Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 14-01-2025 7:02am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thị Thanh Loan - IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu
Trong những thập kỷ qua, công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới và mở ra cơ hội làm cha mẹ cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn. Để tối ưu hóa hiệu quả của phương pháp này, việc xác định các yếu tố dự báo thành công là vô cùng quan trọng. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nhiều yếu tố, từ đặc điểm cá nhân (tuổi, chỉ số khối cơ thể, dân tộc) đến các thông số lâm sàng (thời gian vô sinh, số lượng nang noãn, chất lượng phôi) đều có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ mang thai thành công sau khi điều trị IVF.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực xây dựng các mô hình dự đoán dựa trên dữ liệu lâm sàng và các thuật toán học máy, nhưng việc xác định chính xác các yếu tố dự báo quan trọng nhất và mức độ ảnh hưởng của chúng vẫn còn nhiều tranh cãi. Các nghiên cứu trước đây thường sử dụng một số lượng lớn các biến số, dẫn đến các mô hình phức tạp và khó giải thích. Vì vậy, bài đánh giá được thực hiện nhằm mục tiêu làm rõ vai trò của các yếu tố dự báo trong việc ước tính khả năng thành công của điều trị IVF. Bằng cách phân tích sâu hơn các yếu tố này góp phần xây dựng được các mô hình dự đoán có độ tin cậy hơn, giúp các bác sĩ và bệnh nhân đưa ra quyết định điều trị phù hợp và tối ưu hóa cơ hội thành công.
 
Phương pháp
Nghiên cứu thu thập cơ sở dữ liệu từ các bài báo trên MEDLINE và EMBASE từ năm 1978 đến 11/2023, tập trung vào các nghiên cứu phát triển mô hình dự báo mới về tỉ lệ thành công của IVF/ICSI. Các nghiên cứu được chọn lọc dựa trên tiêu chí: đánh giá mối liên hệ giữa các yếu tố dự báo và thai kỳ ở phụ nữ vô sinh điều trị IVF/ICSI. Dữ liệu được trích xuất bởi hai người đánh giá riêng biệt, không giới hạn ngôn ngữ. Quá trình đánh giá tuân thủ hướng dẫn PRISMA (Preferred Reporting Items for Systematic Review and Meta-Analyse).
 
Kết quả
Tổng số 1.810 bài báo từ giai đoạn tìm kiếm ban đầu trải qua quá trình sàng lọc có 43 bài nghiên cứu đáp ứng tiêu chí để thực hiện phân tích. Các nghiên cứu này làm rõ mối liên hệ giữa các yếu tố dự báo và tỉ lệ mang thai lâm sàng (Clinical Pregnancy Rate - CPR), trẻ sinh sống (Live Birth Rate - LBR) sau điều trị IVF. Trong đó, có 18 nghiên cứu phát triển các mô hình dự báo mới và 21 nghiên cứu khác tiến hành xác thực nội bộ cho các mô hình này. Về phương pháp thống kê, 30 nghiên cứu sử dụng hồi quy logistic và 13 nghiên cứu còn lại áp dụng các thuật toán học máy. Số lượng yếu tố dự báo được đưa vào các mô hình khá đa dạng, dao động từ 2 đến 64 yếu tố. Phân tích tổng hợp các nghiên cứu cho thấy 11 yếu tố dự báo xuất hiện thường xuyên nhất, bao gồm: tuổi mẹ, thời gian điều trị, dân tộc, chỉ số khối cơ thể (BMI), số lượng nang noãn dự trữ, tiền sử mang thai, nguyên nhân vô sinh, chất lượng tinh trùng, số lượng noãn thu nhận, phôi học và ngày chuyển phôi sẽ được tập trung làm rõ trong nghiên cứu này.

Tuổi mẹ
Tuổi mẹ là một yếu tố dự báo quan trọng ảnh hưởng đến CPR và LBR sau điều trị IVF. Sự suy giảm chất lượng và số lượng noãn theo tuổi được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ điều trị IVF thành công ở phụ nữ lớn tuổi. Các nghiên cứu trước đây đã thống nhất cho thấy LBR cao nhất ở phụ nữ từ 25 - 30 tuổi và giảm dần đáng kể sau 35 tuổi. Không chỉ trong các nghiên cứu, tuổi mẹ còn được xác định là yếu tố dự báo mạnh nhất cho kết quả IVF trong các mô hình dự đoán. Kết quả này cho thấy tuổi mẹ là một yếu tố tiên lượng quan trọng cần được xem xét trong quá trình tư vấn và điều trị IVF.

Nguyên nhân vô sinh
Các nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đối với các nguyên nhân vô sinh khác nhau đã cho thấy những kết quả đa dạng. Các yếu tố được xem xét bao gồm vấn đề về vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn và yếu tố nam. Vô sinh không rõ nguyên nhân được dùng làm nhóm đối chứng để so sánh hiệu quả điều trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy một xu hướng chung ở bệnh nhân vô sinh không rõ nguyên nhân có tỉ lệ LBR cao hơn so với các nhóm bệnh nhân có nguyên nhân xác định. Tuy nhiên, kết quả này không hoàn toàn nhất quán qua các nghiên cứu khác nhau. Một số nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về LBR giữa các nhóm hoặc tìm ra mối liên hệ tích cực giữa LBR và tình trạng vô sinh không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, các yếu tố như giảm dự trữ buồng trứng, bệnh lý ống dẫn trứng và yếu tố nam giới được xác định là những yếu tố tiên lượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến tỉ lệ thành công của phương pháp IVF.

Thời gian vô sinh
Đa số các nghiên cứu (19/43 nghiên cứu) đều xác nhận mối liên hệ giữa thời gian vô sinh kéo dài và giảm tỉ lệ sinh sống (LBR). Nghiên cứu cho thấy LBR cao nhất ở các cặp vợ chồng vô sinh trong vòng 1-3 năm và giảm đáng kể sau 7 năm. Bên cạnh đó, nghiên cứu trên mô hình dự đoán xếp hạng thời gian vô sinh là một trong những yếu tố quan trọng, đóng góp 3% vào khả năng dự đoán của mô hình. Các biểu đồ phụ thuộc một phần từ các nghiên cứu này đều cho thấy LBR cao nhất có thể đạt được trong năm đầu tiên, sau đó giảm dần cho đến 5 năm, ổn định trong khoảng từ 5 đến 9 năm và tiếp tục giảm sau đó.

Tiền sử mang thai trước đó
Phân tích từ 17 nghiên cứu cho thấy tiền sử mang thai là một yếu tố dự báo tích cực cho kết quả thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nhiều nghiên cứu cho thấy xu hướng chung ở những phụ nữ đã từng mang thai, đặc biệt đã có con thành công, có LBR cao hơn trong các chu kỳ IVF tiếp theo. Điều này cho thấy kinh nghiệm mang thai trước đó, dù là tự nhiên hay qua hỗ trợ sinh sản đều có thể cải thiện khả năng thành công của IVF. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại không tìm thấy mối liên hệ này và cần có thêm các nghiên cứu để làm rõ hơn vấn đề này.

Chỉ số khối cơ thể
Chỉ số khối cơ thể (BMI) đã được nhiều nghiên cứu xác định là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến kết quả IVF. Cụ thể, 32% các nghiên cứu về mô hình dự báo cho thấy mối liên hệ giữa BMI và khả năng sinh sản. Việc tăng BMI vượt quá ngưỡng 19,5 kg/m² làm giảm 3% khả năng sinh sản cho mỗi đơn vị tăng. Ngược lại, phụ nữ có BMI dưới 19,5 kg/m² lại đối mặt với nguy cơ vô sinh cao hơn, tăng 33% với mỗi đơn vị giảm BMI. Ở nghiên cứu khác cũng đạt được kết quả tương tự với tỉ lệ thành công của IVF cao nhất ở nhóm có BMI trong khoảng bình thường (18,5 - 24,9 kg/m²). Các mô hình dự đoán phức tạp hơn đã xếp hạng BMI là yếu tố dự báo quan trọng thứ hai, đóng góp 6% vào khả năng dự đoán kết quả IVF. Kết quả này cho thấy rằng việc duy trì một chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh là một yếu tố quan trọng để tăng khả năng thành công của phương pháp IVF.

Dự trữ buồng trứng (AFC và AMH)
Dự trữ buồng trứng, đánh giá qua số lượng nang thứ cấp (AFC) và nồng độ hormone antimüllerian (AMH), là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Các nghiên cứu chỉ ra rằng AFC và AMH có mối liên hệ tích cực với CPR, đặc biệt ở nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi. Sự kết hợp giữa AMH cao (>1,2 ng/mL) và AFC cao (>10 nang) có CPR cao hơn đáng kể so với nhóm có chỉ số thấp. Tuy nhiên, kết quả ở nghiên cứu khác lại không hoàn toàn tương đồng. Các mô hình dự đoán phức tạp đã xác định AFC là yếu tố dự báo quan trọng trong việc dự đoán kết quả IVF. Mặc dù vậy, tầm quan trọng của AMH và AFC có thể thay đổi tùy thuộc vào các nghiên cứu khác nhau và đặc điểm của từng nhóm đối tượng.

Dân tộc
Các nghiên cứu gần đây tại Anh đã chỉ ra sự chênh lệch đáng kể về LBR giữa phụ nữ da đen và các nhóm dân tộc khác. Cụ thể, nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Thụ tinh nhân tạo và phôi (Human Fertilization and Embryology Authority) cho thấy LBR ở phụ nữ da đen (23%) thấp hơn so với nhóm dân tộc khác (30%). Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng ghi nhận được như phụ nữ da đen thường bắt đầu điều trị IVF ở độ tuổi cao và có tỉ lệ mắc các vấn đề về ống dẫn trứng cao hơn. Những yếu tố này kết hợp với các yếu tố di truyền và sinh lý chưa được xác định đầy đủ, có thể làm giảm tỉ lệ điều trị IVF thành công.

Phôi học
Hầu hết các nghiên cứu (21/43 nghiên cứu) đã tập trung vào việc đánh giá chất lượng phôi để dự đoán kết quả IVF. Các yếu tố như hình thái phôi, thời điểm chuyển phôi và số lượng phôi chuyển đã được xem xét. Qua quá trình phát triển hệ thống phân loại chất lượng phôi, hệ thống Gardner được sử dụng phổ biến nhất. Hệ thống này dựa trên việc đánh giá hình thái của phôi, bao gồm sự phát triển của khoang phôi, lớp tế bào lá nuôi và khối tế bào bên trong. Các nghiên cứu đã chứng minh chất lượng phôi có liên quan chặt chẽ đến khả năng làm tổ và mang thai thành công. Cụ thể, các thông số động học hình thái của phôi như giai đoạn phát triển và hình thái, được xem là những yếu tố dự báo quan trọng cho kết quả IVF.

Số lượng noãn thu nhận
Một số nghiên cứu cho thấy số lượng noãn tối ưu để đạt được CPR cao nhất là khoảng 13. Trong khi các nghiên cứu khác lại cho thấy CPR tăng theo số lượng noãn cho đến một ngưỡng nhất định, sau đó có thể ổn định hoặc giảm. Nghiên cứu của Hiệp hội Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản Hoa Kỳ cho thấy CPR và LBR tăng khi số lượng noãn được thụ tinh tăng lên đến 9, nhưng giảm khi vượt quá con số này. Tuy nhiên, nghiên cứu này không đề cập đến trường hợp mắc hội chứng quá kích buồng trứng và LBR tích lũy. Một nghiên cứu đa trung tâm ở châu Âu cho thấy LBR tăng lên đến 7 noãn và tương đối ổn định ở 20 noãn.

Chất lượng tinh trùng
Chất lượng tinh trùng, đặc biệt là khả năng di chuyển và hình thái có ảnh hưởng đáng kể đến tỉ lệ thụ tinh và mang thai. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ tích cực giữa khả năng di chuyển của tinh trùng và tỉ lệ thụ tinh trong cả IVF và ICSI. Hình thái tinh trùng cũng được chứng minh là một yếu tố dự báo quan trọng cho tỉ lệ thụ tinh và mang thai trong ICSI. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy mật độ tinh trùng thấp có thể liên quan đến CRP giảm.

Ngày chuyển phôi
Các nghiên cứu ban đầu của Gardner và cộng sự đã chứng minh chuyển phôi nang có tỉ lệ thành công cao hơn so với phôi phân chia, dẫn đến xu hướng ưu tiên chuyển phôi nang trong thực hành lâm sàng. Tuy nhiên, các thử nghiệm RCT sau đó lại cho thấy kết quả tương đương giữa hai giai đoạn phôi này.
 
Kết luận
Qua việc phân tích các nghiên cứu, có thể thấy rằng tuổi mẹ là yếu tố dự đoán quan trọng nhất ảnh hưởng đến thành công của IVF. Bên cạnh đó, các yếu tố như thời gian vô sinh, BMI, dự trữ buồng trứng, tiền sử mang thai, chất lượng tinh trùng, số lượng và chất lượng noãn, phôi học và thời điểm chuyển phôi cũng đóng vai trò đáng kể, mặc dù mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố khác nhau. Hiện tại, việc lựa chọn các yếu tố nào để đưa vào mô hình dự đoán vẫn còn là một vấn đề đang được tranh luận. Mặc dù việc kết hợp nhiều yếu tố có thể giúp tăng độ chính xác của mô hình, nhưng không phải tất cả các yếu tố đều cần thiết. Việc đánh giá giá trị của từng yếu tố là rất quan trọng để xây dựng một mô hình dự đoán hiệu quả và tiết kiệm.
 
Nguồn: Shingshetty, L., Cameron, N. J., Mclernon, D. J., & Bhattacharya, S. (2024). Predictors of success after in vitro fertilization. Fertility and Sterility121(5), 742-751.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK