Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 07-01-2025 2:11pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Thủy tinh hóa là kỹ thuật đông lạnh phổ biến được xem là phương pháp bảo quản lạnh tiêu chuẩn trong IVF. Các nghiên cứu quy mô nhỏ đã cho kết quả lâm sàng tương đương khi so sánh noãn hiến tặng đông lạnh – rã đông với noãn tươi của bệnh nhân. Tuy nhiên, các nghiên cứu hồi cứu lớn hơn gần đây cho thấy kết quả ngược lại và đưa ra một số lý do như tác động tiêu cực của quá trình thủy tinh hóa đối với tỉ lệ thụ tinh và phát triển phôi ngay cả khi noãn rã đông có tỉ lệ sống sót là 100%. Về kết quả lâm sàng thì có bằng chứng với độ tin cậy trung bình về tỉ lệ mang thai và trẻ sinh sống (live birth rate – LBR) tương đương giữa noãn tươi và noãn đông lạnh từ nguồn hiến tặng. Đồng thuận 2012 về các chỉ số KPI (key performance indicator) của quá trình đông lạnh đối với noãn hiến tặng thì tỉ lệ sống sót sau rã đông đủ tiêu chuẩn (competence) là >80% và tỉ lệ >90% sẽ được xem là chuẩn mực (benchmark). Điều này có nghĩa là ngay cả trong chương trình đông lạnh có hiệu suất cao nhất, 1 hoặc 2 trong 10 noãn của người hiến tặng cũng có thể không sống sót sau rã đông ảnh hưởng đến kết cục chu kỳ tích lũy. Trong môt số trường hợp, kể cả ở những trung tâm có tỉ lệ sống sót đạt “chuẩn mực”, một số quy trình đông lạnh – rã đông chắc chắn sẽ giảm xuống dưới mức “tiêu chuẩn”, thậm chí tỉ lệ sống sót <50% do sự thay đổi sinh học về chất lượng noãn hoặc về mặt kỹ thuật trong quy trình đông lạnh cùng với các yếu tố khác. Nghiên cứu này là báo cáo đầu tiên xem xét tác động tiềm ẩn của tỉ lệ sống sót (survival rate – SR) thấp của nhóm noãn hiến tặng lên kết quả lâm sàng của chu kỳ đó. 
 
Đây là nghiên cứu hồi cứu trên 12.690 chu kỳ noãn hiến tặng đông lạnh – rã đông với tổng cộng 144.793 noãn được thực hiện đa trung tâm ở Châu Âu từ giữa 2018 đến 2022, được tiến hành rã và tạo phôi cho 11.446 bệnh nhân (người nhận). Tuổi người hiến tặng là 18-30 tuổi, BMI 18-30kg/m2, nhiễm sắc thể đồ và tiền sử y khoa hoặc di truyền bình thường. Tuổi trung bình của bệnh nhân vào ngày ICSI là 41,6±3,8 tuổi. Chu kỳ người nhận được phân thành 5 nhóm dựa trên tỉ lệ sống sót sau rã, bao gồm chuẩn mực (benchmark, ≥95-100%); tiêu chuẩn (competence, ≥85-95%); dưới tiêu chuẩn (below competence, ≥70-85%); thấp (poor, ≥50-70%); và rất thấp (very poor, <50%). Kết cục chính của nghiên cứu là tỉ lệ phôi nang hữu dụng trên mỗi hợp tử 2PN. Kết cục phụ là tỉ lệ thụ tinh (fertilization rate – FR) trên mỗi noãn MII (ICSI), LBR sau chuyển đơn phôi nang đầu tiên, và tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn (cumulative LBR – cLBR).
 
-Nhóm “rất thấp” có tỉ lệ sống sót <50% rất hiếm, chỉ khoảng 1,4%.  
-SR càng giảm thì số noãn cần rã càng tăng, cụ thể số noãn rã trung bình ít nhất là 10,5 ở nhóm “chuẩn mực” và nhiều nhất là 16,4 ở nhóm “rất thấp”. 
-Tổng SR là 89% của 129.093 noãn rã ở vào thời điểm ICSI, FR (2PN) là 76,5%, tỉ lệ phôi nang hữu dụng là 47,5%. Tỉ lệ chu kỳ không có phôi nang hữu dụng là 8% và phải hủy chu kỳ dao động khác nhau giữa 5 nhóm, từ 5,9% ở nhóm “chuẩn mực” đến 17,3% ở nhóm “rất thấp”.
-Tỉ lệ phôi nang hữu dụng giữa các nhóm có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê, lần lượt là 48,9%; 47,0%; 46,0%; 43,6%; và 43,6% (P<0,0001).
-FR giữa các nhóm cũng khác nhau, lần lượt là 76,8%; 76,6%; 75,6%; 74,7%; và 75,5% (P<0,001).
-Tỉ lệ bệnh nhân có β-hCG dương tính là 60,4%; có thai lâm sàng là 53,4%; có trẻ sinh sống là 41,4%. Tỉ lệ sẩy thai là 23% giữa các nhóm đều tương đương nhau.
-LBR sau khi chuyển 1 phôi nang đầu tiên dao động từ 40,5% đến 47,5% (P=0,1015).
-cLBR chung là 76%, cLBR ở nhóm “chuẩn mực” là 79,2%. Tỉ lệ này giảm dần theo nhóm “dưới tiêu chuẩn, thấp, rất thấp”. Khi lọc ra 2.227 chu kỳ có số noãn MII ICSI sau rã đông là 6-8 thì không có sự khác biệt giữa các nhóm về cLBR (dao động từ 69,0% - 58,3%).   
 
Nhìn chung, nghiên cứu này đã phân tích trên cỡ mẫu lớn nhất về tác động của SR lên kết cục lâm sàng sau rã đông tạo phôi. Tỉ lệ phôi phát triển là 40-50% được đánh giá là tương đương với đồng thuận Vienna (30-40% phôi nang N5 có chất lượng tốt và 5-15% phôi nang N6). Tỉ lệ β-hCG dương tính, thai lâm sàng và trẻ sinh sống ở nhóm có SR thấp hơn so với nhóm SR “chuẩn mực” là giống nhau. Trong khi đó, cLBR giảm đáng kể có tương quan với SR giảm dần. Thực tế là tỉ lệ không sống sót của noãn sau rã đã được báo cáo trước đây có liên quan đến các tổn thương do quá trình đông lạnh nhiều hơn là do chất lượng bên trong của noãn vì các noãn sống sót hoạt động đầy đủ, không có dấu hiệu tổn thương gây thoái hóa. Những yếu tố bên trong của noãn có thể dẫn đến khả năng phục hồi thấp hơn đối với những thay đổi về áp suất thẩm thấu và nhiệt độ dưới mức tối ưu trong quá trình đông lạnh như là các biến thể phospholid tạo nên màng huyết tương. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn đến noãn thoái hóa sau rã đông là do kỹ thuật thao tác chưa tối ưu trong quá trình thực hiện thủy tinh hóa. Tuy nhiên, SR chung của nghiên cứu này là 89,1% cho thấy hiệu quả cao của thủy tinh hóa và 72,7% các chu kỳ được phân tích đều cho SR đạt mức “tiêu chuẩn” hoặc “chuẩn mực”. Ngoài ra, tuổi bệnh nhân trong báo cáo này không ảnh hưởng đến kết quả chuyển đơn phôi nang cũng như cLBR. Một số yếu tố gây nhiễu cũng được các tác giả đánh giá bao gồm chất lượng tinh trùng, thời gian đông lạnh noãn và chỉ định điều trị; đều không phải là nguyên nhân tiềm ẩn ảnh hưởng đến kết cục lâm sàng.
 
Tóm lại, chu kỳ có tỉ lệ sống sót thấp hơn “chuẩn mực” thì các noãn sống sau rã có thể thụ tinh, phát triển thành phôi nang và làm tổ mặc dù có kết quả thấp hơn so với noãn có tỉ lệ sống sót đạt “chuẩn mực”. Tuy nhiên, tính khả dụng của nhóm noãn này là yếu tố chính tác động đến tỉ lệ thành công tích lũy. Trong các chương trình hiến tặng noãn với số lượng noãn được xác định rã cho bệnh nhân sử dụng tỉ lệ sống sót thấp hơn có thể được cải thiện bằng cách rã thêm noãn khi có thể.
 
Nguồn: Gallardo M, Goncalves I, Redondo J, Soares AP, Garrido N, Metello J. Assessing the effect of below-benchmark vitrified/warmed donor-oocyte survival rates in subsequent laboratory and clinical outcomes. Fertility and Sterility. 2024 Oct.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK