Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 06-01-2025 5:58am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Ngô Thị Lan Phương
Đơn vị HTSS IVFMD FAMILY, BVĐK Gia Đình, Đà Nẵng
 
Beta - hCG (βhCG) là một loại hormone được tiết ra bởi các tế bào nhau thai sớm sau khi làm tổ. βhCG được gọi là hormone thai kỳ và được đo bằng xét nghiệm máu khoảng 12–16 ngày sau khi chuyển phôi như một cách để phát hiện có thai. Trong hỗ trợ sinh sản, giá trị β-HCG huyết thanh ban đầu và những thay đổi về nồng độ β-HCG huyết thanh là dữ liệu quan trọng thường được sử dụng để xác nhận thai kỳ sớm và phân biệt giữa thai kỳ bình thường và các kết quả thai kỳ có dấu hiệu bất thường. Nhiều nghiên cứu đã đánh giá mối quan hệ giữa hai yếu tố này và kết quả lâm sàng; tuy nhiên, mối liên hệ giữa chúng và hình thái phôi vẫn còn chưa được hiểu rõ. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tác động của hình thái phôi đối với sự thay đổi nồng độ β-HCG huyết thanh ngày 14 và sự thay đổi giá trị β-HCG huyết thanh giữa ngày 14–18 sau khi chuyển phôi tươi ngày 3 hoặc ngày 5.
 
Chi tiết nghiên cứu
Đây là nghiên cứu hồi cứu được thực hiện tại một trung tâm IVF ở Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2020. Chỉ những bệnh nhân chuyển một phôi tươi ngày 3 hoặc ngày 5 (không thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ - PGT) với nồng độ  βhCG trên 50 mIU/ml sau chuyển phôi 14 ngày mới được đưa vào nghiên cứu. Phôi ngày 5 được phân loại theo hệ thống Gardner, phôi ngày 3 được phân loại theo hệ thống ASEBIR. Xét nghiệm máu được thực hiện vào ngày 14 và lặp lại xét nghiệm vào ngày 18 sau chuyển phôi.
 
Có 4434 trường hợp mang thai trong đó có 1084 ca chuyển phôi ngày 3 và 3350 ca chuyển phôi ngày 5. Có 2628 trường hợp βhCG tăng gấp đôi vào ngày 18 trong đó có 628 trường hợp chuyển phôi ngày 3 và 2000 trường hợp chuyển phôi ngày 5.
 
Kết quả
  • Đối với phôi ngày 3
Sau khi thực hiện phân tích hồi quy đơn biến và đa biến giữa nồng độ βhCG và các biến khác như tuổi, chất lượng phôi ngày 3, BMI, …Kết quả cho thấy số lượng tế bào phôi ngày 3 và độ phân mảnh là những yếu tố dự báo quan trọng cho nồng độ βhCG.
  • Xét về số lượng tế bào: Nồng độ βhCG cao nhất vào ngày 14 đối với phôi ngày 3 có 10 tế bào trở lên (trung bình 448,74 mIU/ml). Phôi có ít hơn 10 tế bào có nồng độ βhCG trung bình trong khoảng 318,15 - 316,41 mIU/ml vào ngày 14. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm 10 tế bào trở lên và <10 tế bào và giữa phôi 7 và 8 tế bào. Điều này cho thấy những trường hợp có phôi hơn 10 tế bào có khả năng làm tổ và bắt đầu sản sinh nồng độ βhCG sớm hơn.
  • Xét về độ phân mảnh: chuyển một phôi ngày 3 với độ phân mảnh <10% hoặc phân mảnh 10-25% cho giá trị βhCG cao nhất vào ngày 14 (trung bình 400,5 mIU/ml và 355,78 mIU/ml) so với phôi có phân mảnh >25% (trung bình 202,41 mIU/ml) với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p=0,007 và p=0,012). Không có sự khác biệt giữa hai nhóm có độ phân mảnh <10% và phân mảnh 10-25%. Như vậy, phôi ngày 3 chất lượng tốt hơn có thể cho kết quả βhCG cao hơn phôi ngày 3 chất lượng thấp.
  • Đối với phôi ngày 5
Độ nở rộng của khoang phôi, cấp độ của ICM và TE là những yếu tố dự báo quan trọng cho nồng độ βhCG.
  • Xét về độ nở rộng của khoang phôi: Nồng độ βhCG cao nhất vào ngày 14 khi phôi nở rộng đạt độ 4 và 5 (trung bình 904,63 mIU/ml và 885,95 mIU/ml). Phôi nở rộng độ 3 có nồng độ βhCG thấp hơn nhưng không có sự khác biệt về mặt thống kê (p> 0,05). Phôi nở rộng độ 6 cũng có nồng độ βhCG thấp hơn nhưng cỡ mẫu rất nhỏ không có tính đại diện (chỉ có 3 lần chuyển). Điều này cho thấy phôi nang nở rộng lớn hơn có khả năng làm tổ sớm hơn và sản sinh ra nồng độ βhCG cao hơn vào ngày 14.
  • Chất lượng ICM và TE:
  • Phôi có ICM loại A cho giá trị βhCG cao hơn vào ngày 14 so với ICM loại B (trung bình 942,43 so với 826,46 mIU/ml, p<0,001). Trong nghiên cứu này không có phôi ICM loại C được sử dụng.
  • Đối với TE, các trường hợp chuyển phôi có TE loại A và B có nồng độ βhCG trung bình vào ngày 14 lần lượt là 9904,82 mIU/ml và 900,57 mIU/ml, cao hơn TE loại C (trung bình 727,34 mIU/ml), (p<0,001). Như vậy, phôi có ICM và TE chất lượng cao có thể dẫn đến sản sinh ra nồng độ βhCG cao.
  • Nhóm tác giả cũng cung cấp các kết quả nồng độ βhCG trung bình cho từng loại phôi nang cụ thể: 3BB (766,25 mIU/ml), 4BB (903,86 mIU/ml), 5BB (947,02 mIU/ml), 6BB (1457 mIU/ml), 3BC (641,40 mIU/ml), 4BC (785,71 mIU/ml), 5BC (606,26 mIU/ml), 4BA (987,49 mIU/ml), 3BA (928 mIU/ml), 4BA (902,94 mIU/ml).
  • Giá trị βhCG tăng gấp đôi liên quan đến độ nở rộng của phôi ngày 5
Chất lượng phôi ngày 3 hoặc ngày 5 không liên quan đến sự tăng gấp đôi nồng độ βhCG vào ngày 18 nhưng độ nở rộng khoang phôi ngày 5 thì có liên quan. Phôi ngày 5 nở rộng ở độ 3 có giá trị βhCG xét nghiệm ở ngày 18 cao hơn so với phôi nở rộng độ 4 (p=0,033). Điều này được giải thích rằng phôi nang có độ nở rộng lớn hơn sẽ có nồng độ βhCG ban đầu cao hơn nhưng không tăng đột biến sau đó. Phôi nang có độ nở rộng nhỏ hơn cần phát triển mạnh mẽ hơn, cho thấy sự gia tăng nhanh hơn về nồng độ  βhCG. Ngoài ra, các yếu tố khác như hoạt động của nhau thai, môi trường tử cung của mẹ, lưu lượng máu và sự hỗ trợ của nội tiết tố,...sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nồng độ βhCG. Các yếu tố này có thể làm giảm tác động của chất lượng và sự phát triển của phôi lên tỷ lệ nhân đôi của βhCG.
 
Kết luận
Trong nghiên cứu này, xét nghiệm βhCG được thực hiện vào ngày 14, bất kể chuyển phôi ngày 3 hay ngày 5, nên phôi nang ngày 5 sản xuất nồng độ βhCG cao hơn so với phôi ngày 3.
  • Đối với giai đoạn ngày 3, phôi có chất lượng tốt hơn hoặc có từ 10 tế bào trở lên sẽ cho giá trị nồng độ βhCG cao hơn vào ngày 14.
  • Đối với giai đoạn ngày 5, chất lượng phôi tốt hơn hoặc độ nở rộng khoang phôi lớn hơn sẽ cho giá trị βhCG cao hơn vào ngày 14.
Trong số tất cả các yếu tố được xem xét trong nghiên cứu này, nhóm tác giả lưu ý rằng độ nở rộng của phôi nang có liên quan chặt chẽ nhất đến giá trị βhCG ngày 14. Điều này cho thấy phôi phát triển hơn sẽ làm tổ sớm hơn và sản sinh ra nồng độ βhCG cao hơn. Dữ liệu cũng cho thấy phôi có chất lượng tốt hơn có thể sản sinh ra nồng độ βhCG cao hơn so với phôi có chất lượng kém.
Đối với sự thay đổi nồng độ βhCG ở ngày thứ 18, ngoại trừ độ nở rộng của phôi ngày 5 có ảnh hưởng, các yếu tố khác liên quan đến chất lượng phôi ngày 3 hoặc ngày 5 đều không liên quan đến sự thay đổi này.
 
Tài liệu tham khảo
Chu J, Guan S, Ma R, Zhang X, Ning S, Song W, Yao G, Shi S, Jin H. Relationship between fresh single embryo morphology scores and serum HCG values at 14 days and 14-18-day doubling values. Reprod Biomed Online. 2024 Nov;49(5):104325. doi: 10.1016/j.rbmo.2024.104325.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK