Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 19-03-2023 8:17am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trầm Uyển Vy
 
Giới thiệu
Trong những năm gần đây, nhận thức về ảnh hưởng của việc điều trị ung thư ở phụ nữ trẻ tuổi đến khả năng sinh sản ngày càng được nâng cao. Mặc dù trữ lạnh noãn, phôi đã và đang được chấp nhận, gần đây quy trình trữ lạnh mô buồng trứng ngày càng được thực hiện bởi nhiều trung tâm và được xem là quy trình chuẩn hoá trong bảo tồn sinh sản. Trữ lạnh mô buồng trứng (Ovarian tissue cryopreservation – OTC), có khả năng lưu trữ hàng ngàn nang noãn nguyên thuỷ, cho thấy một số tiềm năng tốt hơn so với trữ lạnh noãn và phôi. OTC không cần thực hiện kích thích buồng trứng và đây là lựa chọn duy nhất đối với trẻ em trước tuổi dậy thì và bệnh nhân không thể trì hoãn việc điều trị ung thư. Về hiệu quả và tỉ lệ thành công, theo một số báo cáo cho thấy khoảng 30% bệnh nhân sau cấy ghép mô buồng trứng tự thân (Ovarian tissue autotransplantation – AT) có khả năng có thai và sinh em bé. Nghiên cứu này cho thấy kết quả về sự kết hợp giữa OTC và AT từ 3 trung tâm khác nhau, từ đó xem xét các chiến lược của mỗi trung tâm để đưa ra tỉ lệ thành công chung và đánh giá mối tương quan giữa kỹ thuật thực hiện, yếu tố lâm sàng và kết quả thu được sau đó.

Phương pháp thực hiện
Đây là nghiên cứu đoàn hệ đa trung tâm. Tiêu chuẩn nhận là bệnh nhân đã thực hiện OTC với mục đích bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư và sau đó, tiến hành cấy ghép mô tự thân để có thai. Đối với bệnh nhân mất theo dõi trong quá trình nghiên cứu hoặc thực hiện OTC do có liên quan đến chỉ định khác hoặc trữ lạnh mô bằng thuỷ tinh hoá sẽ được loại bỏ khỏi nghiên cứu.
Tổng số 1314 bệnh nhân thực hiện OTC tại 3 trung tâm, từ tháng 1/2004 đến tháng 6/2018. Trong đó, có 70 bệnh nhân trở lại trung tâm để tiến hành rã đông và cấy ghép mô buồng trứng, tỉ lệ trở lại trung tâm đạt 5,32%. Trong số 70 bệnh nhân trở lại, có 10 trường hợp loại bỏ khỏi nghiên cứu: 4 trường hợp trữ lạnh mô bằng thuỷ tinh hoá, 2 trường hợp mất theo dõi, 2 trường hợp trữ lạnh do suy buồng trứng sớm, 1 trường hợp mắc ung thư buồng trứng giáp biên ác tính và 1 trường hợp có thai 6 tuần tuổi sau 1 tháng cấy ghép. Do đó, tổng số 60 bệnh nhân đáp ứng tiêu chuẩn nhận và được tham gia vào nghiên cứu, với tổng số 76 ca cấy ghép mô buồng trứng tự thân.
Bệnh nhân thực hiện OTC trong khoảng từ 14 đến 39 tuổi và đa phần chưa từng sinh con (tỉ lệ 83,05%). Đa số các trường hợp đều được chẩn đoán mắc ung thư máu ác tính.
Đối với thời gian thực hiện AT, trung bình là 7 năm sau khi tiến hành OTC, độ tuổi trung bình là 32,7 ± 5,6. Hầu hết bệnh nhân sau điều trị ung thư đều cho thấy rõ dấu hiệu suy buồng trứng, vô kinh kéo dài và chỉ số hormone của giai đoạn mãn kinh; nồng độ FSH trung bình là 63,8 IU/mL. Tuy nhiên, 8 trường hợp có một số dấu hiệu buồng trứng vẫn hoạt động, với 7 trường hợp có chu kỳ kinh đều và 1 trường hợp có kinh thưa.

Trữ lạnh và cấy ghép mô buồng trứng
Sau khi thu nhận, phân cắt mô thành các mẫu với độ dày 1-2 mm. Diện tích bề mặt trung bình khoảng 50 mm2, dao động từ 2 mm2 đến 60 mm2. Trữ lạnh mô buồng trứng bằng phương pháp hạ nhiệt độ chậm. Quy trình thực hiện cơ bản gồm thu nhận mô, chuẩn bị mẫu mô, trữ lạnh và lưu trữ mẫu mô tại 3 trung tâm. Hầu hết bệnh nhân tham gia nghiên cứu chỉ thực hiện cấy ghép mô 1 lần; 12 trường hợp tái cấy ghép là do mẫu mô không thể thực hiện chức năng.
Số lượng mẫu mô ghép trung bình là 5,5 trên mỗi ca. Kích thước mô ghép được chia thành 3 loại: nhỏ (£9 mm2), trung bình (10-49 mm2), lớn (³50 mm2). Sau cấy ghép, chức năng buồng trứng được khởi phát tại vị trí cấy ghép, bao gồm tiếp tục chu kỳ kinh nguyệt đầu và nồng độ FSH ngày 3 lặp lại vào các chu kỳ sau.

Kết quả
Sau lần cấy ghép mô đầu tiên, chức năng buồng trứng được theo dõi ở 55 bệnh nhân. Trước khi cấy ghép, tổng số 52 bệnh nhân cho thấy buồng trứng không thực hiện chức năng, 47 bệnh nhân tiếp tục chu kỳ kinh (90,4%), trung bình khoảng 3,64 ± 1,79 tháng sau cấy ghép. Còn lại 5 bệnh nhân không phục hồi chu kỳ kinh, 1 trường hợp phẫu thuật cắt bỏ tử cung và 1 trường hợp khác đã hoá trị sau khi được chẩn đoán ung thư ác tính thứ cấp sau cấy ghép. Do đó, sau khi loại bỏ 2 trường hợp nêu trên, tỉ lệ phục hồi chu kỳ kinh là 94% (47/50). Nồng độ FSH trung bình trước và sau cấy ghép lần lượt là 63,8 IU/mL và 19 IU/mL.
Sau cấy ghép, bệnh nhân được theo dõi trung bình trong vòng 64 tháng. Trong thời gian này, 33 bệnh nhân kích thích buồng trứng, thực hiện IVF và có 14 bệnh nhân (42,4%) có thai ít nhất 1 lần. Tổng số 117 chu kỳ, với 25 chu kỳ (21,4%) sau chọc hút thu được nang noãn trống. Tổng số 169 noãn được thu nhận, tỉ lệ thụ tinh đạt 52,1%. Với 71 phôi được chuyển, tỉ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống trên mỗi chu kỳ lần lượt là 14,5% và 12,8%.
Trong tổng số 50 trường hợp có thai được ghi nhận (33 trường hợp có thai tự nhiên, 17 trường hợp có thai từ IVF), 44 trường hợp cho trẻ sinh sống. Tỉ lệ sẩy thai là 6%, cụ thể 11,8% đối với thai IVF và 3% đối với thai tự nhiên. Với 30 bệnh nhân có thai ít nhất 1 lần (50,0%), trong đó 25 bệnh nhân sinh con ít nhất 1 lần (41,6%). Bên cạnh đó, khi so sánh độ tuổi thực hiện OTC giữa nhóm có thai và không có thai, kết quả cho thấy khác biệt không có ý nghĩa thống kê (25 ± 5,5 vs. 27,6 ± 6,8; P = 0,1). Tuy nhiên, phụ nữ ³ 35 tuổi thực hiện OTC chiếm tỉ lệ cao trong số các trường hợp không có thai (53,3% vs. 26,6%; P = 0,06). Ngoài ra, nhóm tuổi thực hiện cấy ghép mô trong số các trường hợp có thai trung bình là 31,6 ± 5,2 cao hơn so với nhóm tuổi 34,8 ± 6,2; P = 0,03.
Đối với trường hợp cấy ghép mẫu mô nhỏ, tỉ lệ có thai ít nhất 1 lần là 58%, so với 46% trường hợp cấy ghép mô kích thước trung bình hoặc lớn, tuy nhiên khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P = 0,41).
Trong tổng số 60 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, có 24 bệnh nhân thực hiện OTC sau khi trải qua hoá trị. Khi so sánh về độ tuổi, chỉ số FSH sau cấy ghép, khả năng phục hồi chu kỳ kinh, tỉ lệ có thai, trẻ sinh sống, sẩy thai cho thấy không khác biệt đáng kể giữa nhóm can thiệp hoá trị và không can thiệp hoá trị trước khi OTC.

Kết luận
Nghiên cứu đa trung tâm cho thấy vai trò của OTC, đồng thời đây là một phương pháp hiệu quả trong việc bảo tồn khả năng sinh sản, với tỉ lệ thụ tinh và trẻ sinh sống lần lượt là 50,0% và 41,6%. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy chức năng mẫu mô ghép có thể suy giảm sau lần cấy ghép đầu tiên, tiến hành tái cấy ghép giúp khởi phát hoạt động nội tiết và quá trình thụ tinh. OTC được khuyến cáo thực hiện đối với các trường hợp bệnh nhân sắp trải qua hoá trị liệu. Cấy ghép mô buồng trứng tự thân sau khi vùng chậu tiếp xúc với chất phóng xạ có thể cho kết quả tốt trong một số trường hợp, không nhất thiết mang thai hộ. Tuy nhiên, hiệu quả của AT đối với ung thư cổ tử cung vẫn chưa được trả lời thoả đáng. Các kỹ thuật xử lý mẫu mô sau khi thu nhận, kích thước mẫu mô và phương pháp cấy ghép không ảnh hưởng đến kết cục lâm sàng; đây là yếu tố nền tảng để thực hiện các nghiên cứu lớn hơn trong tương lai. Tóm lại, OTC-AT là một hướng tiếp cận có tính hiệu quả cao đối với bảo tồn khả năng sinh sản.
 
Nguồn: Shapira M, Dolmans M, Silber S và cộng sự. Evaluation of ovarian tissue transplantation: results from three clinical centers. Fertil Steril. 2020 Mar 27.
 
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK