Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 18-04-2020 5:49pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Võ Như Thanh Trúc – Chuyên viên phôi học – IVFAS


Thất bại làm tổ nhiều lần (RIF – Recurrent Implantation Failure) được xác định khi người phụ nữ đó không có thai lần nào sau 2 chu kì điều trị IVF có chuyển phôi vào buồng tử cung và đã chuyển ít nhất 4 phôi chất lượng tốt. Tỉ lệ RIF ở mỗi trung tâm là khác nhau, nhưng thường rơi vào khoảng 40% các chu kì điều trị.

Quá trình làm tổ thành công là một quá trình phức tạp liên quan đến cả các điều kiện trong buồng tử cung của người mẹ lẫn các yếu tố của phôi và sự làm tổ chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn (7-10 ngày) trong pha chế tiết của chu kì kinh nguyệt, khi đó phôi đã phát triển đến giai đoạn phôi nang và di chuyển đến buồng tử cung đã được chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận. Có nhiều yếu tố tham gia điều hoà quá trình làm tổ, gồm các yếu tố liên quan đến cấu trúc tử cung, đến nội mạc tử cung, yếu tố miễn dịch, và cả các yếu tố tế bào và yếu tố tiết đến từ phôi. Do đó, để có thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra RIF không phải là một vấn đề đơn giản. Gần đây, nhiều nghiên cứu đã báo cáo về vai trò điều hoà của những phân tử miRNA và các bất thường của các phân tử này có thể liên quan đến một số vấn đề như khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung, RIF hay thậm chí là suy buồng trứng sớm. Nghiên cứu của Jung Oh Kim và cộng sự (2020) được thực hiện nhằm xác định mối liên hệ giữa các bất thường trên phân tử miRNA và nguy cơ gây RIF.

Nghiên cứu thực hiện trên quần thể bệnh nhân RIF điều trị TTTON tại trung tâm CHA Bungdang, Seognam, Hàn Quốc, từ tháng 3/2010 đến tháng 12/2012. Nghiên cứu thu nhận mẫu máu ngoại vi của 120 bệnh nhân RIF (người vợ) và 219 mẫu đối chứng (không RIF). Tất cả bệnh nhân và nhóm đối chứng đều là người Hàn Quốc và đều được kí đơn đồng thuận tham gia nghiên cứu. Tất cả bệnh nhân RIF đều được chuyển phôi tốt và có nồng độ ß-hCG <5mIU/ml vào ngày thứ 14 sau khi chuyển phôi. Những bệnh nhân được chẩn đoán thất bại làm tổ do các vấn đề về cấu trúc tử cung, bất thường nhiễm sắc thể, bất thường hormone, do viêm nhiễm, do các bệnh tự miễn hoặc do rối loạn đông máu đều bị loại ra khỏi nghiên cứu. Các cá thể thuộc nhóm đối chứng được tuyển vào nghiên cứu dựa theo tiêu chí: có chu kì kinh nguyệt bình thường, có ít nhất 1 lần có thai tự nhiên, không có tiền sử sẩy thai và karyotype bình thường.

Mẫu máu ngoại vi của các bệnh nhân RIF sẽ được đánh giá các bất thường về nồng độ Homocysteine, Folic acid, tổng Cholesterol, Uric acid, Urea Nitrogen, Creatinine và tình trạng đông máu để loại bỏ các yếu tố có liên quan đến thất bại làm tổ.
Tất cả mẫu máu đều được thực hiện thu nhận các tế bào bạch cầu và sau đó phân tách DNA bộ gene bằng kit thương mại. Các bất thường trong trình tự miRNA được thực hiện bằng phản ứng PCR đặc biệt dành cho các phân tích đa hình trên những phân đoạn DNA giới hạn, đặc hiệu cho một số miRNA nghiên cứu đang quan tâm như: miR-27a, miR-423, miR-449b, miR-604.

Kết quả ác phân tích cho thấy các kiểu gene của miRNA mang phân tích đều tuân theo quy luật Hardy-Weinberg. Những phân tích so sánh giữa bệnh nhân RIF và nhóm đối chứng cho thấy các thể đa hình miR-27aA>GmiR-604A>G có liên quan đến giảm tỉ lệ RIF trong quần thể bệnh nhân. Tuy nhiên, thể đa hình miR-449bA>G lại liên quan đến tăng nguy cơ RIF. Hơn nữa, phân tích sâu hơn cho thấy khi số lượng thất bại làm tổ tăng lên thì mối tương quan giữa thể đa hình miR-449bA>G và nguy cơ RIF lại càng tăng lên rõ rệt. Đặc biệt là kiểu gene miR-449b AG+GG có mối liên hệ càng chặt chẽ với tỉ lệ RIF so với kiểu gene miR-449b AA.

Nghiên cứu còn xác định được 3 kiểu haplotype (là hệ thống các biến thể di truyền có xu hướng di truyền cùng nhau) của các miRNA miR-27a/miR-423/miR-449b/mỉ-604 có liên quan đến sự tăng nguy cơ RIF với các SNP lần lượt là: A-C-G-A, A-A-G-G, và G-A-A-A. Trong khi haplotype G-C-A-G lại cho thấy liên quan đến giảm nguy cơ RIF. Phân tích các haplotype của miR-27a/miR-449b/miR604, kết quả nghiên cứu cho thấy haplotype A-G-A làm tăng tần số RIF trong quần thể. Trái lại, haplotype G-A-G của miR-27a/miR-449b/miR604 và haplotype A-G-G của miR-423/miR-449b/miR604 lại khiến cho nguy cơ RIF giảm đi.

Các phân tích gộp trên đối tượng bệnh nhân mang cả hai biến thể miR-27aAG và miR-423CC hoặc mang biến thể miR-27aAG kết hợp với biến thể miR-604AG hoặc GG có nguy cơ RIF cao hơn so với các biến thể khác.

Với các phát hiện về vai trò của miRNA trong điều hoà các hoạt động làm tổ của phôi lên nội mạc tử cung, cùng với các kết quả của nghiên cứu này, chúng ta có thể ngày càng thấy rõ vai trò thực sự của miRNA trong các hoạt động điều hoà và các thay đổi trên trình tự của các phân tử này cũng có thể gây ra một số bệnh lý. Cụ thể trong nghiên cứu này, các thể đa hình trên 4 phân tử miRNA (miR-27a, miR-449b, miR-423 và miR-604) có liên quan mật thiết đến tình trạng RIF ở phụ nữ. Đây là một nghiên cứu thú vị về vai trò cũng như cách thức di truyền của các phân tử miRNA trong quần thể bệnh nhân RIF, mở ra cho chúng ta cái nhìn khác hơn về nguyên lý bệnh sinh của RIF.
 
Nguồn: Kim JO, Ahn EH, Sakong JH, et al. (2020), “Association of miR-27aA>G, miR-423C>a, miR-449bA>G and miR-694A>G Polymorphisms with Risk of Recurrent Implantation Failure”, Reprod Sci, 27(1):29 – 38.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK