Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 15-03-2022 4:00pm
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Trần Trung Đức, BS. Hồ Ngọc Anh Vũ
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Chuyển phôi trữ lạnh (CPT) hiện nay với sự tiến bộ của kỹ thuật thủy tinh hóa đã mang lại nhiều ưu điểm vượt trội và dần trở thành xu hướng chuyển phôi trong hỗ trợ sinh sản trên toàn thế giới. Một số nghiên cứu đã so sánh hiệu quả của phương pháp chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi cho thấy chuyển phôi trữ có liên quan đến việc giảm tỷ lệ sinh non, sinh nhẹ cân, thai nhỏ so với tuổi thai và tử vong chu sinh; tuy nhiên, chuyển phôi trữ làm gia tăng nguy cơ thai to so với tuổi thai và rối loạn tăng huyết áp thai kỳ. Để hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về CPT, Zhou R và cộng sự (2022) (1)đã tiến hành nghiên cứu so sánh ảnh hưởng của các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung để CPT trên kết cục sơ sinh.
 
Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu tiến hành tại Trung tâm y học sinh sản, Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Quảng Đông khảo sát trên 3639 phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều, chuyển phôi trữ, đơn phôi với mục tiêu so sánh kết cục sơ sinh của giữa các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung (NMTC) khác nhau. Các phác đồ chuẩn bị NMTC trong nghiên cứu bao gồm: phác đồ chu kỳ tự nhiên, phác đồ kích thích nhẹ buồng trứng và phác đồ sử dụng nội tiết ngoại sinh (bổ sung lần lượt estrogen và progesterone ngoại sinh) (2,3). Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh ra từ nhóm chuyển phôi trữ sử dụng nội tiết ngoại sinh có cân nặng lúc sinh trung bình và Z-score cao hơn so với nhóm kích thích nhẹ buồng trứng và chu kỳ tự nhiên. Nguy cơ thai lớn hơn so với tuổi thai tăng đáng kể ở nhóm chu kỳ sử dụng nội tiết ngoại sinh (14%) so với nhóm chu kỳ tự nhiên (10,3%) và nhóm kích thích nhẹ buồng trứng (7,6%). Nguy cơ rối loạn tăng huyết áp thai kỳ ở nhóm sử dụng nội tiết ngoại sinh (4,4%) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chu kỳ tự nhiên (2,5%). Những trẻ sinh ra từ chu kỳ kích thích nhẹ buồng trứng có nguy cơ sinh nhẹ cân thấp hơn so với chu kỳ tự nhiên.
 
Các vấn đề sinh nhẹ cân và thừa cân đều gia tăng nguy cơ béo phì sau này và có thể dẫn đến rối loạn cân bằng năng lượng kèm theo một số bệnh lý chuyển hóa mạn tính. Lý do của sự khác biệt về cân nặng lúc sinh của trẻ sau chuyển phôi trữ có thể là do môi trường nội mạc tử cung, phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung, sự hiện diện hay vắng mặt hoàng thể, kỹ thuật trữ lạnh hoặc các đặc điểm khác của kỹ thuật chuyển phôi trữ.
 
Có mối liên hệ giữa sự vắng mặt của hoàng thể và các vấn đề bất lợi trong kết quả chu sinh. Các nghiên cứu gần đây đã ghi nhận thai kỳ sau chu kỳ chuyển phôi trữ phác đồ sử dụng nội tiết ngoại sinh – không có mặt hoàng thể làm tăng tỷ lệ tiền sản giật và giảm sự co giãn của động mạch chủ so với chu kỳ tự nhiên. Quá trình làm tổ không có hoàng thể có liên quan đến việc suy giảm khả năng thích ứng hệ tuần hoàn của mẹ đối với thai kỳ. Trước khi hình thành nhau thai, hoàng thể đóng vai trò như một nguồn cung cấp đáng kể các nội tiết tố sinh sản và các chất cần thiết khác để duy trì thai kỳ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoàng thể không chỉ tạo ra estrogen và progesterone mà còn tạo ra các yếu tố vận mạch, chẳng hạn như relaxin, được cho là có ý nghĩa đối với quá trình làm tổ (4). Relaxin chỉ được tiết ra từ hoàng thể trong thời gian đầu khi mang thai, là một chất làm giãn mạch mạnh, là trung gian cho những thay đổi trong hệ tuần hoàn ở mô hình chuột và có thể ở cả phụ nữ mang thai. Trên thực tế, có rất ít dữ liệu về các yếu tố được tiết ra bởi hoàng thể vào tuần hoàn và các tác động tiềm tàng của chúng. Những yếu tố này có thể quan trọng đối với sức khỏe thai kỳ và không thể thay thế trong các chu kỳ chuyển phôi trữ nhân tạo mà không có hoàng thể. Do đó, môi trường nội tiết của mẹ trong giai đoạn thai sớm có thể đã tạo tiền đề cho sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ rối loạn tăng huyết áp thai kỳ trong chu kỳ nhân tạo cao hơn đáng kể so với chu kỳ tự nhiên và kích thích nhẹ buồng trứng. Trên thực tế, chuyển phôi trữ chu kỳ nhân tạo là một yếu tố độc lập đối với thai to so với tuổi thai sau khi kiểm soát rối loạn tăng huyết áp. Ngoài ra, liệu chu kỳ chuyển phôi nhân tạo không có hoàng thể có ảnh hưởng đến các chức năng của hệ thống nội tiết và trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng hay không, vẫn đang là vấn đề đang cần nghiên cứu thêm.
 
Như vậy, chuyển phôi trữ là một phương pháp hiệu quả, với nhiều ưu điểm giúp nâng cao tỷ lệ có thai, tuy nhiên cần lưu ý những ảnh hưởng của các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung đối với cân nặng lúc sinh của trẻ. Theo đó, nguy cơ thai to so với tuổi thai và rối loạn tăng huyết áp thai kỳ có tỷ lệ cao hơn ở phác đồ chuyển phôi trữ sử dụng nội tiết ngoại sinh. Bên cạnh đó, vắng mặt hoàng thể cũng là một khía cạnh đáng để quan tâm đối với các kết quả chu sinh bất lợi như tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sự phát triển thai nhi và cân nặng lúc sinh của trẻ. Vì vậy cần thận trọng khi lựa chọn các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung trong các chu kỳ chuyển phôi trữ cũng như cần thêm bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên khác hoặc các nghiên cứu được thiết kế chuyên biệt nhằm tối ưu hóa quá trình chuyển phôi.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 1.        Zhou R, Zhang X, Huang L, Wang S, Li L, Dong M, et al. The impact of different cycle regimens on birthweight of singletons in frozen-thawed embryo transfer cycles of ovulatory women. Fertil Steril. 2022 Feb 2; S0015-0282(21)02079-3.
2.         Glujovsky D, Pesce R, Sueldo C, Quinteiro Retamar AM, Hart RJ, Ciapponi A. Endometrial preparation for women undergoing embryo transfer with frozen embryos or embryos derived from donor oocytes. Cochrane Database Syst Rev. 2020 Oct 28;10:CD006359.
3.         Saito K, Kuwahara A, Ishikawa T, Morisaki N, Miyado M, Miyado K, et al. Endometrial preparation methods for frozen-thawed embryo transfer are associated with altered risks of hypertensive disorders of pregnancy, placenta accreta, and gestational diabetes mellitus. Hum Reprod. 2019 Aug 1;34(8):1567–75.
4.         von Versen-Höynck F, Strauch NK, Liu J, Chi Y-Y, Keller-Woods M, Conrad KP, et al. Effect of Mode of Conception on Maternal Serum Relaxin, Creatinine, and Sodium Concentrations in an Infertile Population. Reprod Sci. 2019 Mar;26(3):412–9. 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Lão hóa và sự sinh tinh - Ngày đăng: 09-03-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK