Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 25-04-2020 11:49pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Huỳnh Trọng Kha - IVFMD Tân Bình

Qua nhiều năm, với ưu điểm tỷ lệ sống cao, hiệu quả lâm sàng tối ưu, thao tác đơn giản, chi phí đầu tư thấp nên kĩ thuật đông lạnh phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa đang dần được xem là lựa chọn tối ưu (AbdelHafez và cs, 2010). Với phương pháp này, phôi trải qua hai bước, ở bước đầu tiên: phôi tiếp xúc với môi trường cân bằng có nồng độ chất bảo quản lạnh (CPA) thấp, chuyển sang bước thứ hai: phôi tiếp xúc với môi trường thủy tinh hóa có nồng độ CPA cao. Do đó, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đông lạnh trong quá trình này như thời gian tiếp xúc và việc sử dụng các chất bảo quản khác nhau (Berthelot-Ricou và cs, 2013), chất lượng phôi (Desai và cs, 2013), kĩ thuật người thao tác (Kuwayama và cs, 2007),… Trong đó, thời gian tiếp xúc CPA với phôi được xem là rất quan trọng cho thành công của cả quy trình. Nguyên nhân giải thích cho giả định này là việc tiếp xúc lâu, có thể làm tăng độc tính lên tế bào, ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi, thai hay việc tiếp xúc quá nhanh sẽ khiến phôi chưa đạt cân bằng, ảnh hưởng sự trao đổi CPA, dẫn đến hình thành tinh thể đá. Hiện nay, có nhiều lí thuyết đưa ra với thời gian phôi trong môi trường cân bằng khác nhau, chưa có sự thống nhất. Vì vậy, trong nghiên cứu của Xiong và cộng sự (2016), tác giả thực hiện với mục đích đánh giá sự sống của phôi và kết quả lâm sàng khi thay đổi thời gian phôi trong môi trường cân bằng.



Tác giả thực hiện hồi cứu trên 517 chu kì điều trị từ 1/2012 đến 6/2013 khi thỏa tất cả các tiêu chí nhận là ≤ 37 tuổi, chuyển phôi giai đoạn phân chia có chất lượng phôi tốt (≥ 6 tế bào ngày 3, tỷ lệ phân mảnh < 30%), các chu kì không thực hiện chẩn đoán di truyền. Sau đó, tiến hành phân chia vào bốn nhóm nghiên cứu với thời gian phôi trong môi trường cân bằng khác nhau: nhóm 1 (5-6 phút, n=108), nhóm 2 (7-8 phút, n=188), nhóm 3 (9-10 phút, n=102), nhóm 4 (11-12 phút, n=119). Tất cả phôi được bảo quản lạnh bằng dụng cụ trữ là Cryotop và môi trường đông lạnh của Kitazato (Kitazato BioPharma Co., Shizuoka, Nhật Bản). Cuối cùng đánh giá các kết quả về tỷ lệ phôi sống (phôi còn sống nguyên vẹn trên 50% phôi bào), tỷ lệ phôi sống nguyên, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ làm tổ.

Kết quả thu được như sau:
  • Tất cả đặc điểm nền của bệnh nhân ở các nhóm đều không có sự khác biệt về thống kê (P>0.05), bao gồm: tuổi bệnh nhân, thời gian vô sinh, số chu kì điều trị IVF, liều Gonadotropin, đỉnh E2 vào ngày tiêm hCG, độ dày nội mạc tử cung ngày chuyển phôi trữ.
  • Số lượng noãn thu nhận vào ngày chọc hút và số phôi lưu trữ ở nhóm 3 cao hơn đáng kể so với các nhóm khác (P<0.05).
  • Số phôi chuyển trong chu kì chuyển phôi trữ ở nhóm 1 cao hơn đáng kể so với các nhóm còn lại (P=0,008).
  • Tỷ lệ phôi sống và sống nguyên không có sự khác biệt giữa các nhóm (P>0.05).
  • Tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ trẻ sinh sống của nhóm 1 (lần lượt là 54.6%; 31.9%, 48.2%) thấp hơn đáng kể so với 3 nhóm còn lại (P<0.05). Trong khi đó, ở nhóm 3 thì các tỷ lệ này cao nhất trong các nhóm (lần lượt là 73.5%, 47.6% và 64.7%, P<0.05).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thời gian phôi cân bằng tối ưu là 9-10 phút sẽ mang lại kết quả thai cao nhất thay vì 11-12 phút. Tóm lại, thời gian cân bằng trong môi trường đông lạnh của phương pháp thủy tinh hóa rất quan trọng đến sự sống, phát triển, cũng như làm tổ của phôi, thai sau này. Tuy nhiên, việc tiếp xúc lâu hay nhanh với môi trường đông lạnh cần cân nhắc cho từng loại tế bào, giai đoạn phát triển, kích thước tế bào, nồng độ chất bảo quản.

Nguồn: Xiong, Liu, J., Gao, Y., Liu, W. W., Wu, L. H., Han, Huang, G. N. (2016). Shortened equilibration time can compromise clinical outcomes in human embryo vitrification. Human Fertility, 19(2), 114–119. doi:10.1080/14647273.2016.1186848

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK