Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 08-01-2025 3:19am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đặng Ngọc Minh Thư – IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Hiện nay, xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Theo báo cáo của cục giám sát công nghệ hỗ trợ sinh sản Hoa Kỳ, trong vòng 10 năm, tỉ lệ chỉ định PGT tăng lên khoảng 10 lần (từ 4,5% năm 2011 đến 44,9% năm 2018). Riêng năm 2019, 43,8% trong số 171.206 ca chuyển phôi có thực hiện PGT. Chỉ định PGT bao gồm các trường hợp sàng lọc thể lệch bội cho nhóm tuổi mẹ cao, bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể, rối loạn đơn gen, sàng lọc kháng nguyên bạch cầu người, … Những tiến bộ trong kỹ thuật PGT và thủy tinh hóa đã làm tăng hiệu quả thành công của chu kì điều trị. Tuy nhiên, dữ liệu về tính an toàn chu sinh của thai kì từ những ca sinh thiết TE đến nay vẫn chưa được thống nhất.
Một số nghiên cứu trước đây đã cho thấy nguy cơ gia tăng các bất thường về chức năng nhau thai, tăng huyết áp thai kì, tiền sản giật, cân nặng thấp so với tuổi thai (SGA) hoặc sinh non. Ngược lại, một số nghiên cứu khác cho rằng không có mối liên hệ nào giữa sinh thiết TE và những biến chứng này. Mâu thuẫn này có thể do dữ liệu báo cáo không đồng nhất, các yếu tố gây nhiễu hoặc khác biệt về kỹ thuật.
Nghiên cứu này tiến hành nhằm mục đích giải quyết những hạn chế nói trên bằng cách so sánh cân nặng khi sinh và tình trạng sinh non như những dấu hiệu thay thế cho các biến chứng chu sinh trong số các ca sinh con từ chuyển phôi đông lạnh có hoặc không có sinh thiết TE để thực hiện PGT.
 
Vật liệu và phương pháp
Đây là nghiên cứu hồi cứu đối với 45.712 ca sinh một con từ các chu kỳ chuyển phôi nang đông lạnh – rã đông tự thân có hoặc không có sinh thiết phôi. Dữ liệu này được các phòng khám thành viên tham gia báo cáo cho sổ đăng ký quốc gia của Hiệp hội Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản (SART) từ năm 2014 đến năm 2017.
Các kết quả bất lợi trong thời kỳ chu sinh của sinh non và trẻ nhẹ cân đã được phân tích. Phân tích hồi quy đa biến đã được thực hiện để kiểm soát các biến phụ. So sánh nhóm sinh thiết TE (n=21.584) và nhóm không sinh thiết (n=24.128), tỉ lệ chênh lệch đã điều chỉnh được tính toán cho kết quả với tuổi thai, cân nặng khi sinh thấp <2500 g, cân nặng khi sinh rất thấp <1500 g, cân nặng khi sinh cực kỳ thấp <1000 g, sinh non muộn <37 tuần, sinh non vừa phải <34 tuần và sinh cực kỳ non <28 tuần.
Các biến thể phụ bao gồm tuổi của mẹ, chỉ số khối cơ thể (BMI) của mẹ, việc sử dụng thuốc lá gần đây trong vòng 3 tháng trước chu kỳ điều trị, các lần mang thai và sinh nở trước đó, tiền sử sản khoa về sinh non và sẩy thai tự nhiên, chủng tộc/dân tộc, chẩn đoán vô sinh, số lượng phôi nang được chuyển và mức hormone kích thích buồng trứng tối đa trước chu kỳ.
 
Kết quả
Đặc điểm của nhóm nghiên cứu: nhóm sinh thiết TE có tuổi mẹ lớn hơn (trung bình 35,4 ±4,1 so với 33,0±4,2 tuổi), tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao hơn trong vòng 3 tháng trước khi điều trị (77,1% so với 43,5%) và tỉ lệ phụ nữ có tiền sử mang thai cao hơn (58,6% so với 48,9%), trên 1 lần sinh (30,4% so với 23,8%) và tiền sử sẩy thai tự nhiên (32,6% so với 23,6%) so với nhóm không sinh thiết. Có sự khác biệt về chỉ số khối cơ thể trung bình (24,9±5,1 so với 25,4±5,5 kg/m2) và tiền sử sinh non (3,1% so với 3,5%) giữa nhóm sinh thiết TE và nhóm đối chứng khác nhau về mặt thống kê nhưng không có ý nghĩa lâm sàng.
Nguyên nhân vô sinh do suy giảm dự trữ buồng trứng (21,3% so với 12,4%), yếu tố tử cung (7,2% so với 6,3%), rối loạn phóng noãn (37,6% so với 24,3%), sẩy thai liên tiếp (5,2% so với 0,6%) và các yếu tố khác (37,3% so với 13,0%) phổ biến hơn ở nhóm sinh thiết tế bào TE, trong khi yếu tố nam (38,4% so với 31,1%), lạc nội mạc tử cung (8,9% so với 6,2%), hội chứng buồng trứng đa nang (25,9% so với 15,3%), yếu tố ống dẫn trứng (14,1% so với 9,3%) và vô sinh không rõ nguyên nhân (13,5% so với 12,5%) phổ biến hơn ở nhóm không sinh thiết.
Kết quả trẻ sinh sống cho thấy tỉ lệ trẻ sơ sinh nam có ý nghĩa thống kê nhưng tương đương về mặt lâm sàng (52,6% so với 51,4%) và cân nặng khi sinh trung bình (3338,5±576,1 so với 3319,1±621,5 g). Tuy nhiên, nhóm sinh thiết TE có tỉ lệ sinh đơn thai cao hơn đáng kể so với nhóm không sinh thiết (92,0% so với 81,9%), phù hợp với hướng dẫn của Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ về việc chuyển 1 phôi đã được xét nghiệm PGT nguyên bội trong mỗi chu kỳ điều trị.
Tất cả các phân tích tiếp theo về kết quả chu sinh chỉ giới hạn ở 45.712 ca sinh sống. So với cân nặng khi sinh của 24.128 trẻ sơ sinh từ các chu kỳ phôi nang đông lạnh – rã đông mà không sinh thiết tế bào lá nuôi, tỉ lệ cân nặng lớn hơn so với tuổi thai (LGA) và cân nặng nhỏ hơn so với tuổi thai (SGA) không khác biệt đáng kể đối với 21.589 trẻ sơ sinh, đơn thai sau khi thực hiện PGT.
Đối với kết quả chu sinh bất lợi của tình trạng sinh non, sinh thiết TE không liên quan đến việc tăng tỉ lệ sinh non muộn ở những thai kỳ đơn thai, sinh thiết TE không liên quan đến những thai kì <37 tuần (aOR, 0,93; 95% CI, 0,85–1,02; P<0,11). Tỉ lệ sinh non <34 tuần thấp hơn 24% (aOR, 0,76; 95% CI, 0,64–0,91; P<0,01). Tỉ lệ sinh non <28 tuần thấp hơn 37% (aOR, 0,63; 95% CI, 0,43–0,92; P=0,02).
Phân tích các nhóm phụ về kết quả chu sinh của các ca sinh đơn thai từ các ca chuyển đơn phôi, không có mối liên hệ nào giữa sinh thiết và tỉ lệ sinh non muộn <37 tuần thai, LGA, SGA. Sinh thiết TE có liên quan đến cân nặng sơ sinh thấp <2500g, sinh non vừa phải <34 tuần thai và sinh rất non <28 tuần thai.
 
Kết luận
Sinh thiết tế bào lá nuôi không liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh non muộn, sinh nhẹ cân so với tuổi thai và con to so với tuổi thai. Nguy cơ sinh nhẹ cân, sinh rất nhẹ cân và sinh cực nhẹ cân từ sinh non vừa thấp hơn sau khi sinh thiết TE, có thể là do chọn lọc chống lại khảm nhau thai giới hạn hoặc gây ra những thay đổi biểu sinh nhau thai, các cơ chế này cần được nghiên cứu thêm.
 
Nguồn: Liu AH, Shah T, Wu H, Lieman HJ, Singh M, Pollack SE, Jindal SK. Trophectoderm biopsy is associated with lower risks of moderate to extreme prematurity and low birthweights: a national registry cohort study of singleton livebirths from frozen-thawed blastocyst transfers. Am J Obstet Gynecol. 2024 Dec;231(6):636.e1-636.e9. Epub 2024 Jul 17. PMID: 39029546.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK