Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 14-01-2025 2:00am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trương Trần Minh Anh – IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ sinh sản, quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã trải qua nhiều cải tiến đáng kể theo thời gian. Một trong những tiến bộ gần đây và đầy hứa hẹn là sự gia tăng áp dụng phương pháp “đông lạnh toàn bộ”. Với sự gia tăng sử dụng phương pháp đông lạnh trong IVF, nhiều loại chu kỳ khác nhau đã được phát triển để chuẩn bị nội mạc tử cung cho việc chuyển phôi đông lạnh. Có ba loại chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (FET) được đề cập: chu kỳ tự nhiên, chu kỳ tự nhiên cải biên (đều được xem là NatThawET) và chu kỳ nhân tạo (ArtThawET). Bài đánh giá hiện tại nhằm tổng hợp toàn diện các nghiên cứu hiện có để xác định xem có sự liên quan nào giữa việc sử dụng FreshET, NatThawET hoặc ArtThawET với kết quả sản khoa không.
Việc sử dụng ngày càng tăng của thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã thúc đẩy sự quan tâm đáng kể trong việc xác định môi trường nội mạc tử cung tối ưu để tăng tỷ lệ mang thai và giảm thiểu các biến chứng sản khoa liên quan đến các chiến lược chuyển phôi khác nhau. Xác định chu kỳ nào có liên quan đến việc tăng các biến chứng sản khoa: chuyển phôi tươi (FreshET), rã đông tự nhiên (NatThawET) hay rã đông nhân tạo (ArtThawET). Các kết quả quan tâm bao gồm: rối loạn tăng huyết áp khi mang thai (HDP), tiểu đường thai kỳ (GD), sinh non (PTB), xuất huyết sau sinh (PPH) và lớn so với tuổi thai (LGA).
 
Vật liệu và phương pháp
Thực hiện tìm kiếm toàn diện trên MEDLINE, EMBASE, CENTRAL và PUBMED từ năm 1947 đến ngày 17 tháng 5 năm 2022. Hai nhà đánh giá độc lập đã tiến hành sàng lọc và trích xuất dữ liệu cho các so sánh sau: ArtThawET so với NatThawET, ArtThawET so với FreshET và NatThawET so với FreshET. Phân tích tổng hợp được tiến hành bằng mô hình Mantel–Haenszel hiệu ứng cố định. Chất lượng của các nghiên cứu được đánh giá bằng GRADEpro. Các kết quả chính gồm những biến chứng sản khoa: rối loạn tăng huyết áp khi mang thai (HDP), sinh non (PTB), xuất huyết sau sinh (PPH), tiểu đường thai kỳ (GD) và lớn so với tuổi thai.
 
Kết quả
Tổng cộng có 23 nghiên cứu được đưa vào bài đánh giá. ArtThawET có liên quan đến tỷ lệ mắc HDP tăng đáng kể (tỷ lệ chênh lệch (OR) 1,76, khoảng tin cậy (CI) 1,66–1,86), PTB (OR 1,18, CI 1,13–1,23), PPH (OR 2,61, CI 2,3–2,97) và LGA (OR 1,11, CI 1,07–1,15), so với NatThawET. Đồng thời, ArtThawET cũng có liên quan đến tỷ lệ mắc HDP tăng (OR 2,13, CI 1,89–2,4), PPH (OR 3,52, CI 3,06–4,04) và LGA (OR 2,12, CI 1,77–2,56), so với FreshET. Hơn nữa, NatThawET đã có tỷ lệ mắc HDP (OR 1,20, CI 1,11–1,29), PPH (OR 1,25, CI 1,14–1,38) và LGA (OR 1,85, CI 1,66–2,07) cao hơn so với FreshET.
 
Bàn luận
Bài tổng quan này cho thấy ArtThawET mang đến nguy cơ cao hơn đối với các biến chứng sản khoa, đặc biệt là HDP, PPH và LGA, so với cả NatThawET và FreshET. Do đó, khi có thể, NatThawET hoặc FreshET nên được xem xét là lựa chọn hàng đầu. Nếu cần thực hiện ArtThawET, các yêu cầu sàng lọc và theo dõi sản khoa cần được điều chỉnh để nhận diện nguy cơ của các biến chứng. Các phát hiện của bài đánh giá này gợi ý rằng sự vắng mặt của hoàng thể có thể góp phần làm gia tăng tỷ lệ các biến chứng sản khoa. Tuy nhiên, các yếu tố khác, như ảnh hưởng của liệu pháp hormone đối với tử cung cũng có thể liên quan đến các kết quả này. Cần nghiên cứu thêm để xác định sinh lý bệnh cơ bản. Mặc dù theo lý thuyết có thể tránh sử dụng ArtThawET là lựa chọn hàng đầu để tăng cường sự an toàn, nhưng điều này có thể không khả thi trong mọi tình huống. Ví dụ, phụ nữ mắc hội chứng suy buồng trứng nguyên phát sẽ cần phụ thuộc vào hormone nhân tạo để chuẩn bị nội mạc tử cung, nên không thể tránh sử dụng ArtThawET. Cần có thêm các nghiên cứu tập trung vào việc chuẩn hóa các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung để cải thiện tính đồng nhất giữa các nghiên cứu. Lý tưởng nhất là thực hiện một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đa trung tâm có đủ năng lực để xác nhận mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa việc chuẩn bị nội mạc tử cung và các biến chứng sản khoa cụ thể, cũng như điều tra bệnh sinh lý cơ bản.
 
Nguồn: Field, A., Rozen, G., Gan, J., & Polyakov, A. (2024). Assessing obstetric outcomes: A systematic review and meta‐analysis comparing fresh, artificial, and natural thaw embryo transfer cycles. Australian and New Zealand Journal of Obstetrics and Gynaecology, 64(2), 104-113.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK