Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 30-03-2023 11:11am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Dương Thị Ngọc Nữ - IVFMD Tân Bình

Giới thiệu:
Tinh hoàn ẩn biểu hiện sự di chuyển bất thường của tinh hoàn và là một bất thường khá phổ biến, ảnh hưởng 1% – 4% trẻ nam (Barthold & González, 2003). Đánh giá bệnh học của mô tinh hoàn thu được tại thời điểm thực hiện cố định tinh hoàn (orchidopexy) cho thấy số lượng tinh nguyên bào trưởng thành giảm theo độ tuổi (Hadziselimovic & Herzog, 2001). Khoảng 20% nam giới vô tinh do tinh hoàn ẩn (Olesen & cộng sự, 2017). Tình trạng vô sinh được báo cáo ở 54% trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên và 9% trường hợp tinh hoàn ẩn một bên (Cortes & cộng sự, 2003). Sự sinh tinh ở trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên bị ảnh hưởng nhiều hơn so với tinh hoàn ẩn một bên. Do đó, ở nhóm tinh hoàn ẩn một bên, quan sát thấy tình trạng thiểu tinh và vô tinh ở trẻ chiếm tỷ lệ cao hơn (Chung & Brock, 2011; Rohayem & cộng sự, 2017).
 
Phương pháp điều trị vô tinh do tinh hoàn ẩn là thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) sau khi thu nhận tinh trùng từ tinh hoàn. Negri & cộng sự (2003) ghi nhận cơ hội thu hồi tinh trùng ở bệnh nhân tiền sử tinh hoàn ẩn đã thực hiện cố định tinh hoàn là 43%, cao hơn so với các nguyên nhân gây vô tinh không do tắc (Non-obstructive Azoospermia) khác. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá các yếu tố tiên lượng thu hồi thành công tinh trùng từ mô tinh hoàn bằng kỹ thuật vi phẫu thuật tinh hoàn (micro-TESE) cho những bệnh nhân với tiền sử có thực hiện cố định tinh hoàn hai bên sau khi điều chỉnh nội tiết tiền phẫu thuật.
 
Phương pháp:
Nghiên cứu hồi cứu trên các bệnh nhân vô tinh với tiền sử tinh hoàn ẩn hai bên được thực hiện micro-TESE tại hai trung tâm từ tháng 1/2010 đến tháng 1/2020. Các bệnh nhân cryptozoospermia, giãn tĩnh mạch thừng tinh sờ thấy được, tinh hoàn ẩn một bên, nhiễm trùng đường sinh dục – tiết niệu, tiền sử hóa trị hoặc xạ trị và bất thường di truyền được loại khỏi nghiên cứu. Tất cả bệnh nhân được thăm khám lâm sàng gồm đo kích thước tinh hoàn, kiểm tra giãn tĩnh mạch thừng tinh; kiểm tra nội tiết các hormone FSH, testosterone toàn phần, LH; cùng với phân tích nhiễm sắc thể đồ, vi mất đoạn nhiễm sắc thể Y. Tinh dịch đồ thực hiện theo WHO 2010 2 lần, ngày kiêng xuất tinh 3 – 5 ngày và phân tích trong 1 giờ sau khi nhận mẫu. Các bệnh nhân nồng độ testosterone thấp (<3 ng/ml) được tiêm hCG 5000 IU mỗi 3 ngày 1 lần trong 3 tháng, nếu nồng độ testosterone vẫn thấp sau khi kích thích sẽ bị loại khỏi nghiên cứu. Thủ thuật m-TESE được bắt đầu với tinh hoàn lớn hơn, nếu không có tinh trùng, sẽ phẫu thuật ở tinh hoàn còn lại. Tinh trùng thu hồi được đông lạnh dùng cho ICSI.
 
Phân tích hồi cứu với 120 bệnh nhân hiếm muộn do tinh hoàn ẩn hai bên được thực hiện micro-TESE, trong đó có 17 bệnh nhân thiểu tinh nặng bị loại khỏi nghiên cứu. Đặc điểm lâm sàng của các bệnh nhân gồm: độ tuổi trung bình là 33 (21-44) và tuổi trung bình của người vợ là 24 (19-33). Thời gian vô sinh trung bình là 4 năm (1-6). Độ tuổi trung bình thực hiện cố định tinh hoàn (orchidopexy) là 7 (2-19). Tất cả bệnh nhân có kích thước tinh hoàn trên 12 ml và FSH trên 8 IU/ml.
 
Kết quả:
Tỷ lệ thu hồi tinh trùng thành công là 62% (64/103) trong đó có 75% bệnh nhân (48/64) thực hiện micro-TESE một bên và 25% bệnh nhân (16/64) thực hiện micro-TESE hai bên. Sau tổng 82 chu kỳ ICSI, tỷ lệ thai lâm sàng đạt được là 50% (32/64) ở những bệnh nhân thu hồi tinh trùng tốt, trong đó có 20 người (31,3%) sinh thành công.
Các thông số tiền phẫu thuật giữa hai nhóm thành công và thất bại được so sánh. Ở phân tích đơn biến, thể tích trung bình của tinh hoàn và nồng độ testosterone lớn hơn đáng kể ở nhóm thành công so với nhóm thất bại (p < 0,001), FSH và LH thấp hơn ở nhóm thành công (p = 0,001), và tuổi cố định tinh hoàn thấp hơn ở nhóm thành công (p = 0,016). Ở phân tích đa biến, thể tích trung bình của tinh hoàn và nồng độ testosterone là các yếu tố độc lập để tiên lượng khả năng thu hồi tinh trùng thành công.
 
Kết luận:
Tinh hoàn ẩn có thể gây ra tình trạng vô tinh không do tắc nghiêm trọng theo thời gian. Nghiên cứu này cho thấy phương án điều trị vô sinh cho những bệnh nhân vô tinh do tinh hoàn ẩn là micro-TESE kết hợp ICSI. Các yếu tố: tuổi bệnh nhân, thể tích tinh hoàn lớn, thời gian phẫu thuật cố định tinh hoàn (orchidopexy) sớm, nồng độ các hormone LH, FSH, testosterone, được xem là các yếu tố tiên lượng cho thành công của phẫu thuật thu nhận tinh trùng từ tinh hoàn.
 
Nguồn: Saber‐Khalaf, M., Ali, A. F., & Elsoghier, O. M. (2022). Predictive factors of successful testicular sperm extraction for non‐obstructive azoospermia with a history of bilateral cryptorchidism and normal testosterone. Andrologia54(1), e14284.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK