Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 14-03-2022 5:32pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Duy Khang – IVF Vạn Hạnh
 

Em bé thụ tinh ống nghiệm (in vitro fertilization – IVF) đầu tiên được sinh ra sau khi thu nhận một noãn trưởng thành duy nhất. Thời điểm thu nhận noãn được xác định bằng cách theo dõi sự gia tăng LH trong nước tiểu của chu kỳ tự nhiên. Kể từ đó, nhiều quy trình kích thích buồng trứng bằng gonadotropin kết hợp với chất đồng vận GnRH đã được thực hiện. Khoảng thời gian chọc hút noãn (oocyte pick up - OPU) được xác định bằng thời điểm khởi động phóng noãn với hCG hoặc GnRH.
 
Khoảng thời gian từ lúc nồng độ LH tăng đến phóng noãn cho phép sự trưởng thành của noãn và các tế bào cumulus, tiếp tục những bước cuối của quá trình giảm phân, được chế tiết bởi các chuỗi phản ứng sinh hoá phức tạp. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khoảng thời gian hCG-OPU có tác động đáng kể lên sự trưởng thành nang noãn, kỳ giữa giảm phân II (metaphase II - MII) của noãn, khả năng phát triển của phôi và kết cục chu kỳ IVF. Dựa trên các tài liệu từ thập niên 1970 và các nghiên cứu trên bệnh nhân sử dụng clomiphene citrate (CC) hoặc human menopausal gonadotropin (hMG) để cảm ứng phóng noãn, thu nhận noãn sau 36 giờ sử dụng hCG được áp dụng phổ biến. Đây là khoảng thời gian để hoàn thành quá trình phát triển nang noãn và sự trưởng thành của noãn, giảm nguy cơ huỷ chu kỳ do phóng noãn tự phát không mong muốn. Tuy nhiên, ở hầu hết các trung tâm IVF, nhiều bệnh nhân được sắp xếp OPU vào cùng một ngày trong khi chỉ có một phòng thủ thuật có thể sử dụng. Do đó, đảm bảo chính xác khoảng thời gian 36 giờ là một thách thức. Vì vậy, thời gian thực hiện phổ biến là sau 32 đến 38 giờ.
 
Nhiều nghiên cứu về khoảng thời gian hCG-OPU trước đây không đưa ra đồng thuận cũng không khuyến nghị khoảng thời gian tối ưu từ lúc tiêm hCG đến OPU. Một số nghiên cứu báo cáo rằng khoảng thời gian 36 giờ kém hơn khoảng thời gian dài (lên đến 39 giờ) về số lượng noãn trưởng thành thu được. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác kết luận khoảng thời gian từ lúc hCG đến OPU dài hơn không có tác động đáng kể lên kết cục chu kỳ điều trị IVF. Phân tích tổng hợp gần đây nhất cho thấy kéo dài thời gian giữa mồi hCG và OPU có thể gia tăng tỷ lệ noãn trưởng thành. Tuy nhiên, tỷ lệ thụ tinh, làm tổ và mang thai không khác biệt đáng kể.
 
Có nhiều quan điểm khác nhau về tác động của độ tuổi với khoảng thời gian hCG-OPU ngắn hoặc dài hơn lên kết cục điều trị IVF. Một phân tích hồi cứu cho thấy nhiều noãn chưa trưởng thành hơn trong chu kỳ IVF ở nữ giới từ 41 tuổi. Năm 2011, Reichman và cộng sự cho thấy không có sự khác biệt về số lượng noãn, độ trưởng thành, sự thụ tinh hay chất lượng phôi giữa các chu kỳ với khoảng thời gian > 36,5 giờ so với khoảng thời gian ngắn hơn. Tuy nhiên, ở phụ nữ lớn tuổi có xu hướng cải thiện sự làm tổ, thai lâm sàng và trẻ sinh sống ở khoảng thời gian kéo dài.
 
Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định sự liên quan giữa khoảng thời gian hCG-OPU ngắn hay dài hơn với sự trưởng thành noãn, hình thái phôi, động học hình thái phôi và kết cục IVF, tập trung vào độ tuổi của bệnh nhân.
 
Phương pháp: Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên các chu kỳ IVF và ICSI được tiến hành từ 06/2013 và 12/2017. Các chu kỳ được phân tầng theo độ tuổi của bệnh nhân (<36 tuổi và >36 tuổi). Hình thái phôi được đánh giá theo tiêu chuẩn Cummins và cộng sự, 1986.
 
Kết quả chính của nghiên cứu là mối liên hệ giữa khoảng thời gian hCG-OPU với số lượng và tỷ lệ noãn trưởng thành theo tuổi của bệnh nhân nữ, chất lượng phôi được phân loại bởi hình thái và thời gian lần phân chia đầu tiên (t2). Kết quả phụ là tỷ lệ thai lâm sàng (Clinical pregnancy rates - CPR) và tỷ lệ trẻ sinh sống (live birth rates - LBR) đạt được ở các khoảng thời gian hCG-OPU khác nhau theo tuổi của bệnh nhân nữ.
 
Kết quả: Nghiên cứu trên 796 chu kỳ (4930 noãn), các bệnh nhân được thực hiện chuyển phôi tươi. Khoảng thời gian hCG-OPU trung bình là 34,74 ± 0,66 giờ. Hai nhóm khoảng thời gian là: ≤ 34,45 và > 34,45. Tỷ lệ noãn trưởng thành cao hơn (79,3% so với 77,0%, P<0,03) và xu hướng chất lượng phôi tốt hơn (P<0,07) ở nhóm có khoảng thời gian dài hơn >34,45 giờ.
 
Đối với nữ giới < 36 tuổi (n=410), không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các thông số. Đối với nữ giới lớn hơn 36 tuổi (n=386), khoảng thời gian dài hơn (>34,45 giờ) có liên quan đến tỷ lệ noãn trưởng cao hơn và chất lượng phôi tốt hơn (P<0,008 và 0,01; lần lượt). Đối với nữ giới hơn 40 tuổi, tỷ lệ noãn trưởng thành tăng lên rõ rệt ở nhóm có khoảng thời gian hCG-OPU kéo dài (P<0,01).
 
Kết quả phân tích động học hình thái phôi cho thấy, bệnh nhân có số lượng phôi phân chia nhanh hơn (t2 ≤ 27 giờ) có CPR và tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn đáng kể, ở tất cả các nhóm. Tỷ lệ làm tổ của phôi tại 2 khoảng thời gian hCG-OPU, theo nhóm tuổi (<36 và >36 tuổi) cho kết quả tương tự nhau.
 
Bàn luận: Nghiên cứu này cho thấy, ở nhóm nữ giới <36 tuổi, tỷ lệ noãn trưởng thành và phôi chất lượng tốt cao hơn đáng kể khi khoảng thời gian hCG-OPU dài hơn (>34,45 giờ). Sự gia tăng LH kích hoạt nhiều tín hiệu trong nang noãn, dẫn đến các bước tiếp theo của quá trình giảm phân và trưởng thành của noãn cũng như sự biệt hoá tế bào hạt và tế bào cumulus xung quanh noãn. Dựa trên chu kỳ sinh lý tự nhiên, khoảng thời gian noãn trưởng thành in vivo được đại diện bởi thời gian từ lúc sử dụng hCG đến OPU, có ảnh hưởng đến sự thành công của IVF và ICSI. Mặc dù tiêu chuẩn vàng là khoảng 36 giờ, được xác nhận bởi nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên trong thực tế hằng ngày, việc giữ chính xác khoảng thời gian 36 giờ là một thách thức.
 
Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian từ hCG đến OPU linh hoạt trong khoảng 33 – 37 giờ (trung bình 34,4 giờ) cho chất lượng phôi và kết cục IVF tương tự ở nhóm bệnh nhân < 36 tuổi. Tuy nhiên, ở nhóm phụ nữ >36 tuổi, kéo dài khoảng thời gian hCG-OPU (>34,45 giờ) có liên quan với số lượng noãn trưởng thành nhiều hơn và chất lượng phôi tốt hơn. Do đó, nữ giới >36 tuổi nên được ưu tiên và sắp xếp chọc hút noãn cẩn thận hơn.
 
Nguồn: Skvirsky, S., Blais, I., Lahav-Baratz, S., Koifman, M., Wiener-Megnazi, Z. and Dirnfeld, M., 2021. Time interval between hCG administration and oocyte pick up: analysis of oocyte maturation, embryonic morphology, morphokinetics, and IVF outcome. Clinical and Experimental Obstetrics & Gynecology, 48(2), pp.402-409.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Lão hóa và sự sinh tinh - Ngày đăng: 09-03-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK