Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 15-11-2019 10:15am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

BS. Lê Tiểu My

Bà mẹ mang thai trải qua những việc căng thẳng trong giai đoạn nửa đầu thai kỳ (trước 18 tuần) có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con trai họ sau này. Đây là kết quả nghiên cứu vừa công bố trên Human Reproduction - một trong những tạp chí chuyên ngành uy tín trên thế giới.
 
Với giả thiết những sự kiện diễn ra trong giai đoạn đầu thai kỳ cũng có những ảnh hưởng nhất định đến khả năng sinh sản sau này, các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát trên 643 người nam độ tuổi khoảng 20. Kết quả phân tích cho thấy rằng nếu trong thời gian còn trong bụng mẹ và người mẹ có những sự kiện gây stress trong cuộc sống thì chất lượng tinh trùng cũng như nồng độ testosterone giảm so với những ai trải qua thai kỳ bình yên hoặc mẹ bị stress ở giai đoạn trễ hơn 18 tuần (khoảng giữa 18-34 tuần).
 
Kết quả này từ nghiên cứu Raine miền Tây nước Úc, đánh giá trên gần 3000 thai phụ bằng cách trả lời bảng câu hỏi ghi nhận những sự việc gây stress trong giai đoạn mang thai trong 18 tuần đầu và giai đoạn sau của thai kỳ. Những sự kiện này bao gồm cái chết của người thân hoặc bạn bè; ly thân, ly dị hoặc hôn nhân trục trặc; vấn đề với con cái; bạn đời mất việc; tài chính khó khăn, lo lắng khi mang thai, chuyển nhà hoặc các vấn đề khác. Tổng cộng có đến 2868 trẻ (1454 trẻ trai) của 2804 bà mẹ được theo dõi nhằm đánh giá ảnh hưởng của stress trong những giai đoạn khác nhau của thai kỳ và chức năng sinh sản của nam giới. Khi được 20 tuổi, những người tham gia khảo sát sẽ được siêu âm tinh hoàn, xét nghiệm tinh dịch đồ và xét nghiệm máu. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng 63% nam giới có mẹ có những sự kiện gây căng thẳng trong khi mang thai. Nếu sự kiện xảy ra giai đoạn sớm, tổng số tinh trùng thấp, tinh trùng di động tốt giảm và nồng độ testosterone trong máu cũng thấp hơn so với nhóm có mẹ không trải qua biến cố khi mang thai. Kết quả phân tích này đã hiệu chỉnh các yếu tố ảnh hưởng khi so sánh giữa hai nhóm như BMI của mẹ, tình trạng kinh tế - xã hội, hoặc mẹ đã từng sinh con trước đó hay chưa.

Tác giả chính của nghiên cứu phân tích thêm “nếu bà mẹ mang thai có từ 3 sự kiện gây stress trở lên trong giai đoạn đầu của thai kỳ, con trai họ có số lượng tinh trùng giảm 36%, khả năng di động của tinh trùng giảm 12% và nồng độ testosterone giảm 11% so với những bà mẹ có thai kỳ bình an”.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng vài tháng đầu của thai kỳ là khi cơ quan sinh sản nam giới đang ở giai đoạn phát triển dễ bị tổn thương nhất. Khi có các sự kiện gây căng thẳng trong cuộc sống trong giai đoạn này, chức năng sinh sản nam giới trưởng thành suy giảm, phù hợp với giả thuyết rằng các sự kiện trong giai đoạn đầu đời tác động đến quá trình thiết lập chức năng sinh sản nam giới trưởng thành. Tác giả nghiên cứu giải thích thêm, bản thân việc tiếp xúc các sang chấn trong bào thai từ biến cố của người mẹ không là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vô sinh nhưng là yếu tố cộng hưởng làm tăng nguy cơ vô sinh của nam giới. Ngoài ra, những yếu tố khác, chủ yếu liên quan đến lối sống bao gồm thừa cân, béo phì trung tâm, hút thuốc, uống quá nhiều rượu, cao huyết áp, tăng cholesterol, rối loạn lipid máu, đường huyết hoặc có thể tiếp xúc với hóa chất trong môi trường tác động vào nội tiết, cả trước khi sinh và ở độ tuổi trưởng thành cũng làm tăng nguy cơ vô sinh nam.

Với kết quả này, nhóm nghiên cứu đề nghị cần tăng cường hỗ trợ phụ nữ trước và trong khi mang thai, đặc biệt là giai đoạn đầu thai kỳ có thể cải thiện chức năng sinh sản của con trai họ.
 
Lược dịch từ: The association between in-utero exposure to stressful life events during pregnancy and male reproductive function in a cohort of 20-year-old offspring: The Raine Study - Human Reproduction, Vol.34, No.7, pp. 1345–1355, 2019 - Advance Access Publication on May 30, 2019 doi:10.1093/humrep/dez070

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK