Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 14-01-2025 7:07am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN Lê Ngọc Quế Anh – IVF Tâm Anh

Giới thiệu
Nhiễm vi sinh có thể gây mất hoặc tổn thương noãn, phôi dẫn đến thiếu phôi chất lượng có thể chuyển. Hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiễm khuẩn phôi trong IVF có nguồn gốc chủ yếu từ tinh dịch. Khi nuôi cấy vi khuẩn từ tinh dịch, tỷ lệ phát hiện vi khuẩn dương tính dao động từ 63% - 100%. Nguồn phổ biến thứ 2 là từ dịch nang noãn, với tỷ lệ phát hiện vi khuẩn dương tính từ 9% - 27%. Tuy nhiên, hiện nay có ít các báo cáo về sự nhiễm khuẩn phôi trong phòng thí nghiệm phôi học. Ngay cả khi áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất, các phòng thí nghiệm vẫn có nguy cơ bị ô nhiễm bởi các yếu tố môi trường. Nguyên nhân nhiễm có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm thiết bị, dụng cụ, nhân viên và không khí xung quanh. Hiện nay chưa có quy trình chuẩn để phát hiện và giám sát các nguồn nhiễm từ dịch sinh học, vi khuẩn và nấm trong không khí môi trường xung quanh. Nghiên cứu này nhằm đánh giá kết quả thai lâm sàng và nguy cơ biến chứng của mẹ và trẻ sơ sinh sau khi sử dụng phôi bị nhiễm khuẩn.
 
Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu phân tích 2490 chủ kì IVF-ET tại trung tâm sinh sản Bệnh viện Nhân dân Trung ương Yichang từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 5 năm 2022. 1887 chu kỳ thực hiện IVF cổ điển, 366 chu kỳ thực hiện ICSI và 237 chu kỳ thực hiện rescue ICSI. Dựa trên sự hiện diện hay không có nhiễm môi trường nuôi cấy phôi, các chu kỳ được chia thành hai nhóm: chu kỳ có phôi nhiễm và chu kỳ không có phôi nhiễm. Trong nhóm phôi nhiễm, độ tuổi trung bình của phụ nữ từ 32,53 ± 4,31 tuổi, độ tuổi trung bình của nam giới 35,73±4,48 với thời gian vô sinh trung bình là 3,33 ± 1,97 năm. Nguyên nhân vô sinh bao gồm: 8 trường hợp do các yếu tố liên quan ống dẫn trứng, 3 trường hợp do rối loạn chức năng buồng trứng, 2 trường hợp do rối loạn rụng trứng, 2 trường hợp do tình trạng thiểu tinh ở nam giới. Khi chuyên viên phôi học quan sát dưới kính hiển vi đảo ngược thấy các giọt môi trường nuôi cấy bị đục và chứa đầy các vi sinh vật (hình chấm hoặc hình que di chuyển dày đặc), điều này chỉ ra rằng môi trường đã bị nhiễm khuẩn. Các phôi bị nhiễm khuẩn được di chuyển vào đĩa nuôi cấy mới (đã được cân bằng ở 370C và 6%CO2 với lớp dầu phủ). Sau đó các phôi được rửa nhiều lần để loại bỏ vi khuẩn. Sau khi rửa sạch, các phôi được chuyển vào giọt nuôi cấy mới để tiếp tục quá trình nuôi cấy. Đĩa nuôi cấy phôi được quan sát và các môi trường nuôi cấy được thay đổi mỗi 8 giờ cho đến khi không còn dấu hiệu của nhiễm khuẩn. Vào ngày thứ 3 phôi được đánh giá giai đoạn phôi phân chia và kiểm tra về tình trạng nhiễm khuẩn trước khi quyết định chuyển, đông lạnh hoặc tiếp tục nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang. Các giọt nuôi cấy bị nhiễm và không bị nhiễm khuẩn, dịch nang noãn và tinh dịch đã được thu nhận trước đó và được nuôi cấy để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm. Kết quả chính bao gồm các đặc điểm và quá trình nhiễm môi trường nuôi cấy phôi. Kết quả phôi học, kết quả thai và các biến chứng cho mẹ và trẻ sơ sinh là các kết quả phụ được đánh giá.
 
Kết quả
Tổng cộng môi trường nuôi cấy phôi từ 16 chu kỳ IVF-ET được xác định là bị nhiễm. Năm 2019, một trường hợp phôi bị nhiễm khuẩn do nhiễm từ tinh dịch. Vào tháng 5 năm 2020 có 15 trường hợp được xác định là bị nhiễm khuẩn vi khuẩn Staphylococcus pasteuri tỷ lệ 0,60% (15/2490). Các cụm vi khuẩn xuất hiện từ 1-5 ngày sau khi chọc hút. Tỉ lệ nhiễm ngày 2 là 33,33%, sau đó là ngày 3 (26,67%) và thấp nhất vào ngày 5 với 6,67%. Kết quả điều tra cho thấy nước tích tụ trong khoảng giữa trần nhà và tầng trên cùng của phòng thí nghiệm phôi học là nguyên nhân gây nhiễm. Sự tích tụ nước đã tạo điều kiện cho vi khuẩn Staphyloccus pastoris phát triển và lây lan nhiễm vào môi trường nuôi cấy thông qua hệ thống lọc không khí.
Trong nhóm phôi nhiễm, tỷ lệ thụ tinh 74,58%, tỷ lệ phôi phân chia 99,10% và tỷ lệ hình thành phôi chất lượng tốt 68,18%. Không có sự khác biệt đáng kể so với nhóm thực hiện IVF cổ điển không nhiễm (tương ứng 63,33%; 99,04% và 74,83%, p>0,05).
Để tránh trường hợp bệnh nhân phải từ bỏ việc chuyển phôi, sau khi nhận được sự đồng ý của các bệnh nhân, chuyển phôi tươi các phôi bị nhiễm được thực hiện trên 8 bệnh nhân và 5 trong số đó đã mang thai và sinh con.
Không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm phôi nhiễm và nhóm không nhiễm về các biến chứng cho mẹ và trẻ sơ sinh như tình trạng căng thẳng sơ sinh, ngạt sơ sinh, trẻ sinh non, nhẹ cân, tỷ lệ rách màng ối sớm, dị tật bẩm sinh (p>0,05). Tuy nhiên, tỷ lệ chậm phát triển trong tử cung ở nhóm phôi nhiễm thấp hơn so với nhóm không nhiễm (p<0,05). Bên cạnh đó, các trẻ sơ sinh được theo dõi đến một năm sau sinh và không có sự phát triển trí tuệ hoặc sức khỏe bất thường nào được ghi nhận.
 
Thảo luận
Trong quá trình nuôi cấy, tỷ lệ phát hiện nhiễm vi khuẩn cao nhất vào ngày 2, tiếp theo là ngày 3 và ngày 4. Nguyên nhân có thể liên quan đến nguồn vi sinh vật, phương thức phát triển và thời gian bán hủy của kháng sinh trong môi trường nuôi cấy. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm do ô nhiễm môi trường là 8,09% vào ngày 2 thấp hơn so với nhiễm từ tinh dịch hoặc dịch nang noãn. Điều này có thể do nồng độ vi khuẩn thấp trong môi trường nhờ hệ thống lọc không khí hoạt động liên tục. Ô nhiễm môi trường phòng nuôi cấy phát triển và lan rộng rất nhanh. Trong nghiên cứu này, mưa liên tục trong mùa mưa gây tích tụ nước giữa tầng trên cùng và trần phòng nuôi cấy dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn Staphylococcus Pasteurella. Các nghiên cứu cho thấy vi khuẩn gây ô nhiễm môi trường nuôi cấy chủ yếu là E. coli từ tinh dịch và nấm. E. coli gây ô nhiễm phôi nghiêm trọng hơn so với các vi khuẩn khác. Tuy nhiên, ô nhiễm phôi do sự phát triển của Staphylococcus pasteuri từ nước mưa đọng không có ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi phân chia, tỷ lệ phôi chất lượng tốt, tỷ lệ thai hoặc dị tật thai. Điều này có thể liên quan đến khả năng phân hủy chất hữu cơ và cải thiện tiêu hóa kỵ khí ở vi khuẩn này. Tuy nhiên, trong tương lai cần có một phân tích thống kê với cỡ mẫu lớn để xác nhận kết quả này.
Môi trường nuôi cấy hiện nay chứa kháng sinh và hầu hết vi khuẩn có thể được loại bỏ bằng phương pháp ly tâm thang nồng độ và swim-up. Trong nghiên cứu này, 0,6% phôi bị nhiễm khuẩn dù có sự hiện diện của kháng sinh như gentamicin. Điều này có thể là do vi khuẩn kháng kháng sinh, gây ra sự phát triển mạnh của vi khuẩn trong giọt nuôi cấy phôi và gây hại cho sự phát triển của phôi. Phương pháp rửa và thay môi trường nuôi cấy hai lần mỗi ngày có thể đảm báo các giọt nuôi cấy và phôi không bị tái nhiễm lại trong 4-6 giờ. Nghiên cứu cho thấy thay thế dịch nuôi cấy có thể cải thiện kết quả phát triển của phôi bị nhiễm vì loại bỏ hầu hết vi khuẩn và kháng sinh mới có hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Hiện tại chưa có dữ liệu cho thấy phôi bị nhiễm khuẩn có nên được chuyển hay không. Để tránh việc bệnh nhân phải hủy chu kỳ chuyển phôi, phôi bị nhiễm đã được xử lí và thực hiện chuyển phôi. Các phôi chất lượng tốt được trữ lại. Khi phát hiện, phôi bị nhiễm nên chuyển hoặc trữ lại phôi ngày ba và tiếp tục nuôi cấy phôi nang chỉ dành cho các phôi kém chất lượng. Nghiên cứu này chỉ ra rằng trong số 15 bệnh nhân có phôi bị ô nhiễm do môi trường nuôi cấy, có 3 bệnh nhân đã sử dụng phương pháp ICSI. Dù vậy, môi trường nuôi cấy vẫn bị nhiễm vào các ngày 1, 3 và 5. ICSI giúp giảm rủi ro gây ô nhiễm từ tinh dịch nhưng khi môi trường nuôi cấy bị nhiễm vẫn có thể gây nhiễm phôi.  
 
Kết luận
Khi phát hiện môi trường nuôi cấy phôi bị nhiễm khuẩn bởi các yếu tố môi trường bên ngoài trong phòng nuôi cấy. Môi trường nuôi cấy nên được thay mới để loại bỏ vi khuẩn và ngăn chặn sự phát triển. Tránh nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu thêm trong tương lai để hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng lâu dài lên con cái.
 
Nguồn: Zheng T, Li Q, Chen N, Du P, Ye H. Analysis of the clinical outcomes of microbial contamination caused by environmental contamination of the embryology laboratory during IVF-ET treatment cycles. BMC Pregnancy Childbirth. 2023 Mar 18;23(1):190. doi: 10.1186/s12884-023-05516-6. PMID: 36934251; PMCID: PMC10024385.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK