Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 26-04-2020 10:56pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Tiểu My - Bệnh viện Mỹ Đức

Cặn ối là một dấu hiệu thường gặp trên siêu âm, được mô tả là khối phản âm nằm tự do trong khoang ối gần lỗ trong CTC khi màng ối còn nguyên vẹn. Về lâm sàng, cặn ối là yếu tố độc lập liên quan đến một số các nguy cơ như nhiễm trùng, cổ tử cung ngắn và tăng nguy cơ sinh non. Đã có một số nghiên cứu đánh giá cặn ối, cho rằng hiện tượng này do nhiễm trùng màng sinh học trong tử cung, tuy nhiên vẫn ít chứng cứ về tác dụng kháng sinh điều trị.



Một nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của kháng sinh điều trị ở trường hợp quan sát thấy cặn ối qua siêu âm ngả âm đạo, so sánh tỷ lệ sinh non giữa hai nhóm có hoặc không sử dụng kháng sinh. Đây là thiết kế hồi cứu, đánh giá trên nhóm bệnh nhân khám thai ngoại trú trong tuổi thai 15 – 25 tuần. Bệnh nhân được phân chia vào nhóm có hoặc không sử dụng kháng sinh đường uống tại thời điểm chẩn đoán. Những trường hợp đa thai, thai dị tật, sinh non, nhau tiền đạo và/hoặc theo dõi nhau cài răng lược bị loại khỏi nghiên cứu. Kết quả phân tích chính là sinh non trước 37 tuần qua phân tích đơn biến và dùng phân tích hồi quy để kiểm soát các biến đồng tuyến tính và/hoặc có thể gây nhiễu. Kết quả phụ được so sánh bằng phân tích đơn biến.

Kết quả phân tích cho thấy:
Tổng cộng có 97/181 bệnh nhân thoả tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu. Trong số này, 51 trường hợp được điều trị bằng kháng sinh đường uống (46 azithromycin và 5 moxifloxacin) và 46 trường hợp không can thiệp. Tỷ lệ sinh non <37 tuần là 49,4% (48/97) và sinh non <28 tuần là 22,7% (22/97). Không có sự khác biệt đáng kể về sinh non <37 tuần (P = 0,47) hoặc <28 tuần (P = 0,83) giữa hai nhóm có và không được điều trị. Sau khi điều chỉnh các yếu tố chủng tộc, BMI, sử dụng thuốc lá, chiều dài cổ tử cung và tiền sử sinh non, điều trị bằng kháng sinh không làm giảm nguy cơ sinh non (tỷ lệ chênh lệch được điều chỉnh 1,3; khoảng tin cậy 0,77−1,9). Không có sự khác biệt về tỷ lệ vỡ ối non (P = 0,94) hoặc thời gian trung bình từ lúc chẩn đoán đến lúc sinh (P = 0,47). Cân nặng khi sinh (P = 0,99), nhiễm trùng (P = 0,53), xuất huyết trong não thất (P = 0,95) và nhập đơn vị chăm sóc đặc biệt sơ sinh (NICU) (P = 0,08) không bị ảnh hưởng bởi điều trị bằng kháng sinh. Điều trị bằng kháng sinh không tác động đến tỷ lệ nhiễm trùng ối trên lâm sàng hoặc giải phẫu bệnh (lần lượt P = 0,92 và 0,14) hoặc nhiễm trùng giai đoạn 2−3 ở mẹ hoặc thai nhi (P = 0,94 và 0,58). Trên siêu âm quan sát thấy cặn ối trong lần siêu âm tiếp theo sau lần đầu tiên ở 34% phụ nữ được điều trị bằng kháng sinh và 43% phụ nữ không được điều trị (P = 0,42). Không có sự khác biệt về quãng thời gian từ lúc chẩn đoán đến khi sinh hoặc tuổi thai trung bình khi sinh khi cặn ối mất hay vẫn tồn tại ở lần siêu âm tiếp theo sau lần đầu tiên (P = 0,14 cho mỗi lần siêu âm).

Từ kết quả trên cho thấy, điều trị kháng sinh đối với cặn ối không liên quan đến việc giảm tỷ lệ sinh non, không liên quan đến sự cải thiện các biến số sản khoa, sơ sinh hoặc bệnh lý khác. Những phát hiện này cho thấy rằng không cần sử dụng kháng sinh điều trị (azithromycin) khi quan sát thấy cặn ối trên siêu âm giữa thai kỳ.
 
Lược dịch từ: Effect of antibiotic treatment of amniotic fluid sludge – AJOG Vol 2, issue 1 – Feb 2020

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK