Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 25-12-2019 3:02pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Nguyễn Thị Ngọc Huệ - IVFMD Bình Dương



Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) là phương pháp phổ biến trong hỗ trợ sinh sản, thường được sử dụng nhằm điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh do yếu tố nam giới. Mặc dù ICSI giúp tối đa hóa tỉ lệ thụ tinh, tuy nhiên hiệu quả thật sự của kỹ thuật này trên từng nhóm bệnh nhân vẫn còn nhiều tranh cãi. Hiện nay, ICSI đã được đề xuất sử dụng thay cho phương pháp thụ tinh thông thường (conventional insemination - CI) ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi do các bằng chứng về mối tương quan giữa tuổi tác đến chất lượng noãn cũng như tỉ lệ thụ tinh (Korkmaz C, 2015). Do đó, Jacob Farhi và cộng sự đã tiến hành đánh giá vai trò của ICSI liên quan đến tỉ lệ thụ tinh và chất lượng phôi tốt ở nhóm bệnh nhân vô sinh không do yếu tố nam giới.
 
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện trên 52 bệnh nhân với số lượng noãn thu được là 504. Có tổng cộng 145 noãn được ICSI và 259 noãn CI. Tất cả các bệnh nhân ≥35 tuổi thực hiện chu kì thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên với số lượng noãn tối thiểu là 6 và được phân chia 50% ICSI-CI được sàng lọc vào nghiên cứu.

Kết quả cho thấy tỉ lệ thụ tinh tương ứng 71% ở nhóm ICSI, 50,1% ở nhóm CI (p<0,001). Tỉ lệ phôi tốt là 62,8% sau ICSI so với 45,5% sau CI (p<0,001). Bên cạnh đó, khi phân chia các nhóm theo độ tuổi cho thấy khác biệt đáng kể ở nhóm bệnh nhân từ 35-39 tuổi, tuy nhiên kết quả này không có ý nghĩa thống kê ở nhóm bệnh nhân từ 40-45 tuổi.

Như vậy, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ phôi tốt ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi sử dụng kỹ thuật ICSI cao hơn đáng kể so với nhóm bệnh nhân CI. Đối với bệnh nhân ở nhóm tuổi 35-39, ICSI nên được đề xuất trong hầu hết các trường hợp nhằm tối đa hóa tỉ lệ thụ tinh và chất lượng phôi.
 
Nguồn: Jacob Farhi và cộng sự (2019). Should ICSI be implemented during IVF to all advanced-age patients with non-male factor subfertility? Reproductive Biology and Endocrinology. DOI: 10.1186/s12958-019-0474-y

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK