Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 26-04-2020 10:52pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Tiểu My - Bệnh viện Mỹ Đức

Để đánh giá nguy cơ sinh non, ngoài khám lâm sàng và cơn gò tử cung là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán, rất nhiều dấu chỉ sinh học khác được nghiên cứu nhằm dự đoán nguy cơ. Đến nay, siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung (CL) là một trong những yếu tố có ý nghĩa trong tiên lượng nguy cơ sinh sớm. Một tổng quan hệ thống và phân tích gộp gồm 28 nghiên cứu cho thấy CL ở ngưỡng cắt 15mm dự đoán sinh non trong vòng 7 ngày tới khoảng 60%, tỷ lệ dương tính giả khoảng 9,5% ở thai kỳ đơn thai. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là dữ liệu đánh giá về vai trò của CL trên thai kỳ song thai doạ sinh non chưa nhiều, dù song thai thuộc nhóm nguy cơ hàng đầu gây tử vong sơ sinh do sinh non. Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu đánh giá về nguy cơ sinh non trên song thai đều tập trung vào nhóm bệnh nhân không có triệu chứng. Một nghiên cứu lớn so sánh CL nhóm bệnh nhân có triệu chứng doạ sinh non ở thai kỳ song thai và đơn thai cho thấy, để đạt được giá trị tiên đoán âm 95%, ngưỡng CL ở nhóm song thai là 28 - 30 mm so với 11,5 - 12 mm ở đơn thai. Xét về mặt ý nghĩa lâm sàng, dự báo sinh non trong vòng 7 ngày có vai trò quan trọng hơn dự đoán sinh trước 34 tuần hoặc 37 tuần. Vì vậy, một nghiên cứu hồi cứu đánh giá hiệu quả của đo CL ngả âm đạo trong dự đoán sinh non ở nhóm song thai có dấu hiệu doạ sinh non đã được thực hiện và công bố kết quả.



Nghiên cứu khảo sát trên nhóm bệnh nhân song thai ở tuổi thai từ 24 0/7 đến 33 6/7 tuần có dấu hiệu doạ sinh non như đau bụng, gò tử cung. Tất cả các thai phụ này được đo CL ngả âm đạo tại thời điểm nhập viện và vài ngày sau điều trị. Thuốc giảm gò được sử dụng thường là nifedipine đường uống, không quá 48 giờ và bổ sung steroid nếu CL ≤ 25 mm. Các bệnh nhân được phân nhóm theo CL đo được ở lần đánh giá đầu tiên: <10,0 mm; từ 10,0 - 14,9 mm; từ 15,0 - 19,9 mm;  từ 20,0 - 24,9 mm; và ≥ 25,0 mm. Ở mỗi nhóm sẽ ước tính nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày và trước 34 tuần. Phân tích hồi quy để đánh giá giá trị của CL đo lần thứ hai dự đoán sinh non trong vòng 7 ngày sau đó.

Dân số nghiên cứu bao gồm 257 thai kỳ song thai, trong đó 80,2% là hai nhau – hai ối (DCDA). Tuổi mẹ và tuổi thai trung bình tại thời điểm nhập viện lần lượt là 32,0 và 29,9 tuần. Sinh non trong vòng 7 ngày sau nhập viện xảy ra ở 23 (8,9%) trường hợp, và 82 (31,9%) bệnh nhân sinh trước 34 tuần. Trung vị CL của toàn bộ dân số nghiên cứu là 17,0 mm. Sinh non trong vòng 7 ngày sau khi đánh giá lần đầu xảy ra ở 29,0%, 10,6%, 4,2%, 6,3% và 0% lần lượt ở các nhóm có CL <10,0 mm, 10,0 - 14,9 mm, 15,0 - 19,9 mm, 20,0 - 24,924 mm và ≥ 25,0 mm. Có mối liên quan, dù yếu nhưng có ý nghĩa, giữa CL tại thời điểm nhập viện và khoảng thời gian từ lúc nhập viện đến lúc sinh (khoảng thời gian này = 27,9 + 0,58 × CL; P = 0,003, r = 0,184).

CL được đo lại sau nhập viện trung bình là 3 ngày (khoảng 2- 5 ngày) ở 248 trường hợp. Số đo CL lần hai trung bình là 17,0 (IQR 11.5 – 22.0 mm). Sinh non trong vòng 7 ngày sau khi đo lần hai xảy ra ở 25/248 (10,1%) trường hợp. Phân tích hồi quy nhị phân cho thấy đo CL lần thứ nhất (OR 0,895; P = 0,003) và lần thứ hai (OR 0,908; P = 0,002), nhưng không có sự khác biệt giữa hai lần đo (OR 0,961; P = 0,361), tương quan có ý nghĩa với khả năng sinh sớm trong vòng 7 ngày sau lần đo thứ hai. Phân tích ROC dự đoán sinh trong vòng 7 ngày sau khi đánh giá lần thứ hai không cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa hiệu suất dự đoán của diện tích dưới đường cong  giữa lần đo thứ nhất ROC (AUC 0,676 (95% CI, 0,559 - 0,793)) và lần đo thứ hai (AUC 0,661 (95%CI, 0,531 - 0,790)).

Nghiên cứu đi đến kết luận, đối với nhóm song thai có dấu hiệu doạ sinh non, đo CL có thể có ý nghĩa dự báo sinh non trong vòng 7 ngày. Dù kết quả phân tích ý nghĩa dự báo còn yếu, song đây cũng có thể là thông tin quan trọng trong thực hành lâm sàng.
 
Lược dịch từ: Single and repeat cervical length measurement in twin gestation with threatened preterm labor - Ultrasound Obstet Gynecol 2020; 55: 496–501. DOI: 10.1002/uog.20306

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK