Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 20-04-2020 8:59am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Huỳnh Trọng Kha – IVFMD Tân Bình

Hoạt hóa noãn là một quá trình phức tạp ở hầu hết các động vật hữu nhũ, nó được kích hoạt bởi sự xâm nhập của tinh trùng dẫn đến sự giải phóng canxi từ mạng lưới nội chất, gây ra xung dao động canxi nội bào noãn. Canxi được xem là tín hiệu then chốt để kích hoạt noãn bào thành công và khởi đầu cho quá trình tạo phôi tiếp sau đó. Và có khoảng 1-4% các trường hợp thất bại thụ tinh xảy ra trong tất cả các chu kỳ điều trị thụ tinh ống nghiệm (Kashir và cs, 2010). Vì vậy, hiện nay các trường hợp thất bại thụ tinh sau ICSI thường được giải quyết lâm sàng thông qua hoạt hoá noãn nhân tạo (Artificial oocyte activation - AOA), liên quan đến cảm ứng nhân tạo giải phóng Ca2+ sau ICSI. Và những quy trình AOA phổ biến nhất là sử dụng Ca2+ ionophores, strontium, ICSI cải tiến hoặc xung điện (Nikiforaki và cs, 2016). Đặc biệt là sử dụng ionophores vì nó có thể gây ra dòng Ca2+ bằng cách thay đổi tính thấm của màng plasma hoặc có thể tác động trực tiếp lên các bào quan nội bào giải phóng Ca2+ (Nikiforaki và cs, 2016). Tuy nhiên, cho đến hiện nay, sự an toàn của AOA vẫn còn đang được theo dõi và chứng minh bởi sự hỗ trợ tăng nồng độ Ca2+ nhân tạo, có thể ảnh hưởng đến một số hoạt động sinh lý của noãn. Vì vậy, trong nghiên cứu của Capalbo và cộng sự (2016), tác giả thực hiện nhằm tìm hiểu sự ảnh hưởng của AOA vào quá trình giảm phân II của noãn.

Ở Ý, theo quy định thì bệnh nhân chỉ được thực hiện ICSI tối đa 3 noãn cho một chu kì điều trị, số phôi tạo thành phải rất hạn chế và những noãn dư có thể hủy hoặc đông lạnh bảo quản lại cho chu kì sau. Do đó, nghiên cứu dưới sự đồng ý của bệnh nhân và hội đồng thẩm định Clinica Valle Giulia đã tiến hành thực hiện từ 6/2008 đến 5/2009 trên 56 noãn MII dư của 12 bệnh nhân thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Các noãn dư sau khi rã đông đã thực hiện AOA với canxi-ionophore trong 40 phút. Sau đó, sử dụng các phương pháp xét nghiệm về gen như aCGH (array comparative genomic hybridization), SNP (single-nucleotide polymorphism) để đánh giá quá trình tái khởi động giảm phân II của noãn sau AOA (nhóm thí nghiệm) và tiến hành so sánh với kết quả phân tích phôi ở giai đoạn phân chia của bệnh nhân trước đó (nhóm chứng).

Kết quả thu được là:
  • Tổng cộng có 49 noãn sống sau quá trình rã (88%), trong đó 39 noãn thực hiện AOA (79.6%). Các noãn này cho thấy sự hoạt hóa thành công với kết quả bình thường là sự xuất hiện thể cực thứ hai và có hoặc không có tiền nhân: 2PB1PN (2 Polar body – 1 Pronuclear) 76.9% (30/39); 2PB0PN: 12,8% (5/39). Ngoài ra, có 4 noãn AOA cho kết quả bất thường bao gồm 3 noãn có 2PB2PN: 7.7% (3/39) và một noãn 0PB1PN: 2.6% (1/39).
  • Sau phân tích di truyền 30 noãn AOA tạo 2PB1PN thì có 27 noãn với kết quả phân tích đạt yêu cầu và trong số 27 noãn đó, có 16 noãn ở thể nguyên bội (59.3%; 95% CI 38.8%–77.6%).
  • Riêng ở những noãn AOA tạo 2PB2PN, sau phân tích di truyền cho thấy là noãn lưỡng bội (digynic). Và ở những noãn này, tác giả tìm thấy các sai hỏng là bộ nhiễm sắc thể (NST) chỉ có một bản sao NST số 13 hoặc có sự mất đoạn trên hai nhiễm sắc thể 18 và 21.
  • Nhìn chung, kết quả phân tích về sai sót trong quá trình giảm phân II, tác giả không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của các tế bào noãn áp dụng AOA (28.6%; khoảng tin cậy 95% 3.7%–71.0%) so với phân tích phôi được tạo ra từ noãn thụ tinh bình thường (44.4%; khoảng tin cậy 95% 13.7%– 78.8%). Và kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ sai hỏng NST có thể xảy ra ở giảm phân II ước tính là 1.9% trên mỗi NST và 7.7% trên mỗi noãn có AOA, cũng như noãn không AOA.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy AOA không gây tăng rối loạn trong quá trình giảm phân II. Tuy nhiên, tác giả khuyến cáo AOA vẫn nên áp dụng chuyên biệt cho một số nhóm bệnh nhân đã được khuyến cáo trước đó của tổ chức ASRM, tránh dùng thường quy trên tất cả bệnh nhân.

Nguồn: Capalbo, A., Ottolini, C. S., Griffin, D. K., Ubaldi, F. M., Handyside, A. H., & Rienzi, L. (2016). Artificial oocyte activation with calcium ionophore does not cause a widespread increase in chromosome segregation errors in the second meiotic division of the oocyte. Fertility and Sterility, 105(3), 807–814.e2. doi:10.1016/j.fertnstert.2015.11.017

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK