Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 24-09-2024 6:39am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
KS CNSH. Nông Thị Hoài
Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột
 
Mặc dù ban đầu trữ noãn được sử dụng như một phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản cho các chỉ định y tế, nhưng hiện nay, phương pháp này ngày càng được sử dụng nhiều để tránh tình trạng vô sinh liên quan đến tuổi tác. Việc trữ noãn xã hội có liên quan trực tiếp đến tuổi tác ngày càng tăng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản của phụ nữ. Phụ nữ lựa chọn phương pháp này vì những lý do không liên quan đến y tế như không có bạn đời phù hợp để xây dựng gia đình, phát triển sự nghiệp, các lý do xã hội và tài chính khác.
 
Mục đích của bài này là nghiên cứu lý do trữ noãn xã hội và nêu bật những rủi ro và hiệu quả của phương pháp này.
 
Bài nghiên cứu này đã tiến hành tìm kiếm tài liệu từ các công cụ tìm kiếm PubMed, Google, UptoDate, cũng như từ tài liệu y khoa. Tất cả các bài viết xem xét lý do trữ noãn xã hội, nêu bật các rủi ro và hiệu quả của phương pháp này đều được coi là đủ điều kiện. Các bài viết liên quan đến trữ noãn vì lý do y tế đã bị loại trừ.
 
Bài nghiên cứu đã ghi nhận được một số kết quả như sau, về mục đích trữ noãn: Phụ nữ quyết định trữ noãn vì nhiều lý do. Trước hết, mục đích của họ là trì hoãn việc sinh con và đồng thời duy trì khả năng sinh sản ngay cả khi họ già đi. Trữ noãn cung cấp cho họ cơ hội sinh con khi lớn tuổi, họ có thể hướng đến mục tiêu kết hợp sự nghiệp và gia đình, do đó tăng quyền tự chủ về sinh sản và bình đẳng xã hội.
 
Về rủi ro liên quan đến việc trữ noãn, bằng chứng hiện tại chứng minh rằng trữ noãn là phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản an toàn và ít rủi ro để giảm nguy cơ vô sinh liên quan đến tuổi tác. Tất nhiên, là một thủ thuật y khoa, trữ noãn có cả rủi ro ngắn hạn và dài hạn. Rủi ro ngắn hạn phổ biến nhất của trữ noãn là hội chứng quá kích buồng trứng, xuất hiện ở 5% chu kỳ kích thích và được phân loại là nhẹ, trung bình hoặc nặng. Các triệu chứng nhẹ và trung bình xuất hiện ở 3–6% bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đau ngực và tăng cân. Các trường hợp nặng xuất hiện ở 1–3% bệnh nhân và có khả năng tử vong. Ngoài ra, còn có những rủi ro liên quan đến thai, như dị tật bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh và ung thư, nhưng những rủi ro này không tăng so với trẻ em sinh ra bằng noãn tươi. Có hai yếu tố tiên lượng cơ bản cho sự thành công của phương pháp trữ noãn là độ tuổi của người phụ nữ tại thời điểm trữ và số lượng noãn trưởng thành. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy tỷ lệ thành công cao hơn đối với những phụ nữ thực hiện trữ noãn dưới 35 tuổi. Độ tuổi lý tưởng để trữ noãn là 20 tuổi hoặc 30–35 tuổi. Xác suất sinh con sống có được từ noãn trữ lạnh là 60,5% ở phụ nữ dưới 35 tuổi và 29,7% ở phụ nữ trên 35 tuổi. Về tỷ lệ sử dụng noãn đông lạnh, một nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Y học Sinh sản ở Bỉ đã kết luận rằng chỉ có 7,6% trong số 563 phụ nữ trữ noãn vì lý do xã hội trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2012 đã quay lại sử dụng. Một nghiên cứu khác trên 183 phụ nữ cho thấy chỉ có 6% (11/183) sử dụng noãn trữ lạnh của họ và chỉ có 3 người mang thai. Những nguyên nhân dẫn đến kết quả này có thể do họ đã mang thai tự nhiên hoặc không có bạn đời phù hợp để xây dựng gia đình và không muốn sử dụng tinh trùng hiến tặng. Một sự thật thú vị từ một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ lớn tuổi hơn vào thời điểm trữ noãn sẽ quay lại sử dụng noãn sớm hơn so với những người trữ noãn khi còn trẻ.

Tóm lại, hiện nay trữ noãn vì mục đích xã hội khá phổ biến, tuy nhiên cần có thêm nhiều nghiên cứu và dữ liệu liên quan đến hiệu quả của phương pháp này theo quan điểm đạo đức và xã hội.
 
Nguồn: Dimitra Katsani,Nefeli Paraschou,Eleni Panagouli, Ermioni Tsarna, Theodoros N. Sergentanis, Nikolaos Vlahos, Artemis Tsitsika, 2024. Social Egg Freezing—A Trend or Modern Reality?. 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK