Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 14-03-2022 5:30pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thành Nam - IVFMD SIH - Bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn
 
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ để sàng lọc lệch bội (preimplantation genetic testing for aneuploidy - PGT-A) đã được áp dụng ngày càng phổ biến trong điều trị hiếm muộn. Chỉ định chủ yếu của xét nghiệm này là nhóm bệnh nhân lớn tuổi, thất bại làm tổ nhiều lần, sẩy thai liên tiếp, các trường hợp vô sinh nam nghiêm trọng, hoặc lựa chọn đơn phôi để chuyển.
 
Tuy nhiên hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến hiệu quả của xét nghiệm PGT-A, trong đó 2 vấn đề lớn nhất đó là “đối tượng” nào nên thực hiện và “thời điểm”  tốt nhất để thực hiện kỹ thuật.
 
Sinh thiết phôi ngày 5 vẫn đang được áp dụng rộng rãi trong các trung tâm IVF, tuy nhiên sinh thiết phôi ngày 3 cũng có một số ưu điểm nhất định do giải quyết được nguy cơ không có phôi ngày 5 để sinh thiết. Một số nghiên cứu chỉ ra việc sinh thiết phôi ngày 3 làm giảm độ chính xác trong xét nghiệm PGT-A do tăng tỷ lệ khảm, một số nghiên cứu khác thì cho rằng tỷ lệ khảm là tương đồng giữa hai thời điểm. Do đó trong những năm gần đây vẫn chưa có đồng thuận về việc nên sinh thiết phôi ngày 3 hay ngày 5.
 
Về hiệu quả thật sự của PGT-A thì đã có một số phân tích gộp đánh giá hiệu quả lâm sàng của PGT-A và hai trên ba bài phân tích cho thấy PGT-A khi kết hợp với kỹ thuật FISH có gia tăng tỷ lệ thai lâm sàng và thai sinh sống so với chu kỳ bình thường. Tuy nhiên thời gian thực hiện các phân tích trên đã lâu cộng với sự hoàn chỉnh của kỹ thuật đông lạnh phôi thì kết quả có thể không còn chính xác.
 
Nhóm nghiên cứu của Mara Simopoulou và cộng sự (2021) đã thực hiện một tổng quan hệ thống nhằm xác định nhóm tuổi bệnh nhân thích hợp nhất cho PGT-A và thời điểm tốt nhất để sinh thiết phôi.
 
Nghiên cứu này phân tích hiệu quả lâm sàng trên đối tượng bệnh nhân và trên từng chu kì chuyển phôi. Cách phân tích này nhằm đánh giá hiệu quả của từng phôi sau PGT-A vì chỉ có phôi nguyên bội là nên chuyển còn phôi khảm thì việc chuyển phôi tùy thuộc vào ý kiến của bệnh nhân.
 
Phương pháp
Số liệu được tìm kiếm từ các nguồn trên Medline/Pubmed, Embase và Cochrane đến tháng 5/2020. 11 nghiên cứu RCT có sử dụng PGT-A để sàng lọc nhiễm sắc thể toàn diện (comprehensive chromosomal screening - CCS) vào ngày 3 hoặc ngày 5. Số liệu tổng hợp từ các nghiên cứu được thực hiện dựa trên mục tiêu của nghiên cứu:
- Phân tích 1: PGT-A trên những BN nhóm tuổi khác nhau
- Phân tích 2: Sinh thiết phôi PGT-A trên thời điểm khác nhau (ngày 3 hay ngày 5)
Độ tuổi dân số chung được chia ra thành các phân nhóm sau:
-  Phân nhóm1: Tuổi bệnh nhân £35 tuổi
-  Phân nhóm2: Tuổi bệnh nhân >35 tuổi
 
Kết cục chính: Tỷ lệ thai sinh sống trên mỗi bệnh nhân và tỷ lệ sẩy thai trên thai lâm sàng
 
Kết cục phụ: tỷ lệ thai diễn tiến trên mỗi bệnh nhân, tỷ lệ thai lâm sàng trên mỗi bệnh nhân, tỷ lệ sinh sống tích lũy trên mỗi bệnh nhân, tỷ lệ sinh sống trên mỗi chu kì chuyển phôi, tỷ lệ thai diễn tiến trên mỗi chu kì chuyển phôi, tỷ lệ thai lâm sàng trên mỗi chu kì chuyển phôi và tỷ lệ sinh sống tích lũy trên mỗi chu kì chuyển phôi.
 
KẾT QUẢ PGT-A TRÊN NHỮNG NHÓM TUỔI BN KHÁC NHAU:
  • Tỷ lệ sinh sống trên mỗi bệnh nhân:
Trong dân số chung không có sự khác biệt giữa 2 nhóm (RR: 1,11; 95% KTC: 0,87–1,42;  n=1513) .
Trong phân nhóm 2 (>35t) có gia tăng tỷ lệ thai sinh sống trên nhóm sử dụng PGT-A (RR: 1,29; 95% KTC: 1,05–1,60; n=629)
Trong phân nhóm 1 (£35t) không có sự khác biệt (RR: 0,97; 95% KTC: 0,70–1,36; n=666)
  • Tỷ lệ sẩy thai trên thai lâm sàng:
Trong dân số chung thì có giảm tỷ lệ sẩy thai trên nhóm sử dụng PGT-A  (RR: 0,36; 95% KTC: 0,17–0,73; n=912) .
Trong phân nhóm 2 (>35t) không có sự khác biệt (RR: 0,24; 95% KTC: 0,12–1,37; n=263)
Trong phân nhóm 1 (£35t) không có sự khác biệt (RR: 0,86; 95% KTC: 0,38–1,95; n=412).
  • Tỷ lệ thai diễn tiến trên mỗi bệnh nhân:
Trong dân số chung không có sự khác biệt giữa 2 nhóm (RR: 1,31; 95% KTC: 0,90–1,91; n=933).
  • Tỷ lệ thai lâm sàng trên mỗi bệnh nhân:
Trong dân số chung không có sự khác biệt giữa 2 nhóm (RR: 1,14; 95% KTC: 0,95–1,37; n=1824).
Trong phân nhóm 2 (>35t) không có sự khác biệt (RR: 1,07; 95% KTC: 0,89–1,28; n=627)
Trong phân nhóm 1 (£35t) không có sự khác biệt (RR: 0,96; 95% KTC: 0,68–1,35; n=769)
  • Tỷ lệ sinh sống cộng dồn trên mỗi bệnh nhân:
Trong dân số chung có tăng tỷ lệ sinh sống cộng dồn trên nhóm sử dụng PGT-A (RR: 1,36; 95% KTC: 1,13–1,64; n=580)
  • Tỷ lệ sinh sống trên mỗi chu kì chuyển phôi:
Trong dân số chung thì có gia tăng tỷ lệ sinh sống trên nhóm sử dụng PGT-A (RR: 1,32 95% KTC: 1,04–1,66; n=1334) .
Trong phân nhóm 2 (>35t) thì có gia tăng tỷ lệ thai sinh sống trên nhóm sử dụng PGT-A  (RR: 1,51; 95% KTC: 1,02–2,23; n=495)
Trong phân nhóm 1 (£35t) không có sự khác biệt (RR: 0,94; 95% KTC: 0,80–1,11; n=511)
  • Tỷ lệ thai diễn tiến trên mỗi chu kì chuyển phôi:
Trong dân số chung thì có gia tăng tỷ lệ thai diễn tiến trên nhóm sử dụng PGT-A (RR: 1,36; 95% KTC: 1,03–1,79; n=859) .
  • Tỷ lệ thai lâm sàng trên mỗi chu kì chuyển phôi:
Trong dân số chung thì có gia tăng tỷ lệ thai lâm sàng trên nhóm sử dụng PGT-A (RR: 1,28; 95% KTC: 1,12–1,46; n=1673).
Trong phân nhóm 2 (>35t) thì có gia tăng tỷ lệ thai lâm sàng trên nhóm sử dụng PGT-A  (RR: 1.29; 95% KTC: 1.07–1.55 n=440)
Trong phân nhóm 1 (£35t) không có sự khác biệt (RR: 1,02; 95% KTC: 0,90–1,15; n=614)
  • Tỷ lệ thai sinh sống cộng dồn trên mỗi chu kì chuyển phôi:
Trong dân số chung thì có gia tăng tỷ lệ thai sinh sống cộng dồn trên nhóm sử dụng PGT-A (RR: 1,87; 95% KTC: 1,54– 2,27; n=694)
 
KẾT QUẢ SINH THIẾT PHÔI PGT-A TRÊN THỜI ĐIỂM KHÁC NHAU (NGÀY 3 HAY NGÀY 5):
  • Tỷ lệ sinh sống trên mỗi bệnh nhân:
Không có sự khác biệt giữa nhóm sinh thiết ngày 3 và ngày 5 (RR: 0,90; 95% KTC: 0,59-1,38)
  • Tỷ lệ sinh sống trên mỗi chu kì chuyển phôi:
Không có sự khác biệt giữa nhóm sinh thiết ngày 3 và ngày 5 (RR: 0,92; 95% KTC: 0,58-1,48)
Tuy nhiên nhóm sinh thiết ngày 5 có tỷ lệ sinh sống cao hơn nhóm ngày 5 không sinh thiết (RR: 1,37; 95% KTC: 1,03–1,82)

Bàn luận
Kết quả cho thấy PGT-A không cải thiện tỷ lệ sinh sống trên mỗi bệnh nhân trong dân số chung, đặc biệt PGT-A tỏ ra không hiệu quả đối với phụ nữ trẻ (≤35 tuổi), tuy nhiên trong nhóm phụ nữ lớn tuổi (>35 tuổi) PGT-A lại giúp cải thiện tỷ lệ sinh sống.
 
PGT-A cũng giúp cải thiện tỷ lệ sẩy thai ở nhóm dân số chung, tuy nhiên ở nhóm phụ nữ trẻ (≤35 tuổi) thì không thấy khác biệt.
 
PGT-A cũng không cải thiện tỷ lệ thai lâm sàng ở dân số chung và cả 2 nhóm tuổi, tuy nhiên ở nhóm phụ nữ lớn tuổi (>35 tuổi) nhờ cải thiện tỷ lệ thai sẩy thai nên PGT-A giúp duy trì cơ hội mang thai cao hơn giúp cải thiện tỷ lệ sinh sống ở nhóm này.
 
Khi đánh giá ảnh hưởng của PGT-A trên mỗi chu kì chuyển phôi ta thấy phương pháp này đạt được hiệu quả cao trong việc gia tăng tỷ lệ sinh sống, thai lâm sàng trong dân số chung. Điều này cho thấy ưu điểm vượt trội của PGT-A trong việc chọn lựa phôi trong những trường hợp cần chuyển đơn phôi.
 
Tương tự, đánh giá trên từng bệnh nhân khi chia ra 2 nhóm tuổi cho thấy PGT-A cũng ảnh hưởng nhiều đến nhóm phụ nữ lớn tuổi (>35 tuổi) khi gia tăng các kết quả sinh sống và thai lâm sàng cho nhóm này còn nhóm phụ nữ trẻ (≤35 tuổi) thì không thấy khác biệt.
 
Về việc so sánh thời điểm sinh thiết phôi ngày 3 và ngày 5: khi đánh giá trên từng bệnh nhân, 2 thời điểm này không có sự khác biệt. Tuy nhiên khi đánh giá trên từng chu kì chuyển phôi thì thời điểm sinh thiết ngày 5 có gia tăng tỷ lệ sinh sống, như vậy cũng có thể thấy khi lựa chọn chuyển đơn phôi thì sinh thiết phôi ngày 5 là cần thiết.
 
Kết luận
Tổng kết lại bài phân tích này cho thấy rằng phương pháp PGT-A sử dụng trên giai đoạn phôi nang, thực hiện trên phụ nữ lớn tuổi (>35 tuổi) giúp cải thiện kết quả thai lâm sàng và sinh sống một cách đáng kể. Mặc dù PGT-A có thể không trực tiếp cải thiện kết quả thai lâm sàng ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi nhưng nhờ việc giảm tỷ lệ sẩy thai PGT-A giúp họ giữ được thai kỳ và tăng tỷ lệ sinh sống. Tuy nhiên trong dân số chung đặc biệt ở nhóm phụ nữ trẻ (≤35 tuổi) thì PGT-A không giúp ích được nhiều, do đó lợi ích việc chỉ định PGT-A cho các bệnh nhân này cần thêm các nghiên cứu trong tương lai.
 
Tài liệu tham khảo: Mara Simopoulou & Konstantinos Sfakianoudis3 & Evangelos Maziotis & Petroula Tsioulou et al. PGT-A: who and when? Α systematic review and network meta-analysis of RCTs. Journal of Assisted Reproduction and Genetics · August 2021

Các tin khác cùng chuyên mục:
Lão hóa và sự sinh tinh - Ngày đăng: 09-03-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK