúc đẩy sự phát triển của huyết khối miễn dịch và giảm tiểu cầu dẫn đến vô sinh, thất bại trong quá trình làm tổ cũng như sẩy thai tái phát.

Mục đích của nghiên cứu này nhằm điều tra toàn diện ảnh hưởng của việc tiêm vắc xin SARS-CoV-2 bất hoạt ở phụ nữ đối với các đặc điểm chu kỳ, các thông số xét nghiệm và kết quả mang thai trong quá trình điều trị IVF.
 
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu hồi cứu bao gồm 2185 bệnh nhân trải qua các chu kỳ IVF mới từ ngày 1/ 6 - 13/9/2021. Thông tin sử dụng vắc xin được thu thập và xác định thông qua hồ sơ tiêm chủng. Bệnh nhân sử dụng hai liều vắc-xin SARS-CoV-2 bất hoạt (Sinopharm hoặc Sinovac) được phân loại vào nhóm đã tiêm chủng (n = 150), những bệnh nhân không được chích ngừa là nhóm đối chứng (n = 2035).
Đánh giá ghép cặp dựa trên điểm xu hướng được thực hiện để cân bằng các đặc điểm cơ bản (14 biến) giữa hai nhóm với tỷ lệ 1: 4. Nhóm nghiên cứu chọn 14 biến để ước tính điểm số xu hướng trong mô hình hồi quy logistic bao gồm: tuổi, BMI, thời gian vô sinh, loại vô sinh, các bệnh vô sinh (6 biến), số lượng nang noãn, số lần IVF, quy trình kích thích buồng trứng và phương pháp thụ tinh. Các kết quả chính là số lượng trứng thu được, tỷ lệ phôi tốt và tỷ lệ thai lâm sàng.
 
Kết quả
Trước khi kết hợp, hai nhóm có sự khác biệt đáng kể về tuổi mẹ (P <0,001), nguyên nhân vô sinh do ống dẫn trứng (P=0,030) và quy trình kích thích buồng trứng (P <0,001). Sau khi so sánh điểm xu hướng, 146 phụ nữ trong nhóm được tiêm chủng và 584 người ở nhóm chưa được tiêm chủng. Tất cả các biến được điều chỉnh tương tự nhau. Đối với phụ nữ được tiêm chủng, khoảng thời gian trung bình giữa liều vắc xin thứ hai đến khi bắt đầu điều trị IVF là 72,4 ± 57,0 ngày.
 
Số lượng tế bào trứng thu được (9,9 ± 7,1 so với 9,9 ± 6,7; P = 0,893), tỷ lệ phôi chất lượng tốt (33,5 ± 29,8% so với 29,9 ± 28,6%; P = 0,184) và tỷ lệ có thai lâm sàng (59,1% so với 63,6%; P = 0,507), tỷ lệ có thai sinh hóa (65,2% so với 73,7%; P = 0,171) và làm tổ (45,4% so với 46,7%; P = 0,803) đều giống nhau giữa hai nhóm. Ngoài ra, không có sự khác biệt đáng kể nào liên quan đến các đặc điểm khác, các thông số xét nghiệm và kết quả mang thai. Không có sự khác biệt đáng kể nào liên quan đến thời gian kích thích, tổng liều gonadotropin, cũng như nồng độ hormone sinh dục trong huyết thanh, độ dày nội mạc tử cung và số lượng nang ≥14 mm vào ngày kích hoạt. Số lượng trứng thu được, trứng MII, 2PN, phôi đã phân cắt và phôi ngày 3 chất lượng tốt cũng tương đương nhau giữa hai nhóm. Không có ý nghĩa thống kê khi so sánh tỷ lệ thu hồi noãn, tỷ lệ noãn trưởng thành, tỷ lệ thụ tinh bình thường, tỷ lệ phân cắt, tỷ lệ phôi tốt, tỷ lệ hình thành phôi nang và tỷ lệ phôi nang thu được.
 
Nghiên cứu cũng so sánh khi bệnh nhân được tiêm chủng (được chia nhỏ thành ba loại), dựa trên khoảng thời gian từ khi tiêm chủng đến khi bắt đầu chu kỳ: ≤ 1 tháng, > 1– 2 tháng và > 2 tháng. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào về kết quả xét nghiệm hoặc mang thai.
 
Kết luận
Nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho thấy việc tiêm vắc xin SARS-CoV-2 bất hoạt ở phụ nữ không dẫn đến bất kỳ tác động bất lợi nào có thể đo lường được khi điều trị IVF.
 
Nguồn: Huang J, Xia L, Lin J, Liu B, Zhao Y, Xin C, Ai X, Cao W, Zhang X, Tian L, Wu Q (2022). No Effect of Inactivated SARS-CoV-2 Vaccination on in vitro Fertilization Outcomes: A Propensity Score-Matched Study. Journal of Inflammation Research, 15:839-849.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK