Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 25-12-2019 12:23pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương

Hiện nay, thuốc tránh thai đường uống được sử dụng rộng rãi trong hỗ trợ sinh sản. Thuốc tránh thai đường uống bao gồm estrogen và progesterone ức chế bài tiết FSH và LH nội sinh, do đó ức chế chức năng tuyến sinh dục và đồng bộ hóa nhóm nang noãn. Thuốc tránh thai đường uống có thể được sử dụng để lên lịch điều trị cho những bệnh nhân trải qua phác đồ GnRH đồng vận. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy thuốc tránh thai đường uống làm giảm đáng kể việc thu hồi noãn. Bên cạnh đó, các nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc tránh thai đường uống được sử dụng cho phác đồ GnRH đối vận có liên quan đến kết quả kém sau khi chuyển phôi tươi bao gồm tỷ lệ sinh sống thấp hơn, tỷ lệ mang thai thấp hơn và tỷ lệ mất thai cao hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ bằng chứng về ảnh hưởng của thuốc tránh thai đường uống đối với kết quả chu kỳ ở phụ nữ trải qua phác đồ GnRH đồng vận dài hoặc phác đồ GnRH đồng vận ngắn. Do đó, Lan Xu và cộng sự tiến hành phân tích hồi cứu để đánh giá hiệu quả của tiền xử lý thuốc tránh thai đường uống đối với kết quả chu kỳ chuyển phôi IVF ở những phụ nữ trải qua phác đồ GnRH đồng vận dài hoặc phác đồ GnRH đồng vận ngắn.

Nghiên cứu hồi cứu này thực hiện trên 2052 phụ nữ trải qua đợt điều trị IVF đầu tiên với phác đồ GnRH đồng vận dài và 3557 phụ nữ với phác đồ GnRH đồng vận ngắn. Trong mỗi phác đồ được chia thành hai nhóm là nhóm sử dụng thuốc tránh thai đường uống và nhóm đối chứng. Trong các nhóm tránh thai đường uống, một số bệnh nhân sử dụng 0,15 mg desogestrel và 0,03 mg ethinyl oestradiol và một số bệnh nhân sử dụng 3 mg drospirenone và 0,03 mg ethinyl oestradiol. Trong nhóm phác đồ GnRH đồng vận dài, thuốc tránh thai đường uống được sử dụng vào ngày 3-5 của chu kỳ kinh nguyệt và trong 21 ngày liên tiếp. Sau đó, gonadotrophin được bắt đầu với FSH tái tổ hợp (từ 75 đến 225 IU) và liều gonadotrophin được điều chỉnh theo đáp ứng buồng trứng của bệnh nhân. Đối với nhóm phác đồ GnRH đồng vận ngắn, phác đồ được bắt đầu vào ngày 1-3 của chu kỳ kinh nguyệt và việc điều trị bằng gonadotrophin được bắt đầu vào ngày thứ hai của phác đồ. Trong nhóm đối chứng của nhóm phác đồ GnRH đồng vận dài, phác đồ được bắt đầu ở giai đoạn giữa hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt trước đó (5 -7 ngày sau khi rụng trứng). Trong nhóm đối chứng của nhóm phác đồ GnRH đồng vận ngắn, phác đồ được thực hiện vào ngày 1- 3 của chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên. Sau khi kích thích buồng trứng, noãn được thu nhận, tiến hành ICSI, kiểm tra thụ tinh và kiểm tra phôi. Sau đó, tiến hành chuyển hai phôi tươi chất lượng tốt ngày 3.

Kết quả cho thấy, sử dụng thuốc tránh thai đường uống không ảnh hưởng đến số lượng noãn thu được so với nhóm đối chứng trong cả 2 phác đồ (P > 0.05). Nhóm sử dụng thuốc tránh thai đường uống cho thấy tỷ lệ thụ tinh cao hơn (61,4% so với 58,2%, P <0,001) và phôi chất lượng cao hơn (4,4 ± 3.0 so với 4,1 ± 2,8, P = 0,015) so với nhóm đối chứng ở nhóm phác đồ dài, nhưng ở phác đồ ngắn không thấy sự khác biệt về tỷ lệ thụ tinh và số lượng phôi chất lượng cao. Bên cạnh đó, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thai lâm sàng (phác đồ dài: 49,2% so với 46,7%; phác đồ ngắn: 39,4% so với 38,0%, P > 0.05) và tỷ lệ trẻ sinh sống (phác đồ dài: 44,3% so với 41,3%; phác đồ ngắn: 32,8% so với 31,4 %, P > 0.05) giữa nhóm sử dụng thuốc tránh thai đường uống và nhóm đối chứng trong phác đồ dài hoặc phác đồ ngắn.

Nghiên cứu cho thấy, sử dụng thuốc tránh thai đường uống không ảnh hưởng đến kết quả IVF trong phác đồ GnRH đồng vận dài hoặc phác đồ GnRH đồng vận ngắn. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy trong phác đồ GnRH đối vận, thuốc tránh thai đường uống có liên quan đến sự không đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung, có thể dẫn đến nội mạc tử cung mỏng hơn và tỷ lệ thai lâm sàng thấp hơn. Vì vậy, có khả năng thuốc tránh thai đường uống có tác động tiêu cực đến nội mạc tử cung trong phác đồ GnRH đối vận nhưng không ảnh hưởng đáng kể trong phác đồ GnRH đồng vận, nhưng cơ chế cơ bản đằng sau sự khác biệt này là không chắc chắn và cần phải nghiên cứu thêm. Bên cạnh đó, bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu này có nội mạc tử cung bình thường. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để đánh giá ảnh hưởng của thuốc tránh thai lên nội mạc tử cung và tỷ lệ thai lâm sàng đối với những bệnh nhân có nội mạc tử cung mỏng hoặc thụ thể nội mạc tử cung bị suy yếu.

Nguồn: Lan Xu (2019), Effects of oral contraceptive pretreatment on IVF outcomes in women following a GnRH agonist protocol, Reproductive Healthcare Ltd. https://doi.org/10.1016/j.rbmo.2019.08.002.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK