Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 09-04-2020 3:05pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Tuổi tác là yếu tố quan trọng quyết định khả năng mang thai của phụ nữ kể cả mang thai tự nhiên hay sau điều trị IVF. Tỉ lệ thai sinh sống giảm nhanh ở phụ nữ lớn tuổi và con số này có thể =<1% ở những phụ nữ >44 tuổi. Ngoài ra, tỉ lệ sẩy thai cũng tăng đáng kể ở phụ nữ lớn tuổi lên đến >50% ở những phụ nữ >40 tuổi. Nguyên nhân được tìm thấy thường do giảm dự trữ buồng trứng nên giảm số lượng noãn thu nhận được, tăng số lượng noãn và phôi lệch bội, giảm khả năng tiếp nhận phôi của tử cung…Đối với những bệnh nhân lớn tuổi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh nhân thường được chỉ định ICSI kết hợp PGT-A để lựa chọn phôi nguyên bội nhằm tăng khả năng mang thai cho bệnh nhân. Tuy nhiên cho đến nay, số lượng nghiên cứu về tác động của tuổi mẹ lên khả năng làm tổ của phôi nguyên bội vẫn còn hạn chế và kết quả còn gây tranh cãi. Vì vậy Mohamad Irani và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm trả lời cho câu hỏi liệu rằng tuổi mẹ cao có làm giảm khả năng làm tổ của phôi nang nguyên bội hay không?



Nghiên cứu hồi cứu thực hiện từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2016 trên 785 chu kỳ FET với 870 phôi nang nguyên bội được chuyển. Bệnh nhân được chia thành 5 nhóm nghiên cứu dựa trên độ tuổi của họ: <35 tuổi (nhóm 1), 35-37 tuổi (nhóm 2), 38-40 tuổi (nhóm 3), 41-42 tuổi (nhóm 4) và >42 tuổi (nhóm 5). Ngoài ra, nghiên cứu còn đánh giá kết cục điều trị dựa trên chất lượng phôi của bệnh nhân.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Chất lượng phôi nang và ngày sinh thiết phôi tương quan đáng kể với tỉ lệ trẻ sinh sống và tỉ lệ làm tổ. Theo nghiên cứu, tỉ lệ trẻ sinh sống giảm dần theo xếp loại giảm dần của chất lượng phôi, phôi chất lượng tốt nhất cho tỉ lệ trẻ sinh sống cao gấp 3 lần so với phôi chất lượng kém nhất (78,8% với 28,3%; P < 0,001). Tỉ lệ sẩy thai tự phát cao nhất ở nhóm phôi chất lượng kém nhất. Ngoài ra, sinh thiết phôi ngày 5 cho tỉ lệ sinh sống (60% với 46,6%; P < 0,001) và tỉ lệ làm tổ (63,9% với 47,8%; P < 0,001) cao hơn so với sinh thiết vào ngày 6.
So sánh trên 5 nhóm tuổi cho kết quả không có sự khác biệt về tỉ lệ làm tổ (56,5%; 52,9%; 55,4%; 59,1% và 71.4%, tương ứng từ nhóm 1 đến nhóm 5; p= 0, 2), tỉ lệ sinh sống (55,1%; 51,3%; 53,5%; 52,4% và 61,9%; p= 0,7) và tỉ lệ sẩy thai tự phát (8,8%; 7,9%; 8,3%; 14,3%; và 13,3%; p= 0,5). Phụ nữ ở nhóm 5 có ít phôi nguyên bội hơn tuy nhiên về xếp loại chất lượng phôi cũng như tỉ lệ hình thành phôi nang ở nhóm này tương đương với các nhóm còn lại.

Như vậy nghiên cứu này cho thấy tuổi mẹ chỉ ảnh hưởng đến số lượng phôi nguyên bội mà không ảnh hưởng đến tiềm năng làm tổ và kết cục điều trị IVF.

Nguồn: Does maternal age at retrieval influence the implantation potential of euploid blastocysts? American Journal of Obstetrics & Gynecology. 10.1016/j.ajog.2018.11.1103 2019.
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK