Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 25-12-2019 12:18pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận 

Những năm gần đây, xu hướng chuyển đơn phôi có chọn lọc (single embryo transfer- eSET) đã được xem xét và có chính sách áp dụng trên nhóm bệnh nhân phù hợp ở nhiều nước với mục tiêu giảm tỉ lệ đa thai. Tuy nhiên, eSET được áp dụng chủ yếu ở phôi nang hơn phôi giai đoạn phân chia do eSET phôi giai đoạn phân chia cho kết quả tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn so với eSET phôi nang. Vì thế, đòi hỏi việc lựa chọn phôi có tiềm năng tốt để eSET nhằm tăng tỉ lệ thành công trong điều trị TTTON. Hiện nay có nhiều phương pháp lựa chọn mới bên cạnh đánh giá hình thái phôi cổ điển là xét nghiệm di truyền tiền làm tổ để xác định nguyên bội (PGT-A), hệ thống nuôi cấy phôi kết hợp với camera quan sát liên tục (TLM: time-lapse monitoring)… Hình thái phôi nang được đánh giá qua 3 thông số: độ nở rộng khoang phôi, chất lượng TE, ICM. Một số nghiên cứu đã xác định mỗi thông số đóng góp để tạo tiềm năng làm tổ hoặc trẻ sinh sống nhưng các kết luận khác nhau. Đã có nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của TE hơn ICM, và đã nhấn mạnh chất lượng TE như có khả năng tiên lượng trẻ sinh sống hơn 2 thông số còn lại.
Trong khi đó, TLM cho phép đánh giá chi tiết hình thái phôi, cung cấp các thông số động học và công cụ lựa chọn phôi. TLM được nghiên cứu nhiều về tính an toàn và hiệu quả qua những nghiên cứu đoàn hệ đối chứng ngẫu nhiên, bài tổng quan của nhiều tác giả trên thế giới cho thấy cải thiện tỉ lệ làm tổ, thai lâm sàng.

Ngoài ra, PGT-A là kỹ thuật giúp chọc lọc phôi có NST nguyên bội để chuyển. Theo 2 bài nghiên cứu cộng gộp, việc chuyển phôi nguyên bội ở nhóm tiên lượng tốt, cho tỉ lệ làm tổ cao hơn (~50-60%) và tỉ lệ sẩy thai thấp hơn (~10%) (Dahdouh et al. 2015, Chen et al. 2015). Bằng chứng này đã ủng hộ cho chính sách SET phôi nang ở bệnh nhân có tiên lượng tốt và tuổi mẹ cao.

Giả thuyết được đặt ra là ngay cả khi hình thái kết hợp động học chỉ cho phép tiên lượng một phần trạng thái NST hoặc tiềm năng làm tổ, thì vẫn có thể nghiên cứu khả năng tiên đoán kết cục xa hơn ở phôi nang được chẩn đoán là nguyên bội sau PGT-A. Chính vì thế, một nghiên cứu đoàn hệ quan sát đã được tiến hành để xem liệu động học hình thái phát triển của phôi nang nguyên bội có cho phép tiên lượng trẻ sinh sống tốt hơn sau khi SET hay không. Nghiên cứu được thực hiện theo hai giai đoạn: đào tạo (511 phôi nang nguyên bội tại 2 trung tâm) và xác nhận kiểm tra (319 phôi nang nguyên bội tại 3 trung tâm). Các phôi được nuôi cấy với TLM, ghi nhận các thông số động học từ thời điểm tống xuất thể cực thứ 2 cho đến khi bắt đầu hình thành khoang phôi, đánh giá hình thái của ICM và TE phôi nang. Các phôi nang được xét nghiệm PGT-A để xác định nguyên bội sau đó được dùng để SET. Trong giai đoạn đào tạo, phân tích hồi quy logistic được thực hiện để xác định các biến thể hiện mối liên quan có ý nghĩa thống kê với trẻ sinh sống. Trong giai đoạn xác nhận, các biến này đã được kiểm tra trong một tập dữ liệu độc lập.
Kết quả:
  • Trong giai đoạn đào tạo: Tỷ lệ trẻ sinh sống trung bình (LBR) là 40% (N = 207/511). Chỉ có thời điểm (tM) và chất lượng TE là các yếu tố tiên đoán giả định về trẻ sinh sống tại hai trung tâm IVF.
  • Trong giai đoạn xác nhận, các phôi nang nguyên bội được đặc trưng bởi tM <80h và TE chất lượng cao sẽ có LBR là 55,2% (n = 37/67), trong khi những người có tM ≥ 80h và TE chất lượng thấp dẫn đến LBR 25,5% (N = 13/51).
Như vậy, thời điểm hình thành phôi dâu và chất lượng tế bào lá nuôi là những yếu tố tiên lượng tốt trẻ sinh sống sau khi chuyển phôi nang nguyên bội. Những dữ liệu này ủng hộ vai trò quan trọng của sự hình thành phôi dâu trong quá trình phát triển, là giai đoạn liên quan đến những thay đổi lớn về hình thái, tế bào và phân tử và đáng được nghiên cứu thêm.

Nguồn: Time of morulation and trophectoderm quality are predictors of a live birth after euploid blastocyst transfer: a multicenter study, Fertility and Sterility, 2019, https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2019.07.1322

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK