Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 28-04-2020 5:25pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Huỳnh Trọng Kha – IVFMD Tân Bình
 
Tỷ lệ sinh sống cộng dồn bao gồm tỷ lệ trẻ sinh sống của chu kỳ chuyển phôi tươi và các chu kỳ chuyển phôi trữ tiếp theo từ cùng một lần kích thích buồng trứng. Con số này ngày càng trở thành công cụ có giá trị cao trong việc đánh giá sự thành công của quy trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Tuy nhiên, chất lượng của các chu kỳ chuyển phôi trữ có thể bị ảnh hưởng bởi số lượng và chất lượng noãn của chu kỳ chọc hút ban đầu. Và trong TTTON, kích thích buồng trứng (KTBT) là một phương án được ưu tiên chọn lựa nhằm thay thế chu kì rụng trứng tự nhiên bằng kích thích nhiều nang, thu được nhiều noãn; từ đó, tăng số phôi và tỷ lệ mang thai cho bệnh nhân (Fauser và cs, 2005). Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có nguy cơ quá kích buồng trứng (QKBT). Do đó, hiện nay mục tiêu của một chu kỳ KTBT là thu nhận số lượng noãn đủ để có thể tạo phôi tốt, giảm nguy cơ QKBT, giúp bệnh nhân có cơ hội có thai và sinh con với tỷ lệ tối ưu nhất. Vì vậy, Panagiotis Drakopoulos và cộng sự (2016) đã thực hiện một nghiên cứu với mục tiêu đánh giá mối tương quan giữa số noãn thu nhận và tỷ lệ sinh sống cộng dồn khi áp dụng phương án chuyển một phôi cho chu kì IVF/ICSI.

Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu từ 1/2009 đến 12/2013 trên 1099 phụ nữ có độ tuổi từ 18-40 tuổi. Tiêu chí xét vào nghiên cứu là các chu kì chuyển đơn phôi (eSET) thực hiện KTBT bằng Gonadotrophin với liều FSH tái tổ hợp khởi đầu là 150-250 IU, chu kì không thực hiện chẩn đoán tiền làm tổ, cũng như loại các chu kì cho – nhận noãn hay sử dụng noãn đông lạnh. Bệnh nhân sẽ được kích thích buồng trứng, theo dõi đáp ứng buồng trứng cho đến khi có 3 nang đạt đường kính 17 mm, tiến hành tiêm hCG và chọc hút sau 36 giờ tiêm. Bệnh nhân được chia thành các nhóm dựa theo số noãn thu nhận được: 1–3 noãn (nhóm A), 4–9 noãn (nhóm B), 10–15 noãn (nhóm C) và >15 noãn (nhóm D). Cuối cùng thực hiện ICSI, nuôi cấy và chọn lựa phôi chuyển vào ngày 3 hoặc ngày 5.

Kết quả nghiên cứu thu được:
  • Đặc điểm nền của bệnh nhân: BMI, chỉ định điều trị, phương pháp thụ tinh, độ tuổi, thời gian KTBT, tỷ lệ thụ tinh, số lượng noãn thu được, tuổi phôi tươi chuyển cho bệnh nhân. Các thông số này đều không có sự khác biệt thống kê giữa các nhóm (P>0.05).
  • Tỷ lệ trẻ sinh sống ở các chu kì chuyển phôi tươi đầu tiên thì nhóm D không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với hai nhóm B và C (P=0.65), nhưng có sự khác biệt với nhóm A (P<0.05).
  • Tuy nhiên, khi xét tỷ lệ trẻ sinh sống cộng dồn của cả chu kì IVF/ICSI thì nhóm D cao hơn so với cả 3 nhóm A, B, C (P<0.05).
  • Hội chứng QKBT xảy ra với tỉ lệ 1% (11/1099 bệnh nhân)
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trẻ sinh sống cộng dồn ở bệnh nhân chuyển phôi đơn tăng khi số lượng noãn thu được tăng. Tuy nhiên, cần cân nhắc nhiều yếu tố nguy cơ cho bệnh nhân khi chọn lựa phác đồ KTBT.

Nguồn: Panagiotis Drakopoulos, Christophe Blockeel, Dominic Stoop, Michel Camus, Michel de Vos, Herman Tournaye, Nikolaos P. Polyzos, Conventional ovarian stimulation and single embryo transfer for IVF/ICSI. How many oocytes do we need to maximize cumulative live birth rates after utilization of all fresh and frozen embryos?, Human Reproduction, Volume 31, Issue 2, February 2016, Pages 370–376, https://doi.org/10.1093/humrep/dev316
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK