Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 03-08-2023 8:57am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Phạm Duy Tùng – IVFMD Tân Bình
 
Thừa cân béo phì là một trong những nguyên nhân gây nên những vấn đề về sức khoẻ như các bệnh về tim mạch và đặc biệt là khả năng sinh sản ở người. Nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì có thể đến từ nhiều yếu tố do di truyền, hoạt động trao đổi chất, môi trường sống, các yếu tố về kinh tế, xã hội và hành vi tiêu dùng. Béo phì còn làm tăng cao các yếu tố nguy cơ trong các thai kỳ thai tự nhiên như làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, tăng đông máu, huyết áp thai kỳ, tiểu đường thai kỳ, sinh non, hay tiểu đường tuýp I ở trẻ sinh ra.
Đối với các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm, kết quả ở nhóm bệnh nhân thừa cân béo phì thường được cho là kém hơn so với nhóm có cân nặng bình thường. Phụ nữ thừa cân thường có tỷ lệ làm tổ, thai lâm sàng và thai diễn tiến thấp hơn, trong khi nguy cơ về sảy thai lại tăng cao. Chưa kể đến liều kích thích buồng trứng ở nhóm bệnh nhân này thường cao hơn, khả năng bị huỷ chu kỳ điều trị cũng cao hơn do nồng độ các hormone khác biệt cùng với số lượng noãn thu nhận được ít hơn so với nhóm cân nặng bình thường.
 
Phụ nữ thừa cân có thể làm tăng nguy cơ tạo ra noãn có các bất thường di truyền, với nguyên nhân đến từ phản ứng viêm mạn tính, mất cân bằng hormone hay ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, tuy nhiên các kết quả vẫn còn nhiều tranh cãi. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá mối tương quan giữa tỷ lệ phôi nguyên bội và tình trạng thừa cân của người phụ nữ trong các chu kỳ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization - IVF) có thực hiện sàng lọc di truyền tiền làm tổ (Preimplantation genetic testing - PGT).
 
Hồi cứu được thực hiện nhằm đánh gía mối tương quan giữa BMI và tỷ lệ phôi nguyên bội ở những phụ nữ thực hiện IVF có chỉ định PGT. Nghiên cứu được thực hiện trên nhóm bệnh nhân nữ ≤45 tuổi sử dụng trứng tự thân. BMI được xác định dựa vào chiều cao và cân nặng của bệnh nhân khi bắt đầu chu kỳ IVF. Tỷ lệ phôi nguyên bội được xác định bằng tỷ số giữa số phôi có kết quả PGT nguyên bội với số phôi thực hiện sinh thiết trong chu kỳ đó.
 
Dữ liệu được thu thập từ 905 phụ nữ thực hiện điều trị trong 1335 chu kỳ IVF có thực hiện PGT từ 9/2013 đến 9/2020. Những bệnh nhân này sau đó được chia vào 3 nhóm dựa trên chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI): cân nặng bình thường (BMI < 25, n=648), thừa cân (BMI từ 25-29,9; n=377) và béo phì (BMI ≥30, n=310). Ngoài tỷ lệ phôi nguyên bội ở các nhóm bệnh nhân, nghiên cứu cũng phân tích các yếu tố khác bao gồm nồng độ estradiol cao nhất, số noãn chọc hút được, tỷ lệ noãn trưởng thành, tỷ lệ phôi nang chất lượng tốt, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ sảy thai, thai diễn tiến và trẻ sinh sống.
 
Kết quả sau khi phân tích nhóm nhận thấy:
  • Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ phôi nguyên bội ở cả 3 nhóm lần lượt là 36,4%, 37,3% và 32,3% tương ứng với các nhóm cân nặng bình thường, thừa cân và béo phì. Sự khác biệt này nhỏ và không có ý nghĩa thống kê, kể cả khi có sự điều chỉnh theo độ tuổi của bệnh nhân.
  • Tỷ lệ phôi nguyên bội so với số noãn thu nhận được cũng không khác biệt ở cả 3 nhóm.
  • Tỷ lệ phôi có bộ nhiễm sắc thể lệch bội hay ở dạng thể khảm cũng không có sự khác biệt ở 3 nhóm BMI.
  • Những kết quả lâm sàng như tỷ lệ sảy thai, thai lâm sàng, thai diễn tiến, trẻ sinh sống và phương pháp sinh cũng không khác biệt nhiều ở cả 3 nhóm.
 
Tóm lại, nghiên cứu này không nhận thấy mối tương quan giữa tình trạng thừa cân béo phì đến tỷ lệ phôi nguyên bội ở những phụ nữ thực hiện IVF. Những phát hiện này cho thấy béo phì không phải là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ sảy thai hay giảm tỷ lệ sinh sống ở những phụ nữ béo phì thực hiện IVF. Những kết quả này cũng đồng nhất với các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, hạn chế vẫn là phương pháp hồi cứu và thực hiện đơn trung tâm cũng như thiếu các dữ liệu về kết quả thai. Do đó vẫn cần những nghiên cứu đa trung tâm với thiết kế nghiên cứu mới để xác nhận những kết quả này.
 
Nguồn: Hallisey S, Makhijani R, Thorne J, et al. The association of obesity with euploidy rates in women undergoing in vitro fertilization with preimplantation genetic testing. J Assist Reprod Genet. 2022;39(11):2521-2528. doi:10.1007/s10815-022-02624-8

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK