Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 13-03-2023 6:58am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Võ Minh Tuấn – IVFMD Tân Bình

Tuổi của người mẹ được xem là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm. Ngoài ra, tình trạng thể bội của phôi cũng là yếu tố và việc thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ nhằm phát hiện bất thường lệch bội nhiễm sắc thể của phôi (Pre-implantation genetic testing for aneuploidy – PGT-A) đã được đề xuất như một chiến lược để đánh giá di truyền phôi trước khi chuyển vào tử cung. Sự thất bại trong điều trị ART có thể do nhiều yếu tố, nhưng từ những năm 1990, sự lệch bội phôi liên quan đến tuổi tác đã được coi là yếu tố quyết định đối với kết quả của chu kỳ. Tỷ lệ lệch bội và tuổi mẹ có mối tương quan, và tăng đều từ 31 tuổi đến 43 tuổi. Do đó, kĩ thuật PGT-A đã được thực hiện, xem như một chiến lược để đánh giá phôi trước khi chuyển vào tử cung. Về mặt lý thuyết, quy trình này được cho là làm giảm nguy cơ thất bại làm tổ, giảm sảy thai đồng thời giảm số lần chuyển phôi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, PGT vẫn là một trong những thủ thuật gây tranh cãi trong y học sinh sản.
 
Mục đích của nghiên cứu chính là đánh giá liệu tuổi mẹ cao có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của điều trị ART sau khi chuyển phôi nguyên bội thông qua đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp dữ liệu đã công bố hay không. Đây là một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp các dữ liệu được công bố. Tỷ lệ mang thai diễn tiến/tỷ lệ trẻ sinh sống (OPR/LBR) sau khi chuyển phôi nguyên bội so sánh ở nhóm phụ nữ <35 tuổi so với phụ nữ ≥35 tuổi là kết quả chính. Kết quả phụ bao gồm tỷ lệ làm tổ (implantation rate – IR) và tỷ lệ sẩy thai (miscarriage rate – MR) ở phụ nữ <35 tuổi so với phụ nữ ≥35 tuổi. Các phân tích bổ sung bao gồm so sánh kết quả sinh sản theo cặp giữa các nhóm tuổi khác nhau (<35 so với 35-37 tuổi, 38-40 tuổi, 41-42 tuổi, >42 tuổi; <38 so với ≥38 tuổi) và tính toán gộp về tỷ lệ thành công trong từng nhóm tuổi.
 
Kết quả theo phân tích từng nhóm như sau:
Ở nhóm phụ nữ <35 tuổi so với phụ nữ ≥35 tuổi: OPR/LBR cao hơn đáng kể ở phụ nữ <35 tuổi, IR cũng cao hơn đáng kể và MR thấp hơn.

Ở nhóm phụ nữ <35 tuổi so với phụ nữ 35-37 tuổi, 38-40 tuổi và 41-42 tuổi: OPR/LBR cao hơn đáng kể ở phụ nữ tuổi <35 tuổi. Tương tự, IR cao hơn đáng kể ở nhóm trẻ và không có sự khác biệt đáng kể về MR.

Phân tích kết quả ở phụ nữ <35 tuổi so với phụ nữ >42 tuổi: Số lượng của nhóm trẻ hơn (<35 tuổi) lớn hơn 13,32 lần so với nhóm lớn tuổi hơn (>42 tuổi) (lần lượt là n=4302 và n=323 lần chuyển phôi). Không có sự khác biệt đáng kể nào được tìm thấy giữa các nhóm về OPR/LBR, IR và MR.

Phân tích kết quả ở phụ nữ <38 tuổi so với phụ nữ ≥38 tuổi: cho thấy OPR/LBR cao hơn đáng kể ở phụ nữ <38 tuổi so với phụ nữ ≥38 tuổi, với xu hướng IR cao hơn. Không tìm thấy sự khác biệt giữa các nhóm về MR.
 
Phân tích tổng hợp tỷ lệ cho thấy:
Ở nhóm phụ nữ <35 tuổi thì tỷ lệ OPR/LBR gộp là 64,54% (KTC 95%: 55,77%–72,85%; I2:94,95%). Phụ nữ ≥35 tuổi thì tỷ lệ OPR/LBR gộp là 56,13% (KTC 95%: 50,92%–61,26%; I2:83,29%) (10-12, 24, 26, 27). Nhóm phụ nữ 35-37 tuổi thì tỷ lệ OPR/LBR là 57,16% (KTC 95%: 52,02%–62,23%; I2:60,84%). Phụ nữ 38-40 tuổi là 57,35% (KTC 95%: 50,56%–64,00%; I2:75,67%). Phụ nữ 41-42 tuổi có tỷ lệ OPR/LBR gộp là 52,64% (KTC 95%: 45,67%–59,56%; I2:46,20%) và nhóm phụ nữ >42 tuổi có tỷ lệ OPR/LBR gộp là 51,08% (KTC 95%: 33,51%–68,52%; I2:80,44%). Tỷ lệ LBR tích lũy trên mỗi lần chuyển phôi trong các chu kỳ PGT cho thấy mức giảm dần và có ý nghĩa thống kê giữa các độ tuổi của phụ nữ (54,8%; 53,6%; 51,8%; 49,7% và 46,2% ở phụ nữ <35 tuổi, 35-37 tuổi, 38-40 tuổi, 41-42 tuổi và >42 tuổi; p<0,0001). Dựa trên các kết quả của nghiên cứu cho thấy tuổi mẹ càng cao thì tỷ lệ OPR/LBR càng thấp ngay cả sau khi chuyển phôi nang nguyên bội. Tỷ lệ thai diễn tiến/LBR cao nhất ở phụ nữ dưới 35 tuổi và thấp nhất ở phụ nữ trên 42 tuổi. Và tương tự tỷ lệ OPR/LBR cao hơn đáng kể sau PGT-A cũng được quan sát thấy ở phụ nữ dưới 38 tuổi so với những phụ nữ > 38 tuổi. Kết quả IR cũng tương quan với kết quả OPR/LBR cho thấy rằng IR sau PGT-A cao hơn ở phụ nữ dưới 35 tuổi so với phụ nữ lớn tuổi. Ngoại lệ duy nhất được đại diện bởi nhóm phụ nữ trên 42 tuổi không tìm thấy sự khác biệt về OPR/LBR và IR so với nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi. Kết quả có thể được giải thích bằng sự hiện diện của các yếu tố như là: Thứ nhất, có thể là do quá trình lão hóa nội mạc tử cung. Những phát hiện gần đây cho thấy tuổi tác ảnh hưởng đáng kể đến biểu hiện gen nội mạc tử cung và những thay đổi lớn trong chức năng nội mạc tử cung xảy ra sau 35 tuổi trở đi. Thứ hai, tuổi cha/mẹ cao được cho là góp phần làm thay đổi sự phát triển phôi thai sớm thông qua các cơ chế di truyền. Quá trình hypo-methyl hóa do lão hóa gây ra tại các vị trí liên kết cụ thể trong bộ gen của tinh trùng có thể là một đặc điểm phân tử quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi. Giả thuyết thứ ba có thể do bệnh lý về tử cung gây cản trở quá trình làm tổ của phôi. Tỷ lệ mắc u xơ tử cung tăng theo độ tuổi và adenomyosis ảnh hưởng đến phụ nữ lớn tuổi trong độ tuổi sinh sản. Adenomyosis và u xơ tử cung làm suy yếu khả năng co bóp bình thường và thay đổi việc sản xuất các yếu tố tạo mạch có thể làm thay đổi môi trường nội mạc tử cung và do đó làm thay đổi chức năng của nội mạc tử cung.
 
Điểm mạnh của nghiên cứu này bao gồm cỡ mẫu lớn và việc phân tích nhóm phụ theo độ tuổi, đồng thời phân tích độ nhạy để xác thực kết quả của phân tích. Không thể điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu liên quan trong phân tích chính do thiếu dữ liệu bệnh nhân, nhưng phân tích độ nhạy đã xác định rằng tỷ lệ OPR/LBR sau khi chuyển phôi nguyên bội cao hơn đáng kể ở nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi so với phụ nữ > 35 tuổi. Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ sự hiện diện của các yếu tố gây nhiễu khác như việc đánh giá hình thái phôi nang, tốc độ phát triển của phôi, sự khác biệt về quần thể nghiên cứu, phác đồ kích thích buồng trứng, đánh giá số lượng và hình thái của phôi được chuyển.
 
Tóm lại, mặc dù tình trạng bội thể của phôi là yếu tố quan trọng nhất đối với kết quả chu kỳ ART, nhưng tỷ lệ thành công của chu kì vẫn giảm liên quan đến tuổi tác ngay cả khi chuyển phôi nguyên bội. Do đó, không thể bỏ qua tác động của tuổi mẹ đóng góp vào thành công của ART khi tư vấn bệnh nhân.
 
Nguồn: Vitagliano, A., Paffoni, A., & Viganò, P. Does maternal age affect Assisted Reproduction Technology success rates after euploid embryo transfer? A systematic review and meta-analysis. Fertility and Sterility. https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2023.02.036

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK