Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 03-01-2025 3:28am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Tuổi của mẹ đã được chứng minh có ảnh hưởng đáng kể đến dự trữ buồng trứng cũng như chất lượng noãn. AMH là một marker sinh học của dự trữ buồng trứng, có thể dự đoán nguồn dự trữ noãn nhưng không thể tiên lượng được chất lượng noãn vì nồng độ AMH và chất lượng noãn phụ thuộc vào độ tuổi. Sự trưởng thành của noãn được kiểm soát bởi GnRH và ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi. Bên cạnh đó, tỉ lệ lệch bội của phôi được cho là do lỗi giảm phân trong quá trình trưởng thành của noãn và tuổi mẹ cao. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự trưởng thành của noãn theo nhóm có tương quan với tỉ lệ phát triển phôi và kết quả IVF nhưng lại không rõ vai trò của tuổi mẹ. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là tìm hiểu mối quan hệ giữa chất lượng noãn dựa trên tỉ lệ trưởng thành, tỉ lệ phôi nang và tỉ lệ nguyên bội với độ tuổi bệnh nhân.

Nghiên cứu hai trung tâm bao gồm 1.547 bệnh nhân 25-45 tuổi thực hiện chu kỳ ICSI/PGT-A đầu tiên từ tháng 2/2020 đến tháng 8/2023. Yếu tố nền bao gồm AMH ≥0,2ng/ml, BMI 20-50kg/m2, FSH tối đa là 15mIU/mL. Bệnh nhân được phân theo 5 nhóm tuổi (<35 tuổi, 35-37 tuổi, 38-40 tuổi, 41-42 tuổi và >42 tuổi). Liều GnRH được sử dụng dao động từ 150-600IU tùy thuộc vào tuổi và dự trữ buồng trứng của bệnh nhân. Mũi rụng trứng hCG được tiêm khi có ít nhất 3 nang đạt kích thước trung bình ≥17mm. Thủ thuật chọc hút noãn được tiến hành sau 36 giờ tiêm hCG. Sự trưởng thành noãn được đánh giá sau 4-5 giờ chọc hút. ICSI chỉ được thực hiện ở những noãn MII và nuôi cấy 5-7 ngày. Chỉ những phôi nang có chất lượng từ 3BB mới được sử dụng và được sinh thiết PGT-A.

Dữ liệu về kết cục labo ở cả 2 trung tâm là tương đương nhau về tỉ lệ noãn MII (72% so với 74%); tỉ lệ thụ tinh (74% so với 79%); tỉ lệ phôi nang (54% so với 51%); tỉ lệ nguyên bội (49% so với 51%) (P>0,05). 
-Tỉ lệ trưởng thành noãn dự đoán được tỉ lệ phôi nang (EST=1,0652 [0,8282-1,2928]) và nguyên bội (EST=1,0287 [0,7976 – 1,2597]).
-Độ tuổi tương quan nghịch với tỉ lệ phôi nang (EST=-0,0158 [-0,0216 – -0,0099]) và nguyên bội (EST=-0,0395 [-0,0477 – -0,0312]).
-Giá trị AMH và nồng độ Estradiol không có tác động đáng kể đến tỉ lệ phôi nang.

Kết quả nghiên cứu đã chứng minh tỉ lệ trưởng thành noãn theo nhóm có tương quan thuận với sự hình thành phôi nang trong nhiều nhóm tuổi. Những phát hiện này giúp giải thích mối tương quan giữa sự trưởng thành noãn thấp với sự phát triển phôi kém và kết cục lâm sàng trong các báo cáo trước đây. Về mặt lâm sàng mang ý nghĩa hơn vì không như AMH, sự trưởng thành của noãn có tương quan thuận với tỉ lệ phôi nang và nguyên bội mà không phụ thuộc vào độ tuổi bệnh nhân. Một số yếu tố khác như dự trữ buồng trứng, phác đồ kích thích buồng trứng và kích thích rụng trứng cũng có thể ảnh hưởng sự phát triên phôi nang và tỉ lệ nguyên bội. Ngoài ra, các tác giả thấy rằng nồng độ AMH và đỉnh Estradiol không có mối tương quan với tỉ lệ phôi nang sau khi điều chỉnh nhóm tuổi. Nghiên cứu trước đây về đỉnh Estradiol trên đối tượng hiến tặng noãn cũng không thấy được tác động bất lợi nào đến chất lượng noãn và sự phát triển phôi sau đó.

Như vậy, tỉ lệ trưởng thành noãn đóng vai trò như một yếu tố dự đoán chất lượng noãn không phụ thuộc vào độ tuổi. Thông tin này có ý nghĩa về mặt lâm sàng vì bằng cách theo dõi tỉ lệ trưởng thành noãn có thể tối ưu hóa và cá nhân hóa phác đồ kích thích buồng trứng, từ đó cải thiện kết quả điều trị. Tuy nhiên, nghiên cứu này có một số hạn chế vì là hồi cứu, sử dụng dữ liệu thu thập từ 2 trung tâm khác nhau nên thiếu sự ngẫu nhiên trong lựa chọn bệnh nhân. Mặc dù cả 2 trung tâm đều sử dụng phác đồ tương tự, nhưng sẽ có khác biệt ngoài ý muốn về liều lượng thuốc, thời điểm rụng trứng, thực hành phôi học và kỹ thuật sinh thiết phôi. Vì vậy, nghiên cứu sâu hơn là cần thiết, với quy mô nhóm lớn hơn và thu thập dữ liệu chuẩn hóa để xác nhận các phát hiện trong báo cáo này.
 
Nguồn: Kaspa TT, Steinmiller JL, Trowbridge D, Levrant S Zoneraich N, Zhang JX. Oocyte maturity rate is an age-independent predictor of blastocyst development and euploidy rates: a multicenter retrospective study. Journal of IVF-Worldwide. 2024 Nov.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK