Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 08-01-2025 3:14am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Đoàn Thị Thùy Dương – IVF Tâm Anh
 
Giới thiệu
Vào năm 1999, nghiên cứu thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên (RCT) đầu tiên so sánh chuyển phôi đông lạnh (FET) và chuyển phôi tươi (ET) đã được công bố, cho thấy FET giảm tỷ lệ hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) và có tỉ lệ mang thai và trẻ sinh sống tương đương với ET tươi. Kể từ đó, các tiến bộ trong kỹ thuật thủy tinh hóa đã nâng cao hiệu quả của các chu kỳ FET. Các nghiên cứu hệ thống năm 2013 và 2019 đã khẳng định FET là phương pháp ưu tiên trong các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm do tăng cơ hội mang thai, sinh con sống và giảm nguy cơ OHSS, đa thai. Điều này đã thúc đẩy cuộc thảo luận về việc áp dụng FET như một phương pháp tiêu chuẩn.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc lựa chọn phôi nang hay phôi giai đoạn phân chia cũng có ảnh hưởng lớn đến kết quả. Khi đánh giá kết quả chuyển phôi giai đoạn phân chia cho thấy rằng FET có tỉ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống tốt hơn ET, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Ngoài ra, việc sử dụng phôi nang trong FET, đặc biệt khi kết hợp với xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT), có thể mang lại kết quả vượt trội so với ET tươi. Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu so sánh đầy đủ hiệu quả giữa FET và ET ở các giai đoạn phát triển của phôi. Do đó, nghiên cứu này sẽ làm rõ lựa chọn tối ưu giữa FET và ET, cũng như hiệu quả của việc chuyển phôi ở giai đoạn phôi nang hay phôi giai đoạn phân chia.
 
Phương pháp
Nghiên cứu được thực hiện trên từ ngày 1 tháng 1 năm 2013 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017 trên 51762 người phụ nữ đã thực hiện IVF và chuyển phôi và được chia thành 4 nhóm: (1) ET  giai đoạn phôi phân chia, (2) ET giai đoạn phôi nang, (3) FET giai đoạn phôi phân chia và (4) FET giai đoạn phôi nang. Các kết quả bao gồm tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống, OHSS, tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường trong thai kỳ (DM), nhau tiền đạo, nhau bong non, vỡ ối non (PPROM), tuổi thai và cân nặng trẻ sơ sinh.
 
Kết quả
Kết quả cho thấy khi FET giai đoạn phôi nang cho tỉ lệ thai sinh hóa (OR 1,34; 95%CI 1,26–1,43), thai lâm sàng (OR 1,33; 95%CI 1,25–1,42), xác nhận nhịp tim thai bằng siêu âm (OR 1,33; 95%CI 1,25–1,42) và trẻ sinh sống (OR 1,27; 95%CI 1,19–1,36) cao hơn so với ET giai đoạn phôi nang. Ngược lại, FET ở giai đoạn phôi phân chia cho tỉ lệ thai sinh hóa (OR 0,80; 95%CI 0,76–0,84), thai lâm sàng (OR 0,73; 95%CI 0,69–0,77), xác nhận nhịp tim thai bằng siêu âm (OR 0,80; 95%CI 0,75–0,84) và trẻ sinh sống (OR 0,79; 95%CI 0,74–0,84) thấp hơn so với ET giai đoạn phôi phân chia.
Kết quả đánh giá nguy cơ mắc OHSS cho thấy rằng FET cải thiện đáng kể so với ET (OR 0,02; 95%CI 0,02–0,03 đối với phôi nang và OR 0,05; 95%CI 0,03–0,09 đối với giai đoạn phôi phân chia). Tuy nhiên, FET có nguy cơ cao về tăng huyết áp thai kì hơn (OR 1,43; 95% CI 1,19–1,73 đối với phôi nang và OR 1,23; 95% CI 1,29–1,82 đối với giai đoạn phôi phân chia). Không có sự khác biệt về tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và vỡ ối non giữa các nhóm.
Bên cạnh đó, FET có tỉ lệ trẻ sơ sinh nặng cân so với tuổi thai (OR 1,63; 95% CI 1,30–2,04 đối với phôi nang và OR 1,69; 95% CI 1,36–2,01 đối với giai đoạn phân cắt) và tỉ lệ mổ lấy thai cao hơn so với ET (OR 1,66; 95% CI 1,38–1,88 đối với phôi nang và OR 1,48; 95% CI 1,32–1,67 đối với giai đoạn phân cắt). Trong khi đó, FET có tỉ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân so với tuổi thai thấp hơn so với ET (OR 0,68; 95% CI 0,56–0,82 đối với phôi nang và OR 0,68; 95% CI 0,56–0,82 đối với giai đoạn phân cắt). Nguy cơ chuyển dạ sớm giảm khi quan sát ở các chu kì FET giai đoạn phôi nang (OR 0,80; 95% CI 0,68–0,95), trong khi đó, không có sự khác biệt ở các chu kì ET.
 
Biện luận
Sự chênh lệch kết quả thai kì giữa FET và ET có thể do vai trò của nội mạc tử cung. Trong ET tươi, kích thích buồng trứng có kiểm soát có thể làm mức estrogen (E2) tăng cao trong cơ thể mẹ, từ đó có thể phá vỡ sự đồng bộ giữa nội mạc tử cung và phôi, gây ảnh hưởng đến quá trình làm tổ. Trong khi đó, FET có thể loại bỏ ảnh hưởng của gonadotropin và buồng trứng nên có khả năng phục hồi sau khi kích thích. Do đó, việc chuẩn bị nội mạc tử cung ở FET thuận lợi hơn so với ET.
Bên cạnh đó, phôi giai đoạn phân chia nhạy cảm với các yếu tố liên quan đến bảo quản đông lạnh hơn so với phôi nang, dẫn đến tỷ lệ sống và tỷ lệ thành công thấp hơn so với phôi nang sau khi rã đông.
Điểm mạnh của nghiên cứu là việc sử dụng dữ liệu số đăng ký quốc gia, cung cấp lượng dữ liệu toàn diện và xác thực. Tuy nhiên, nghiên cứu còn có những hạn chế như việc chuẩn bị nội mạc tử cung, dự trữ buồng trứng, số lượng trứng được lấy ra và chất lượng phôi không có sẵn trong cơ sở dữ liệu sinh sản, từ đó có thể gây sai lệch. Bên cạnh đó, đây là nghiên cứu hồi cứu, nên không thể cung cấp mức độ nghiêm ngặt như RCT.
 
Kết luận
Chiến lược trữ phôi toàn bộ không phù hợp để áp dụng phổ biến. Trong trường hợp phôi có thể phát triển đến giai đoạn phôi nang, FET là sự lựa chọn tối ưu hơn. Tuy nhiên, nếu phôi chỉ có thể phát triển đến giai đoạn phôi phân chia, ET trở thành sự lựa chọn hợp lý hơn.
 
Nguồn: Chang, C. T., Weng, S. F., Chuang, H. Y., Hsu, I. L., Hsu, C. Y., & Tsai, E. M. (2024). Embryo transfer impact: a comprehensive national cohort analysis comparing maternal and neonatal outcomes across varied embryo stages in fresh and frozen transfers. Frontiers in Endocrinology, 15, 1400255.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK