Tin tức
on Tuesday 07-01-2025 2:13pm
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
Với sự cải tiến và phát triển nhanh của ART, mục tiêu cuối cùng đã chuyển từ đạt được thai kỳ thành công sang có một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh và đủ tháng. Hiện nay, chuyển đơn phôi (single embryo transfer – SET) được xem là giải pháp tối ưu để đạt được mục tiêu này. SET ngày càng trở nên phổ biến do sự cải tiến kỹ thuật trong bảo quản phôi đông lạnh và tỉ lệ lệch bội thấp ở phôi nang. Nhiều báo cáo về hiệu quả của SET khi đạt được tỉ lệ thai lâm sàng (clinical pregnancy rate – CPR) và trẻ sinh sống (live birth rate – LBR) nhất định và giảm đáng kể các biến chứng đa thai đối với mẹ và trẻ sơ sinh như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, mẹ tử vong, sinh non hoặc thai phát triển chậm trong tử cung. Nghiên cứu trước đây cho rằng để đạt được một trẻ sinh sống thì việc chuyển phôi nang đông lạnh tốt hơn là chuyển phôi nang tươi. Thêm vào đó, chuyển đơn phôi nang được xác nhận là hiệu quả hơn chuyển 2 phôi giai đoạn phân chia trong các kết cục lâm sàng như tỉ lệ làm tổ, CPR và tỉ lệ thai diễn tiến. Thang điểm hình thái phôi của Gardner và Schoolcraft được nhiều trung tâm sử dụng để đánh giá chất lượng phôi nang. Những đặc điểm hình thái như độ nở rộng của phôi, khối tế bào bên trong (inner cell mass – ICM) và tế bào lá nuôi (trophectoderm – TE) đều tương quan với chất lượng phôi nang và dự đoán kết cục thai lâm sàng; trong đó, phôi nang N5 có độ 3 hoặc độ 4 được đông lạnh nhiều nhất. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào thực sự khám phá về mức độ ưu tiên lựa chọn loại phôi nang khi thực hiện có chỉ định SET. Do đó, nghiên cứu này nhằm so sánh kết cục lâm sàng dựa trên độ nở rộng của phôi nang (độ 3 hoặc độ 4), ICM và TE (tốt hoặc kém) để đưa ra các đề xuất hợp lý cho bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân.
Đây là nghiên cứu hồi cứu được thực hiện trên 1.976 chu kỳ SET (phôi nang N5) từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2020. Phác đồ kích thích buồng trứng là GnRH đối vận, IVF hoặc ICSI được sử dụng dựa trên tham số tinh trùng. Đánh giá thụ tinh sau 16-18h IVF/ICSI. Đánh giá chất lượng phôi N5 từ cùng một Chuyên viên phôi dựa theo tiêu chuẩn Gardner và Schoolcraft. Phôi nang chất lượng tốt khi cả ICM và TE đều từ loại B (AA, AB, BA và BB). Ngược lại phôi nang chất lượng kém là AC, BC, CA, CA và CC. Các tác giả phân tích trên 6 nhóm bao gồm (G1): 386 chu kỳ đông lạnh có phôi nang độ 3 (tốt); (G2): 291 chu kỳ có phôi nang độ 3 (kém); (G3): 1.044 chu kỳ có phôi nang độ 4 (tốt); (G4): 229 chu kỳ có phôi nang độ 4 (kém); (G5): 23 chu kỳ có phôi nang độ 5 (tốt); và (G6): 3 chu kỳ có phôi nang độ 5 (kém). Kết cục chính là CPR. Kết cục phụ là LBR, tỉ lệ sẩy thai (miscarriage rate – MR), chu sinh của trẻ (tuổi thai, cân nặng lúc sinh và giới tính). Kết quả cho thấy:
-Bệnh nhân ở G3 trẻ tuổi hơn G4 (30,72±3,96 tuổi so với 31,83±4,71 tuổi; P=0,003). Các nhóm khác không có sự khác biệt đáng kể về tuổi tác.
-G1 có tỉ lệ vô sinh nguyên phát cao hơn G2 và G4 với tỉ lệ lần lượt là 52,85%; 43,99% và 46,36% (P<0,05). Tỉ lệ này giống nhau giữa các nhóm còn lại.
-Tỉ lệ bệnh nhân thực hiện chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (frozen embryo transfer – FET) đầu tiên có sự khác biệt trong tất cả các nhóm (P<0,001).
-G3 có tỉ lệ cao hơn đáng kể so với G1 (82,01% so với 57,02%; P<0,001).
-G1 có CPR và LBR lần lượt là 56,74% và 47,67% cao hơn đáng kể so với G2 (39,86% và 28,87%; P<0,001). MR ở G1 cũng thấp hơn G2 (15,07% so với 26,72%; P=0,009).
-CPR và LBR ở G3 cao hơn G1 với tỉ lệ lần lượt là 63,03% và 52,87% so với 56,74% và 47,67% (P=0,030 và P=0,080). Mặt khác, MR giữa 2 nhóm lại tương đương (15,35% so với 15,07%; P=0,920). Tuy nhiên, các tỉ lệ này không có ý nghĩa thống kê.
-G2 và G5 đều có CPR, LBR và MR tương tự nhau.
-Kết quả chu sinh: G1 có 51,61% là bé trai trong khi G3 là 62,77%. Xu hướng này tương tự ở G2 và G4. Tuổi thai hoặc cân nặng sau sinh giữa tất cả 6 nhóm đều không khác biệt có ý nghĩa.
-Khi nuôi cấy thêm 16h sau rã đông phôi nang độ 3 hoặc độ 4:
+39,73% phôi nang độ 3 phát triển lên độ 5.
+Trong khi tỉ lệ phôi nang độ 4 phát triển lên độ 6 rất cao khoảng 73,68% thì ở phôi nang độ 3 chỉ 48,60% (P<0,001).
+Tỉ lệ chuyển phôi nang độ 5 từ phôi nang độ 3 và độ 4 là tương đương nhau (51,34% và 48,66%).
+Tỉ lệ chuyển phôi nang độ 6 từ phôi nang độ 4 cao hơn độ 3 (74,03% so với 25,97%).
+Phôi nang độ 6 có CPR và LBR lần lượt là 61,88% và 50,91% cao hơn đáng kể so với phôi nang độ 5 là 51,53% và 40,46% (P<0,001).
Nhìn chung, phôi nang độ 4 cho CPR và LBR là 60,64% và 50,12% cao hơn đáng kể so phôi nang độ 3 (49,48% và 39,59%; P<0,001). Trong khi MR ở phôi nang độ 3 hay độ 4 lại không khác nhau (19,10% và 16,32%; P=0,259). Một dữ liệu đáng quan tâm là giới tính của trẻ, phôi nang có độ nở rộng cao hơn lại có xu hướng là bé trai. Ngoài ra, phân tích trên cho thấy hầu hết các phôi nang độ 3 và độ 4 rã đông đều phát triển lên độ 6 sau 16h nuôi cấy. Thế nhưng phôi nang tươi độ 4 có số lượng nhiều hơn và kích thước tế bào TE lớn hơn.
Đối với ICM thì kích thước tối ưu là lớn, hình thái hơi oval sẽ cho tỉ lệ làm tổ cao nhất, từ đó CPR và LBR cao hơn, MR thấp hơn. Chất lượng TE là cần thiết để ngăn chặn sẩy thai, đạt thai kỳ thành công và trẻ sinh sống cũng như giới tính của con. Một phát hiện mang giá trị là giai đoạn nở rộng và thoát màng nên được đánh giá đầu tiên. Phôi nang độ 3 có CPR và LBR thấp hơn so với phôi nang độ 4 và 5. Báo cáo trên cho thấy độ nở rộng càng lớn thường sẽ có ICM và TE chất lượng tốt hơn. Nhiều nghiên cứu cho rằng sự nở rộng khoang phôi có liên quan đến chất lượng TE. Số lượng và độ kết dính của các tế bào TE góp phần bơm ion vào khoang và tích tụ nước trong các tế bào; do đó, các mối nối chặt chẽ của TE ngăn không cho dịch khoang phôi và các ion natri thoát ra ngoài. Một số cơ chế đã làm rõ lý do phôi nang độ 4 đông lạnh nên được ưu tiên sử dụng nếu chuyển đơn phôi nang. TE bị tổn thương ở nhiệt độ cực cao trong quá trình xung laser nên diện tích tiếp xúc với xung càng lớn thì TE càng bị tổn thương; vì vậy, phôi nang độ 3 bị tổn thương nhiều hơn. Bên cạnh đó, kích thước ICM/TE lớn hơn với tỉ lệ bề mặt/thể tích cao hơn nhạy cảm hơn với stress thẩm thấu và tổn thương, dẫn đến nhiều tinh thể đá nội bào hình thành trong phôi nang độ 3; trong khi phôi nang độ 4 với kích thước ICM/TE nhỏ hơn cho phép chất bảo vệ đông lạnh thấm vào và ra nhanh hơn.
Khi đề cập đến “giả thuyết phôi thoát ly” thì phôi nang độ 4 có khoang phôi lớn hơn khi ngày càng nhiều chất lỏng tích tụ, ICM và TE có nhiều tế bào hơn và tiếp tục tăng sinh để chuẩn bị giải phóng khỏi màng trong suốt và bám thành công vào nội mạc tử cung. Ngược lại, khi đông lạnh – rã đông phôi nang độ 3, AH làm vỡ màng trong suốt sớm hơn, do đó quá trình tăng sinh tế bào chậm lại và phôi nang thoát ra dễ dàng hơn nhưng cũng ít tế bào hơn và ít năng lượng được tạo ra nên dẫn đến giảm tiềm năng làm tổ.
Tóm lại, phôi nang độ 4 vượt trội hơn độ 3 khi so sánh về CPR và LBR mặc dù không có sự khác biệt trong tỉ lệ sẩy thai, tuổi thai và cân nặng sau sinh của trẻ. Thêm vào đó, tỉ lệ có phôi nang độ 4 cùng với ICM và TE chất lượng tốt vào ngày 5 thường xuyên hơn phôi nang độ 3. Hơn nữa, phôi nang độ 4 có tiềm năng phát triển lên độ 6 cao hơn sau 16h nuôi cấy. Ngoài ra, đây là báo cáo đầu tiên sử dụng “giả thuyết phôi thoát ly” để giải thích cơ chế. Có thể nói, tất cả các dữ liệu và kết quả trên đã cung cấp thông tin cần thiết cho cả bác sĩ và bệnh nhân khi thực hiện chu kỳ FET.
Nguồn: Ji J, Ling X, Zhou Q, Zhou L, Ji H, Wu X, Zhang J, Cao S. Prioritized single vitrified blastocyst to be warmed between grades 3 or 4 blastocyst on day 5 transfer cycles. Gynecologic endocrinology and reproductive medicine. 2024 Feb.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Đánh giá ảnh hưởng của tỉ lệ noãn sống sau rã đông dưới mức chuẩn đối với các kết quả lab và lâm sàng - Ngày đăng: 07-01-2025
Chỉ số khối cơ thể có liên quan tới tỷ lệ sẩy thai và kết quả chu sinh trong chu kỳ chuyển đơn phôi đông lạnh: một nghiên cứu hồi cứu - Ngày đăng: 06-01-2025
Những phát triển mới trong đông lạnh mô buồng trứng: Một tổng quan hệ thống - Ngày đăng: 06-01-2025
Các biến thể di truyền từ mẹ trong các vùng vận động kinesin làm tăng tình trạng lệch bội ở noãn - Ngày đăng: 06-01-2025
Nồng độ GDF9 trong môi trường nuôi cấy liên quan đến chất lượng và sức sống của phôi - Ngày đăng: 06-01-2025
Mối liên quan giữa hình thái phôi và sự thay đổi giá trị nồng độ βhCG vào ngày 14 và ngày 18 sau chuyển phôi - Ngày đăng: 06-01-2025
Bất thường màng trong suốt của noãn: đánh giá tác động lâm sàng đối với các bất thường khác nhau về màng trong suốt và vai trò của hỗ trợ thoát màng - Ngày đăng: 06-01-2025
Tỷ lệ cao của các hợp tử có nhiều tiền nhân làm tăng tỷ lệ đa nhân của phôi trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cổ điển - Ngày đăng: 03-01-2025
Thực hiện xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng thêm vào tinh dịch đồ theo tiêu chuẩn của WHO có thể là một chẩn đoán chính xác hơn về kết quả IVF - Ngày đăng: 03-01-2025
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Năm 2020
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
FACEBOOK