Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 15-02-2022 3:06pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thành Nam - IVFMD SIH - Bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn

Lựa chọn phôi chuyển là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), và trong suốt gần 40 năm qua thì lựa chọn phôi bằng hình thái là tiêu chuẩn vàng của các trung tâm TTTON. Tuy nhiên việc đánh giá thủ công hình thái phôi thường mất thời gian, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của chuyên viên phôi học dẫn đến độ chính xác và sự đồng thuận chưa cao. Trong những thập niên trước, việc nuôi cấy và sử dụng phôi chủ yếu thực hiện đến giai đoạn phôi phân chia ngày 3, tuy nhiên gần đây, chiến lược nuôi phôi ngày 5 đã ngày càng được ưu tiên sử dụng với mục tiêu chuyển đơn phôi nhằm tăng sự thành công và an toàn thai kì cho bệnh nhân. Tuy vậy, việc lựa chọn phôi chuyển cũng chỉ dựa vào tiêu chí hình thái, và cho đến hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào tốt nhất để lựa chọn phôi nang chuyển cho bệnh nhân.
Công nghệ timelapse giúp quan sát động học hình thái phôi ở từng giai đoạn phát triển của phôi thông qua một camera quan sát được đặt trong tủ nuôi cấy. Thuật toán EevaTM (Early Embryo Viability Assessment) là một trong những ứng dụng được thương mại hóa, sản phẩm này được kết hợp với phần mềm phân tích phôi trên tủ cấy timelapse từ năm 2012. EevaTM có thể phân tích tự động tiến trình phát triển liên tục của phôi và kết hợp với các dữ liệu có sẵn để tiên lượng khả năng hình thành phôi nang dựa vào các đặc điểm động học hình thái phôi ngày 3 mà hệ thống ghi nhận được. Do đó việc sử dụng EevaTM giúp chọn lựa phôi ngày 3 tiềm năng mà không cần phải nuôi cấy dài ngày tới phôi nang sẽ giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực.
 
Cho tới nay chỉ có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả của phần mềm EevaTM lên chọn lựa phôi ngày 3 và cũng ít nghiên cứu cho thấy được sự quan trọng của phần mềm này. Do đó nhóm nghiên cứu của Alberto Revelli và cộng sự (2019) tiến hành nghiên cứu so sánh hiệu quả lựa chọn phôi của phần mềm EevaTM so với lựa chọn phôi theo hình thái thông thường trong hai trường hợp: chuyển 2 phôi ngày 3 và chuyển đơn phôi ngày 5.
 
Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện từ tháng 3/2016 đến tháng 7/2018 với 328 chu kỳ chuyển phôi và được chia làm 4 nhóm là:
  • Nhóm chuyển 2 phôi ngày 3 lựa chọn theo hình thái đơn thuần (DET-3 M, n=106, gồm 212 phôi)
  • Nhóm chuyển 2 phôi ngày 3 lựa chọn theo hình thái kết hợp EevaTM (DET-3 ME, n=48, gồm 96 phôi)
  • Nhóm chuyển đơn phôi ngày 5 lựa chọn theo hình thái đơn thuần (SET-5 M, n=126, gồm 126 phôi)
  • Nhóm chuyển đơn phôi ngày 5 lựa chọn theo hình thái kết hợp EevaTM (SET-5 ME, n=48, gồm 48 phôi)
 
Trong nghiên cứu này, để đánh giá phôi dựa theo hình thái, nhóm nghiên cứu đã dựa trên tiêu chuẩn Integrated Morphology Cleavage Score (IMCS). Đây là phương pháp chấm điểm phôi duy nhất được xây dựng dựa trên bằng chứng. IMCS được thiết lập từ kết quả so sánh phôi đã làm tổ với phôi không làm tổ trong một số lượng lớn các chu kỳ IVF khi chuyển 2 phôi (DET). Do đó IMCS đã được kết hợp trong một mô hình dự đoán kết quả IVF phức tạp, dùng dự đoán ca sinh sống với độ chính xác đáng kể. Dựa trên việc lựa chọn phôi bằng hình thái với tiêu chuẩn IMCS, người ta thực hiện chuyển 2 phôi ngày 3 hoặc 1 phôi ngày 5 cho bệnh nhân. SET được chọn khi có ít nhất 4 phôi ngày 3 đạt điểm tốt (> 8/10 theo tiêu chí IMCS); trong trường hợp này, việc lựa chọn hình thái phôi nang vào ngày 5 được thực hiện và phôi chuyển được chọn có tính đến cả điểm IMCS và điểm hình thái phôi nang.
 
Tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai diễn tiến và tỷ lệ đa thai của 4 nhóm được so sánh với nhau.
 
Kết quả
  • Tỷ lệ làm tổ ở nhóm chuyển 2 phôi ngày 3: nhóm lựa chọn bằng EevaTM có tỷ lệ cao hơn nhiều so với nhóm lựa chọn bằng hình thái (44,8% so với 30,2%) và kết quả này có ý nghĩa thống kê (p<0,002).
  • Tỷ lệ làm tổ ở nhóm chuyển đơn phôi ngày 5: nhóm lựa chọn bằng EevaTM có tỷ lệ cao hơn so với nhóm lựa chọn bằng hình thái (50,0% so với 49,2%) nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
  • Tỷ lệ thai lâm sàng, thai diễn tiến: không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 4 nhóm.
Như vậy phần mềm EevaTM tỏ ra rất hiệu quả trong việc lựa chọn phôi trong nhóm phôi ngày 3, tuy nhiên ở nhóm phôi ngày 5 vẫn chưa thấy sự khác biệt giữa 2 phương pháp.
 
Kết luận
Nhìn chung, nhóm nghiên cứu thấy rằng khi chuyển 2 phôi ngày 3 bằng cách sử dụng hình thái học cộng với Eeva ™ (nhóm DET-3 ME), tỷ lệ làm tổ cao hơn đáng kể so với khi chỉ sử dụng IMCS (Nhóm DET-3 M); Ngoài ra tỷ lệ làm tổ của phôi được chọn lọc Eeva ™ vào ngày 3 (nhóm DET-3 ME) tương đương với tỷ lệ nhóm chuyển phôi ngày 5 chỉ được lựa chọn theo hình thái (nhóm SET-5 M). Điều này cho thấy rằng khi Eeva ™ được sử dụng để chọn phôi, chỉ nên chuyển một phôi vào tử cung để hạn chế đa thai - mặt khác, cũng chứng minh rằng Eeva ™ có hiệu quả đáng kể trong việc xác định phôi ngày 3 nào tốt nhất.
Tỷ lệ làm tổ cũng tương đương giữa 2 nhóm chuyển 1 phôi ngày 5, cho dù có hoặc không sử dụng EevaTM, vì vậy có thể thấy EevaTM chỉ thực sự có hiệu quả khi nuôi phôi đến giai đoạn ngày 3. Do đó, EevaTM nên được lựa chọn làm công cụ để đánh giá tiên lượng khả năng phát triển và làm tổ của phôi ngày 3, đặc biệt hiệu quả ở nhóm bệnh nhân không thể nuôi ngày 5.
 
Tài liệu tham khảo: Revelli, A., Canosa, S., Carosso, A. et al. Impact of the addition of Early Embryo Viability Assessment to morphological evaluation on the accuracy of embryo selection on day 3 or day 5: a retrospective analysis. J Ovarian Res 12, 73 (2019). https://doi.org/10.1186/s13048-019-0547-8

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK