Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 15-03-2022 4:02pm
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Hà Thị Diễm Uyên - IVFMD SIH - Bệnh viện Phụ Sản Quốc tế Sài Gòn
 
Bài tổng quan này tập trung vào khái niệm về TÍNH LINH HOẠT của phôi tiền làm tổ, có được từ các bằng chứng gần đây qua sự phát triển của kĩ thuật timelapse và chẩn đoán di truyền phôi trước làm tổ (PGT), nhằm cập nhật lại thông tin chính xác hơn về ranh giới giữa sự phát triển phôi bình thường và bất thường.
 
Những tiến bộ trong timelapse và PGT đã cho thấy khả năng tự điều chỉnh và độ linh hoạt đáng kinh ngạc của phôi người tiền làm tổ in vitro. Nó cũng đặt ra những câu hỏi mới về định nghĩa của sự phát triển bình thường và bất thường và khả năng tương thích giữa các mô hình hình thái động học không điển hình và khả năng tồn tại của phôi. Việc loại trừ một hoặc nhiều phôi bào (blastomere) khỏi phôi dâu (sự nén phôi không hoàn toàn - partial compacting) là một ví dụ rõ ràng về sự sai lệch so với mô hình phát triển lý tưởng trong quá khứ - khi quá trình nén phải là sự diễn ra hoàn toàn của tất cả các phôi bào mới được cho là sự phát triển bình thường - và theo đó, quy ước kết quả làm tổ của những phôi "partial compacting" sẽ kém hơn. Tuy nhiên, hiện tượng trên có thể được hiểu là một cơ chế tự điều chỉnh mà qua đó phôi nhận ra và loại trừ các tế bào bất thường khỏi sự phát triển ở những giai đoạn tiếp theo. Với những thông tin mới dần dần thu được từ TLT (timelapse technology) và PGT-A, phôi học lâm sàng giúp xác định lại và diễn giải lại các mô hình phát triển đa dạng của phôi, tìm ra các cơ chế tự điều chỉnh có thể có từ các biểu hiện hình thái bất thường, và đạt được sự đồng thuận cập nhật và chính xác hơn về định nghĩa khả năng sống của phôi.
 
Sự thụ tinh
Alpha / ESHRE đồng thuận rằng thụ tinh bình thường được xác nhận khi quan sát thấy 2 tiền nhân (PN) và hai thể cực (PB) ở 16–18 giờ sau khi thụ tinh. Khi đó các PN được quan sát khác với 2PN rõ ràng được cho là không phát triển bình thường. Tỷ lệ thụ tinh bất thường phải rất nhỏ trong một chương trình IVF và có thể được sử dụng làm chỉ số hoạt động của labo. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã thách thức với đồng thuận về ''sự chính thống 2PN'', báo cáo noãn đã thụ tinh có 1, 3 hoặc thậm chí 0PN có thể tạo ra phôi lưỡng bội và sinh con sống bình thường. Hầu như các nghiên cứu được trích dẫn để đồng thuận 2PN là thụ tinh bình thường đều liên quan đến việc đánh giá thụ tinh bằng cách quan sát tĩnh tại thời điểm xác định, do đó ít nhất trong một tỷ lệ nhỏ trường hợp, đặc biệt là 1PN và 0PN, quá trình thụ tinh có thể đã bị phân loại bất thường là không chính xác. Reichman (2010) đã kiểm tra thụ tinh lần lượt vào lúc 16–18 giờ và 24–27 giờ chiều sau ICSI và kết quả thụ tinh 2PN phát triển thành 1PN hoặc 3PN trong 2,9% và 0,4% trường hợp. Những phôi ''1PN muộn'' có tỷ lệ làm tổ và mang thai lần lượt là 6,4% và 1,3%. Qua đó, nghiên cứu này khẳng định rằng quan sát tĩnh dễ bị sai sót trong việc phát hiện các bất thường lớn của quá trình thụ tinh. Ngoài ra, từ các quan sát miễn dịch huỳnh quang, DNA của cha và mẹ có thể cùng tồn tại trong một PN duy nhất, cho thấy DNA bộ gen của cha và mẹ có thể được đóng gói cùng nhau trong một ngăn hạt nhân. TLT cũng đã tiết lộ có sự phân chia tế bào xảy ra mặc dù không có sự hình thành PN và sự kiện như vậy rất hiếm. Nói chung, những kinh nghiệm được báo cáo ở trên nêu bật khái niệm rằng sự thụ tinh có thể không phải là một hiện tượng nhị phân, bình thường hay bất thường, như phần lớn người ta nghĩ hoặc xem xét từ quan điểm thực tế trong ART. Thay vào đó, có thể có khoảng dao động không chắc chắn, nhưng đến nay vấn đề này vẫn bị đánh giá thấp do các hạn chế về kỹ thuật hoặc theo yêu cầu tuân thủ các khuyến nghị về thực hành tốt.
 
Sự phân cắt đầu tiên
Lần phân bào đầu tiên là quá trình thụ tinh kết thúc. Đồng thuận cho rằng khi 2PN bị phá vỡ (breakdown), nhiễm sắc thể (NST) của cả mẹ và cha sẽ dung hợp thành một thoi phân bào lưỡng cực duy nhất, trước khi các nhiễm sắc tử chị em (chromatide) phân ly có trật tự trong hai phôi bào đầu tiên ở lần phân cắt đầu tiên. Tuy nhiên, những phát hiện mới về mô hình động vật gần đây đã thách thức quan điểm này và đặt ra những câu hỏi mới, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của con người. Reichmann và cộng sự (2018) đã chứng minh NST của cha và mẹ được tổ chức thành hai thoi phân bào riêng biệt, độc lập về mặt chức năng. Sự độc lập về chức năng của hai thoi vô sắc kéo dài cho đến giai đoạn anaphase sớm, khi các chromatide của cả bố và mẹ bắt đầu phân ly đồng thời. Tuy nhiên, hai thoi vô sắc vẫn khác biệt về mặt vật lý, mặc dù được đặt gần nhau. Điều này ngụ ý rằng các bộ gen của bố mẹ được phân tách riêng biệt ở lần phân cắt đầu tiên và sự dung hợp của chúng xảy ra ở giai đoạn 2 tế bào, không phải ở giai đoạn thụ tinh.
 
Phân chia bất thường
Mỗi chu kỳ nguyên phân bao gồm một chuỗi các quá trình phức tạp, thông thường sẽ dẫn đến sự phân tách thành hai tế bào con. Sự phân cắt bất thường như chu kỳ tế bào kéo dài hoặc nhanh chóng, có thể liên quan đến nhu cầu sửa chữa DNA, sắp xếp lại tế bào hoặc không thực hiện được các checkpoint (điểm kiểm soát) chu kỳ tế bào.
 
Phân chia trực tiếp / nguyên phân multichotomous (chia thành nhiều tế bào)
Hiện tượng phân chia ''trực tiếp'' từ 1 thành nhiều hơn 2 tế bào con còn được mô tả chính xác hơn là nguyên phân thành ba hoặc nhiều tế bào, hoặc đa cực (tri-, multi-chotomous, hoặc multipolar mitosis). Multichotomous có thể là nguyên nhân gây ra thể lệch bội trong tế bào do sự phân bố bất thường của NST giữa các tế bào con và có liên quan đến giảm đáng kể sự phát triển của phôi, tiềm năng làm tổ và tỷ lệ lưỡng bội. Một đánh giá gần đây về sự phân chia bất thường ở các phôi giai đoạn phân cắt sớm nhưng qua karyomapping cho thấy nguyên phân ba cực đã xảy ra với sự phân li nhiễm sắc thể bình thường trong các phôi này. Destouni (2018) báo cáo rằng noãn thụ tinh bình thường có thể trải qua quá trình phân chia bất thường.
 
Sự phân tách nhanh chóng
Có thể phân biệt được phân chia trực tiếp với phân chia nhanh bằng cách sử dụng timelapse vì phôi được quan sát thực hiện phân chia sớm hoặc nhanh trong vòng 5 giờ kể từ lần phân chia tế bào trước đó. Một chu kỳ tế bào ngắn có thể không đủ để cho phép sao chép và sửa chữa DNA hoàn chỉnh trước khi liên kết nhiễm sắc thể, và tỷ lệ làm tổ của những phôi này thấp hơn khi so sánh với các phôi có chu kỳ tế bào dài hơn.
 
Loại trừ các tế bào do nguyên phân không bình thường
Một số nghiên cứu từ timelapse đã báo cáo về sự ngừng phát triển hoặc loại trừ phôi bào ra khỏi sự nén phôi, kết quả từ nguyên phân bất thường và đã đưa ra giả thuyết đây là một nỗ lực để tự sửa chữa hoặc giải cứu khỏi thể lệch bội.
 
Sự hình thành/ tái hấp thụ mảnh vỡ (Fragment)
Sự phân mảnh của phôi tiền làm tổ là một đặc điểm chung và đặc trưng của những lần phân chia tế bào đầu tiên, và những phân mảnh tế bào chất lớn có thể chứa các nhiễm sắc thể liên quan đến sự loại trừ bất thường. Sự phân mảnh trong phôi sớm và sự kết hợp lại các mảnh thành phôi bào đã được quan sát thấy, mục đích và cơ chế liên quan vẫn chưa rõ ràng nhưng có thể liên quan đến nỗ lực tự điều chỉnh hệ gen bên trong.
 
Phân chia ngược
Phân chia ngược được định nghĩa là giảm số lượng tế bào phôi do sự hợp nhất phôi bào giai đoạn phân cắt sớm, và tiềm năng làm tổ kém. Hiện tượng này có thể dẫn đến thể lệch bội hoặc đa bội - đặc biệt nếu các tế bào anh chị em hợp nhất. Tuy nhiên, cơ chế và tác động vẫn chưa rõ ràng và phôi đã trải qua quá trình phân chia ngược mà vẫn đạt đến giai đoạn phôi nang cho thấy không có bằng chứng về mối liên quan với thể lệch bội.
 
Đa nhân (Multinucleation)
Đa nhân là sự hiện diện của hai hoặc nhiều nhân ở bất kỳ kích thước nào. Đa nhân có thể đại diện cho dấu hiệu của tình trạng NST bất thường hoặc sự phân ly NST bất thường, do đó dẫn đến có khả năng gây chết đối với các phôi bào đơn lẻ hoặc toàn bộ phôi. Theo các nghiên cứu, kết quả đa nhân xảy ra ở phôi 2 tế bào nhiều hơn so với phôi 4 tế bào. Dựa trên công nghệ FISH để phát hiện NST, một nghiên cứu trên phôi hai tế bào với cả hai phôi bào có hai hoặc nhiều nhân được nuôi cấy cho đến ngày 2-3, phát hiện 30,4% phôi lưỡng bội, cho thấy rằng trong trường hợp xấu (ngay cả khi hai phôi bào của phôi 2 tế bào đều bị ảnh hưởng) vẫn xảy ra các cơ chế sửa sai nhằm đảm bảo trạng thái lưỡng bội. Nhiều nghiên cứu cho thấy phôi đa nhân vẫn có thể làm tổ và sinh ra những đứa trẻ sống.
 
Người ta còn biết rất ít về nguồn gốc hình thành các vi hạt nhân (Micronuclei) trong một phôi bào. Một số cơ chế đã được đề xuất, gồm sự sao chép DNA trong trường hợp không có cytokinesis, hoặc sự hợp nhất hai tế bào phôi (đôi khi xảy ra sau khi trữ - rã phôi), hoặc sự phân ly bộ nhiễm sắc thể thành hai cụm nhỏ. Khi khoảng cách giữa các hạt nhân tăng lên, ở lần phân cắt đầu tiên, hai thoi phân bào có thể được hình thành và tồn tại thay vì một, với sự phân tách riêng biệt của bộ gen bố và mẹ và tạo ra phôi 2 tế bào với phôi bào 2 nhân. Nói chung, các bằng chứng hiện có cho thấy phôi đa nhân ở người là một hiện tượng phổ biến, có thể xuất phát từ một số rối loạn trong quá trình phân ly nhiễm sắc thể và sự hình thành tế bào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng này có thể thay đổi và tình trạng đơn nhân bình thường có thể được khôi phục.
 
Nén một phần (partial compacting) và sự loại trừ tế bào sai ra khỏi khối nén
Giai đoạn phôi dâu đại diện cho một ví dụ đáng chú ý về tính linh hoạt của phôi. Trong quá trình nén, phôi trải qua những thay đổi sâu sắc trong quá trình trao đổi chất, hỗ trợ các quá trình đòi hỏi năng lượng và tổ chức tế bào / trung gian tế bào, theo yêu cầu của quá trình nén. Cùng với những thay đổi này, hai dòng tế bào bắt nguồn từ các tế bào bên trong và bên ngoài để tạo ra khối tế bào bên trong (ICM) và tế bào lá nuôi (TE) của phôi nang. Trong một thời gian dài "partial compacting" được coi là hiện tượng sai hỏng so với nén chặt hoàn toàn, xuất phát từ sự hình thành các cầu nối chặt bất thường hoặc các phôi bào sai hỏng bị loại trừ. Nghiên cứu cho thấy rằng các phôi có tiền sử phân cắt bất thường (có lẽ là bất thường về NST) có thể phát triển thành phôi nang lưỡng bội. Những phôi này có tần suất nén không hoàn toàn cao hơn, có thể nhằm loại bỏ các tế bào bất thường về NST. Phân tích cho thấy các tế bào bị loại trừ khỏi phôi bào lưỡng bội thường là lệch bội hoặc có DNA phân mảnh cao.
 
Sự sụp khoang phôi nang và tái nở rộng khoang phôi
Quá trình sụp - tái nở rộng khoang phôi được cho là để phá vỡ zona pellucida bằng việc gia tăng áp lực trong quá trình tái nở rộng khoang, và cuối cùng là thoát màng. Trên thực tế, TLT đã lật ngược quan điểm này. Sự sụp và tái nở rộng không phải là điều kiện tiên quyết để thoát màng. Ngược lại, các phôi nang này làm tổ với hiệu quả kém hơn so với các phôi có quá trình mở rộng phôi bào diễn ra đều đặn và không bị xáo trộn. Hiện tại, không có giả thuyết chắc chắn về nguyên nhân và giải thích cho ví dụ về tính linh hoạt của phôi nang này. Có thể là các phôi có biểu hiện sụp xuống và tái nở rộng tham gia vào nỗ lực giải cứu trạng thái vô tổ chức của TE đang phát triển hoặc trong quá trình loại bỏ các tế bào bị hư hỏng (có thể là lệch bội).
 
Sự linh hoạt của phôi để phản ứng với thao tác vật lý
Tính linh hoạt của phôi không chỉ thể hiện ở khả năng đảm bảo sự phát triển thành công thông qua các kiểu tự sửa chữa để đáp ứng với các sai lệch của tế bào hoặc NST, nó cũng có thể thích ứng với những thay đổi lớn do thao tác bên ngoài gây ra, chẳng hạn như ICSI, bảo quản lạnh và sinh thiết phôi.
 
Những thay đổi cấp tính về độ thẩm thấu, nhiệt độ, nồng độ chất tan và pH tạo ra stress lớn cho các đại phân tử, bào quan và tế bào. Tuy nhiên, phôi vẫn tồn tại nguyên vẹn và duy trì tác động này mà không có hậu quả lớn rõ ràng. Đáng kinh ngạc hơn nữa là khả năng của phôi bảo quản lạnh có thể chịu được sự mất đáng kể số lượng phôi bào do chết sau trữ- rã. Mặc dù dữ liệu còn hạn chế, nhiều nghiên cứu cho rằng phôi có ít nhất 6 tế bào và được bảo quản bằng cách đông lạnh chậm hoặc thủy tinh hóa cho thấy khả năng làm tổ dường như không thay đổi, ngay cả sau khi mất 3 phôi bào. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây được thực hiện trên phôi 4 tế bào cho thấy khả năng phục hồi của phôi không phải là không giới hạn, với tỷ lệ làm tổ bằng 0 nếu số lượng phôi bào mất đi quá 50%. Và phôi nang thậm chí còn có khả năng chống lại bảo quản lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa cao hơn, với tỷ lệ sống đạt gần 100%.
 
Sự sụp và tái giãn nở của phôi nang sau khi thủy tinh hóa cung cấp thêm bằng chứng cho khái niệm về tính linh hoạt của phôi liên quan đến bảo quản lạnh. Một nghiên cứu đã báo cáo sự tái mở rộng phôi nang sau rã đông là một thông số hình thái liên quan quan trọng đến khả năng làm tổ. Trên thực tế, sau khi chuyển các phôi nang không có khả năng tái giãn nở, tỷ lệ làm tổ thấp hơn khoảng 6 lần so với các phôi nang có khả năng tái mở rộng.
 
Sinh thiết phôi là một ví dụ khác. Phản ứng của phôi đối với sự tiếp xúc thoáng qua với môi trường không chứa Ca2+ là một biểu hiện đáng chú ý khác của tính linh hoạt. Mặc dù hiếm khi thực hiện, sinh thiết cũng có thể thực hiện vào ngày 4 bằng cách sử dụng phôi dâu đã được giải nén bằng hóa chất. Cần ủ phôi với môi trường không chứa Ca2+ để giảm thiểu sự tiếp xúc giữa các tế bào. Lúc này tất cả các tế bào mất đi hình thái biểu mô dẹt (do sự nén chặt lại của các tế bào) và một lần nữa quay về với dạng gần giống hình cầu. Sau khi sinh thiết một vài phôi bào và tái thiết lập điều kiện nuôi cấy bình thường, phôi dâu trải qua quá trình nén lại và có thể hình thành phôi nang, chúng sẽ làm tổ và phát triển tiếp tục. Trên thực tế, sự nén chặt giúp xác định không gian của các tế bào bên trong và bên ngoài, là một trong những chiến lược phôi mà qua đó các dòng tế bào ICM và TE được tạo ra tương ứng. Mất khả năng nén chặt chắc chắn dẫn đến việc tái định vị các tế bào bên ngoài và bên trong, với những hậu quả tai hại tiềm tàng đối với sự hình thành phôi nang. Tuy nhiên, phôi dâu bị mất nén tạm thời có khả năng lập trình lại số phận của các tế bào có thể đã bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu bên trong hoặc bên ngoài của chúng và phát triển thành phôi nang với ICM và TE bình thường về mặt hình thái.
 
Thể khảm
PGT-A được sử dụng trên toàn thế giới để xác định bộ NST của phôi. Trước khi NGS ra đời, kết quả lai (aCGH) đã được trả về đơn giản là lưỡng bội hoặc lệch bội. Độ chính xác tăng lên của NGS đã cho chẩn đoán cụ thể hơn về thể khảm lưỡng bội-lệch bội, do đó đưa phân loại thứ ba (thể khảm, ngoài lưỡng bội và lệch bội) vào thiết lập chẩn đoán. Hiện tượng khảm có thể xảy ra thông qua các lỗi phân bào trong quá trình phân chia sớm ở các hợp tử lưỡng bội ban đầu hoặc "sự sửa chữa" của các tế bào lệch bội.
 
Chẩn đoán thể khảm có thể dẫn đến có thai bình thường
Đã có một số báo cáo về việc làm tổ thành công và tiếp tục mang thai sau khi chẩn đoán và chuyển phôi khảm. Gần đây nhất, phân tích 253 trường hợp cho thấy tỷ lệ thai diễn tiến (OPR) là 50% đối với chẩn đoán khảm "mức độ thấp", OPR là 27% đối với chẩn đoán khảm "mức độ cao" (40– 80%) và OPR là 9% khi ''tất cả'' (> 80%) tế bào được xác định là lệch bội.
 
Các phôi khảm có tự sửa chữa không?
Do có các chẩn đoán khảm thường dẫn đến ca sinh sống khỏe mạnh, nên có khả năng xảy ra một số loại ''điều chỉnh'', tức là phôi trở nên bình thường về mặt NST trong các giai đoạn phát triển sau này. Các nghiên cứu chứng minh một số cơ chế tự điều chỉnh và còn cho thấy tỷ lệ tự điều chỉnh ngày càng giảm ở các phôi chất lượng càng kém. Mức độ bất thường NST ở phôi ngày 5 thấp hơn so với phôi ngày 3. Cơ chế vẫn còn một số tranh luận. Một số khả năng đã được đề xuất, như sau:
• mô hình chết của phôi (embryonic mortality model)
• mô hình suy giảm quá trình nhân lên tế bào lệch bội (clonal depletion model)
• mô hình cứu hộ trisomic / monosomic (trisomic/monosomic rescue model)
• ưu tiên phân bổ các tế bào lệch bội cho lớp tế bào TE
 
Mô hình chết của phôi liên quan đến sự chọn lọc tự nhiên dựa trên tỷ lệ tế bào lệch bội và gợi ý rằng các dòng tế bào lệch bội được tạo ra sau lỗi phân bào không tồn tại và bị mất đi trong quá trình làm tổ. Các tế bào lệch bội bị đào thải khỏi phôi, bắt đầu ngay trước khi được làm tổ và phôi khảm có tiềm năng phát triển tương đương với phôi bình thường, miễn là chúng chứa đủ tỷ lệ tế bào lưỡng bội.
 
Mô hình suy giảm quá trình nhân lên tế bào lệch bội cho rằng có quá trình apoptosis hoặc giảm sự nhân lên của các tế bào lệch bội trong phôi và có liên quan đến mô hình chết của phôi. Các dòng tế bào lệch bội được tạo ra sau lỗi phân bào không tồn tại và bị mất đi trong quá trình làm tổ. Quá trình apoptosis xuất hiện trong quá trình phôi tiền làm tổ và có thể có sự apoptosis ưu tiên ở các tế bào lệch bội. Một nghiên cứu kết luận rằng stress oxy hóa nhẹ từ điều kiện nuôi cấy trong ống nghiệm làm tăng nguy cơ lệch bội và giảm biểu hiện của yếu tố thúc đẩy nguyên phân (MPF).
 
Mô hình giải cứu trisomic / monosomic cho rằng các tế bào lệch bội có thể xoay ngược thành các tế bào lưỡng bội do mất hoặc tăng nhiễm sắc thể trong nguyên phân. Mô hình này được một số tác giả đưa ra ít đáng tin cậy, tuy nhiên, sự hiện diện rất thực của hội chứng di truyền uniparental disomy (UPD - một hệ quả của mô hình này) trong tự nhiên cho thấy rằng nó có thể xảy ra.
 
Việc phân bổ ưu tiên các tế bào lệch bội cho tế bào TE dựa trên giả thuyết rằng các tế bào lưỡng bội được ưu tiên giữ lại trong ICM để có thể tiếp tục sống sót. Mô hình này lần đầu tiên được đề xuất bởi James bằng cách sử dụng thể khảm tứ bội-lưỡng bội. Nó cho thấy rằng ICM không có lợi cho sự phát triển của các tế bào lệch bội, do đó thúc đẩy sự phát triển của bào thai hiệu quả hơn và thay vào đó tạo ra khảm ở nhau thai.
 
Cuối cùng, một vấn đề dường như có rất ít bằng chứng là thời điểm chính xác quá trình tự điều chỉnh diễn ra trong phôi tiền làm tổ. Một số tác giả cho rằng sự tự điều chỉnh xảy ra ngay từ giai đoạn 8 tế bào trong khi những người khác lại chỉ ra rằng không có bằng chứng về sự tự điều chỉnh trước ngày 4 của sự phát triển phôi.
 
Nếu nghiên cứu sâu hơn để chứng minh rằng các cơ chế tự điều chỉnh bắt đầu ở giai đoạn sau phân chia và sự sai sót có thể gây ra cho phôi do điều kiện nuôi cấy in vitro, các phòng thí nghiệm có thể thay đổi thực hành để giảm thiểu cơ hội gây ra stress oxy hóa tại những điểm quan trọng này trong phôi phát triển.
 
KẾT LUẬN
Trên thực tế, chúng ta từ lâu đã biết rằng các phôi có sự phân mảnh đáng kể hoặc đa nhân vẫn có thể xoay sở để làm tổ và phát triển lâu dài. Trong thập kỷ qua, những tiến bộ trong công nghệ kính hiển vi và chẩn đoán phân tử đã tiết lộ nhiều sự chuyển hướng khác từ con đường phát triển chủ đạo, hầu như ở tất cả các giai đoạn. Những sai lệch so với các hiểu biết về phát triển phôi tiền làm tổ trước đây và bằng chứng ngày càng tăng về tính linh hoạt của phôi có thể đặt ra các mục tiêu cho nghiên cứu lâm sàng và cơ bản trong tương lai: xác định chính xác hơn các nguyên nhân và con đường tạo ra PN bất thường; hiểu các hiện tượng làm cơ sở cho các bất thường về phân chia, chẳng hạn như hình thành tế bào chất ba cực (tripolar cytokinesis) hoặc sự dung hợp tế bào xảy ra ở phân chia ngược; để xác định cơ chế nào điều hòa sự tương tác giữa tế bào với tế bào trong quá trình nén; để tiết lộ các kiểu phân ly có thể giải cứu các tế bào lệch bội; và để có được thông tin về mức độ liên quan của sự phát triển bất thường đối với sức khỏe trẻ sơ sinh. Bằng cách thách thức các quan niệm hiện tại và có thể viết lại các quy tắc mới điều hòa chu kỳ tế bào, sự phân ly nhiễm sắc thể và phân ly xác định tế bào, những nỗ lực nghiên cứu này có thể đặt phôi người vào vị trí ưu việt trong lĩnh vực sinh học phát triển.
 
Tài liệu tham khảo: Coticchio G, Barrie A, Lagalla C, Borini A, Fishel S, Griffin D, Campbell A. Plasticity of the human preimplantation embryo: developmental dogmas, variations on themes and self-correction. Hum Reprod Update. 2021 Aug 20;27(5):848-865. doi: 10.1093/humupd/dmab016. PMID: 34131722.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Lão hóa và sự sinh tinh - Ngày đăng: 09-03-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK