Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 26-04-2020 10:44pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Tiểu My - Bệnh viện Mỹ Đức

U mạch nhau là một trong những dạng u mạch máu không thuộc nguyên bào nuôi thường gặp, ước tính tỷ lệ khoảng 1% thai kỳ. Nguyên nhân của u mạch nhau vẫn chưa xác định đầy đủ, chủ yếu được giải thích do tăng sinh bất thường của mạch máu ở các giai đoạn biệt hoá khác nhau của mô đệm. Chẩn đoán u mạch nhau chủ yếu dựa vào hình ảnh khối phản âm kém hình tròn, bờ rõ thuộc bánh nhau hoặc cấu trúc phản âm hỗn hợp thuộc mặt thai của bánh nhau. Phổ Doppler màu sẽ thấy hình ảnh mạch máu nuôi đi vào trung tâm khối u hoặc phân bố quanh u. Trong một số trường hợp nặng có thể có dấu hiệu suy tim cung lượng cao bao gồm tim to, đa ối, tăng vận tốc động mạch não giữa hoặc phù thai. Hầu hết các u mạch nhau đều có kích thước nhỏ và không triệu chứng, phát hiện tình cờ sau sinh. Ngược lại, các khối u lớn có thể gây ảnh hưởng nhiều mặt đến kết cục chu sinh, bao gồm thai chậm tăng trưởng, sinh non, thai chết lưu trong tử cung và ảnh hưởng phát triển tâm thần ở trẻ. Y văn về liên quan giữa u mạch nhau và kết cục bất lợi cho thai chỉ ở những nghiên cứu đã công bố thường cỡ mẫu nhỏ, chủ yếu là những trường hợp phù thai, tuổi thai khi chẩn đoán và kích thước u khác nhau, do đó đánh giá các nguy cơ bất lợi không đồng nhất.



Một tổng quan hệ thống và phân tích gộp về tỷ lệ và các ảnh hưởng của u mạch nhau được chẩn đoán trước sinh và kết cục chu sinh vừa công bố. Tiêu chuẩn nhận vào phân tích gồm những thai kỳ đơn thai được chẩn đoán u mạch nhau trước sinh và không có bất kỳ bất thường cấu trúc nào khác ở thai. Kết quả phân tích chính là tỷ lệ tử vong chu sinh và một số bất thường không liên quan bất thường cấu trúc ở thai được phát hiện trên siêu âm, bao gồm phù thai, thiếu máu, dấu hiệu tăng thể tích tuần hoàn, thai nhỏ so với tuổi thai (bao gồm cả sinh non). Kết quả được phân tích riêng ở nhóm có và không can thiệp bào thai. Dựa trên phân tích của 28 nghiên cứu được tổng hợp (161 thai kỳ), kết quả cho thấy:
  • Ở nhóm không can thiệp bào thai: tỷ lệ thai chết lưu trong tử cung 8.2% (95% CI, 3.8 - 15.0%), tỷ lệ tử vong sơ sinh và chu sinh lần lượt khoảng 3,8% (95% CI, 1.0 - 8.1%) và 11.1% (95% CI, 5.0 .19.4% ). Thai nhỏ so với tuổi thai lúc sinh 24,0% (95% CI, 13,5 - 36,5%);  sinh non <37 tuần là 34,1% (95% CI, 21,1 - 48,3%) trên tổng số trường hợp. Tỷ lệ bệnh suất sơ sinh khoảng 12,0% (95% CI, 4,5 - 22,3%). Trên siêu âm, các dấu hiệu tăng gánh tuần hoàn xuất hiện ở 21,0% (95% CI, 9,6 - 35,3%), vận tốc đỉnh tâm thu động mạch não giữa tăng 20,6% (95% CI, 10,9 - 32,3%).
  • Phân tích theo kích thước của khối u mạch nhau, ở cả hai nhóm có và không can thiệp cho thấy hầu hết các kết cục bất lợi gia tăng theo kích thước u. Ngoài ra, nhóm u mạch nhau kèm phù thai là nhóm có tỷ lệ kết cục xấu cao. Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu so sánh can thiệp hoặc theo dõi ở những trường hợp u mạch nhau có biến chứng (phù thai hoặc tăng gánh tuần hoàn). Tính tổng cộng, có khoảng 31% (95% CI, 18,1 – 46,1%) trường hợp được can thiệp trong tử cung và có 57,3% trường hợp (95% CI, 39,2 – 74,4%) hết phù thai hoặc tăng gánh tuần hoàn sau điều trị.
Như vậy, u mạch nhau thường liên quan đến kết cục bất lợi cho thai. Kích thước của khối u và sự hiện diện của phù thai có thể là yếu tố chính quyết định ảnh hưởng đến kết quả chu sinh.
 
Lược dịch từ: Perinatal outcome of pregnancies complicated by placental chorioangioma: systematic review and meta-analysis. Ultrasound Obstet Gynecol 2020; 55: 441–449. DOI: 10.1002/uog.20304

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK