Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 15-11-2019 10:19am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Hồ Lan Trâm – IVFMD Tân Bình
 
Trong lịch sử, việc chuyển phôi tươi cho kết quả điều trị tốt hơn, nhưng ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật trữ phôi bằng phương pháp thuỷ tinh hoá, việc chuyển phôi trữ ngày càng trở nên phổ biến. Các nghiên cứu trước đây cho thấy việc chuyển phôi trữ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ lâu dài của trẻ, cụ thể là cân nặng lúc sinh, tình trạng béo phì sau đó (Winter JD và cs, 2017) và BMI tăng theo độ tuổi của trẻ (Boney CM và cs, 2005). Mặc dù chuyển phôi trữ ngày càng thành công, nhưng nếu tác động tiêu cực đến sức khoẻ lâu dài của trẻ thì có thể thay đổi đáng kể thực hành lâm sàng và tư vấn bệnh nhân. Một nghiên cứu gần đây của Alessandra và cs (2019) thực hiện nhằm mục đích kiểm tra ảnh hưởng của việc chuyển phôi trữ đến cân nặng sơ sinh và tăng trưởng cân nặng hằng năm của trẻ.

Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện trên bệnh nhân chuyển phôi tươi và phôi trữ từ 2010-2014 ở Minnesota. Nghiên cứu so sánh cân nặng từ sơ sinh đến ít nhất 18 tháng tuổi và đến 5 tuổi (nếu có thể) ở 2 nhóm. Bên cạnh đó, các phép đo để đánh giá sự tăng trưởng của trẻ cũng được ghi nhận. Phương pháp điểm xu hướng (Propensity score methodology) được sử dụng để cân bằng 2 nhóm theo đặc điểm của mẹ và tuổi thai trước khi đánh giá kết quả.

Có 136 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia vào nghiên cứu, trong đó có 87 chuyển phôi tươi và 49 chuyển phôi trữ. Không có sự khác biệt đáng kể giữa các đặc điểm về bệnh nhân giữa 2 nhóm.
  • Chiều dài và chu vi vòng đầu khác biệt đáng kể ở trẻ sơ sinh từ nhóm chuyển phôi tươi so với chuyển phôi trữ, nhưng sự khác biệt này có ý nghĩa lâm sàng hạn chế.
  • Trọng lượng trung bình của trẻ sơ sinh ở nhóm chuyển phôi tươi thấp hơn so với chuyển phôi trữ (3,066g so với 3,340g, p=0.04). Tuy nhiên, khi điều chỉnh theo tuổi thai, giới tính và các yếu tố tiền sản của mẹ thì không còn thấy sự khác biệt.
  • Không có sự khác biệt về các phép đo tăng trưởng ở trẻ em bao gồm cân nặng theo độ tuổi và giới tính và chỉ số BMI không khác biệt đáng kể giữa các nhóm, mặc dù xu hướng tăng cân đã được ghi nhận ở 12 và 24 tháng tuổi ở trẻ sinh ra từ chuyển phôi trữ.
Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá ảnh hưởng chuyển phôi tươi và phôi trữ đến cân nặng lúc nhỏ của trẻ. Nghiên cứu xác nhận mối liên quan giữa việc chuyển phôi trữ làm gia tăng trọng lượng sơ sinh của trẻ, tuy nhiên khi kiểm soát các yếu tố gây nhiễu thì sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu không tìm thấy ảnh hưởng của việc chuyển phôi tươi và phôi trữ lên kết quả chu sinh và quỹ đạo tăng trưởng của trẻ trong những năm đầu đời.

Nguồn: Fresh versus frozen embryo transfer has no effect on childhood weight. Fertil Steril. 2019 Oct;112(4):684-690.e1. doi: 10.1016/j.fertnstert.2019.05.020. Epub 2019 Jul 29.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK