Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 22-03-2022 2:28pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Thị Kim Ngân - IVFMD Tân Bình

Trong vài năm trở lại đây, một số yếu tố về lối sống, chẳng hạn như thói quen ăn kiêng, tập thể dục, hút thuốc và nghiện rượu, đã được báo cáo là ảnh hưởng đến kết quả IVF/ICSI, và gần đây hơn, chất lượng giấc ngủ cũng bắt đầu được quan tâm đáng kể. Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng giấc ngủ bị xáo trộn có thể làm giảm khả năng sinh sản ở con cái, biểu hiện là giảm số lượng noãn thu nhận, tăng LH bất thường và giảm khả năng thành công của thai kỳ. Trong các nghiên cứu trên người, giấc ngủ ngắn hoặc bị rối loạn có liên quan đến kinh nguyệt không đều, giảm số lượng nang có hốc, khó có thai và tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Phần lớn dân số ở Trung Quốc được báo cáo là có thời gian ngủ về đêm ngắn hơn và tỷ lệ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao hơn so với dân số tại Mỹ và Latino. Điều này có thể làm gia tăng mức độ stress oxy hóa, làm quá trình trao đổi chất bị gián đoạn và gây suy giảm khả năng sinh sản.
 
Tuy nhiên, bằng chứng về mối quan hệ giữa đặc điểm giấc ngủ và kết quả IVF/ICSI vẫn còn hạn chế và kết quả giữa các nghiên cứu còn thiếu nhất quán. Một số nghiên cứu báo cáo rằng giấc ngủ về đêm dài hay ngắn có liên quan đến tỷ lệ mang thai nhưng không liên quan đến số lượng noãn thu được. Ngược lại, mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ và số lượng noãn trưởng thành được phát hiện và ghi nhận trong một số báo cáo khác sau đó. Hơn nữa, mặc dù tuổi tác và chất lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ, nhưng mối liên hệ giữa tuổi tác, chất lượng giấc ngủ và kết quả IVF/ICSI vẫn chưa được biết rõ. Tác giả Qing-Yun Yao và cộng sự (2022) đã tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá và phân tích xem liệu các đặc điểm về giấc ngủ có ảnh hưởng đến kết quả điều trị IVF/ICSI hay không?
 
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu với sự tham gia của 1276 cặp vợ chồng, dữ liệu từ chu kỳ IVF/ICSI đầu tiên được ghi nhận và đưa vào phân tích. Đặc điểm giấc ngủ từ những phụ nữ tham gia điều trị sẽ được ghi nhận vào ngày chọc hút thông qua bảng khảo sát các chỉ số về chất lượng giấc ngủ PSQI (Pittsburgh Sleep Quality Index) (nhằm đánh giá chất lượng giấc ngủ trong quá trình kích thích buồng trứng dựa trên những phản hồi về các hành vi ngủ gần nhất). Các phân tích thống kê sẽ được tiến hành sau đó nhằm đánh giá mối tương quan giữa chất lượng giấc ngủ với kết quả sinh sản (số lượng noãn thu được; tỷ lệ noãn trưởng thành, tỷ lệ thụ tinh, số phôi chất lượng tốt, tỷ lệ làm tổ và mang thai). Phân tích phân tầng cũng được tiến hành nhằm phân tích mối liên hệ giữa thời lượng giấc ngủ và kết quả IVF/ICSI với sự điều chỉnh  tuổi mẹ (30 hay ngoài 30 tuổi) và chất lượng giấc ngủ (theo đánh giá cảm quan) (tốt hay kém).
 
Kết quả chính thu được như sau:
  • Những phụ nữ ngủ ít hơn 7 tiếng 1 đêm có số noãn chọc hút được và số noãn trưởng thành thấp hơn so với những phụ nữ ngủ được từ 7 - <8 tiếng một đêm: 11,5% (95% KTC, −21,3% - −0,48%) so với 11,9% (95% KTC −22,4% - −0,03%).
  • Chất lượng giấc ngủ kém dẫn đến giảm tỷ lệ noãn thụ tinh.
  • Những phụ nữ bị khó ngủ nhiều hơn 3 lần/tuần có số noãn trưởng thành thấp hơn (−10,5%, 95% KTC, −18,6% - −1,6%), số noãn thụ tinh thấp hơn (−14,8%, 95% KTC,  −23,7% - −4,8%) và tỷ lệ phôi chất lượng tốt cũng thấp hơn (−15,1%, 95% KTC, −25,4% - −3,5%) so với những phụ nữ không bị khó ngủ.
  • Những phụ nữ ngủ từ 9 - <10 tiếng mỗi đêm có tỷ lệ thai lâm sàng thấp hơn những phụ nữ ngủ từ 7 - <8 tiếng (OR = 0,65, 95% KTC, 0,44 – 0,98).
  • Ảnh hưởng của giấc ngủ lên tỉ lệ thành công sau IVF thể hiện rõ hơn ở những phụ nữ trên 30 tuổi.
 
Qua nghiên cứu cho thấy giấc ngủ thiếu chất lượng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ. Ngủ ngắn về đêm, chất lượng giấc ngủ kém, khó ngủ thường xuyên, có thể làm suy giảm số lượng, khả năng trưởng thành hoặc thụ tinh của noãn. Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy giấc ngủ đêm quá dài cũng có thể làm giảm cơ hội mang thai ở phụ nữ hiếm muộn. Do vậy, chất lượng giấc ngủ là vô cùng quan trọng, việc cải thiện giấc ngủ có thể phần nào giúp cải thiện kết quả trong điều trị IVF/ICSI.
 
Nguồn: Yao, Q. Y., Yuan, X. Q., Liu, C., Du, Y. Y., Yao, Y. C., Wu, L. J., ... & Li, Y. F. Associations of sleep characteristics with outcomes of IVF/ICSI treatment: a prospective cohort study. Human Reproduction 2022.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK