Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 02-03-2023 1:56pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thanh Chi - IVFMD Tân Bình
 
Những năm gần đây, tỷ lệ chuyển phôi đông lạnh (FET) trong các chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trên toàn thế giới ngày một tăng lên. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ này tăng gấp đôi kể từ năm 2015 và chiếm 78,8% trên tổng số phôi được chuyển trong năm 2019. Xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy ở Úc, New Zealand và Châu Âu. Lời giải thích cho hiện tượng này là vì chuyển phôi nang đông lạnh bằng phương pháp thuỷ tinh hoá giúp cải thiện tỷ lệ phôi sống, tỷ lệ mang thai lâm sàng và trẻ sinh sống cao hơn so với đông lạnh phôi giai đoạn phân chia bằng phương pháp đông lạnh chậm. Vậy nên, chính sách đông lạnh toàn bộ (tức đông lạnh toàn bộ phôi trong một chu kỳ và không chuyển phôi tươi) đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ định này có thể làm tăng cân nặng khi sinh và nguy cơ rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ.
 
Đã có sáu thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đánh giá sự khác biệt về tỷ lệ trẻ sinh sống giữa chu kỳ chuyển phôi tươi và chu kỳ chuyển phôi đông lạnh toàn bộ. Thử nghiệm đầu tiên vào năm 2016 cho thấy, trong trường hợp vô sinh do nữ giới, tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn đáng kể ở nhóm đông lạnh phôi toàn bộ. Ngược lại, ở nhóm phụ nữ bình thường, hầu hết các thử nghiệm cho thấy tỷ lệ thai diễn tiến và trẻ sinh sống giữa hai nhóm là tương đương nhau. Đặc biệt, đông lạnh phôi toàn bộ giúp giảm tỷ lệ đa thai, gần như loại bỏ nguy cơ quá kích buồng trứng hay những biến chứng nguy hiểm khác trong hỗ trợ sinh sản (ART). Hiện tại, có đến 7,9% trẻ em ở Châu Âu và 5,1% trẻ em tại Hoa Kỳ được sinh ra nhờ vào ART, do đó sức khoẻ của các trẻ em sinh ra sau ART đối với sức khỏe cộng đồng trở thành chủ đề rất được quan tâm.
 
Trong đó, ung thư máu là loại phổ biến nhất ở trẻ em bởi sự phát triển đa dạng của các khối u trong hệ thống thần kinh trung ương (CNS). Không những vậy tỷ lệ mắc ung thư máu cao nhất trong những năm đầu đời của trẻ. Một số nghiên cứu về nguy cơ ung thư ở trẻ em sau điều trị ART cho thấy các kết quả đối lập nhau. Hầu hết những nghiên cứu quan sát cỡ mẫu lớn cho thấy nguy cơ ung thư ở trẻ em sinh ra sau điều trị ART và trẻ em trong dân số chung là tương tự nhau. Trong một nghiên cứu khác dựa trên dân số của Đan Mạch lại chỉ ra rằng trẻ em sau FET có nguy cơ mắc bất kỳ bệnh ung thư nào cao hơn so với trẻ em được thụ thai tự nhiên, tuy nhiên phát hiện này dựa trên một số ít trường hợp. Bài nghiên cứu này dựa trên dân số lớn từ 4 quốc gia Bắc Âu để ước tính nguy cơ ung thư ở trẻ em trong nhóm dân số được thụ thai bằng ART một cách ngẫu nhiên, đặc biệt tập trung vào trẻ sinh ra sau FET. Ngoài ra, so sánh nguy cơ ung thư giữa ba nhóm trẻ em gồm trẻ sinh ra sau FET, trẻ sinh ra sau chuyển phôi tươi và trẻ được thụ thai tự nhiên trong cùng thời kỳ.
 
Cụ thể, dữ liệu nghiên cứu gồm 7.944.248 trẻ em từ 4 quốc gia Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển. Trong đó, 171.774 trẻ em được sinh ra nhờ vào ART (2,2%) và 7.772.474 trẻ em được sinh ra từ thụ thai tự nhiên. Con số này đại diện cho tất cả trẻ em sinh ra từ năm 1994 đến 2014 ở Đan Mạch, 1990 đến 2014 ở Phần Lan, 1984 đến 2015 ở Na Uy và 1985 đến 2015 ở Thụy Điển. Tỷ lệ của loại ung thư bất kỳ và các nhóm ung thư cụ thể ở trẻ em sinh ra sau mỗi phương pháp thụ thai được xác định bằng cách liên kết chéo dữ liệu đăng ký điều trị ART quốc gia với dữ liệu đăng ký y tế và ung thư quốc gia cũng như đăng ký dân số. Các mô hình ước tính rủi ro theo tỷ lệ Cox được sử dụng để dự đoán nguy cơ mắc bất kỳ bệnh ung thư nào với độ tuổi là thang thời gian.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau khoảng thời gian theo dõi trung bình là 9,9 và 12,5 năm, tỷ lệ mắc bệnh (incidence rate – IR) ung thư trước 18 tuổi là 19,3/100.000 người mỗi năm đối với trẻ sinh ra sau điều trị ART (329 trường hợp) và 16,7/100.000 người mỗi năm đối với trẻ sinh ra sau thụ thai tự nhiên (16.184 trường hợp). Tỷ lệ nguy cơ được hiệu chỉnh (adjusted hazard ratio – aHR) là 1,08, khoảng tin cậy (CI) 95% 0,96 đến 1,21, p = 0,18. Việc điều chỉnh được thực hiện đối với giới tính, năm sinh, quốc gia sinh, tuổi mẹ khi sinh và số lần sinh. Trẻ sinh ra sau FET có nguy cơ ung thư cao hơn (48 ca; IR 30,1/100.000 người mỗi năm) so với cả chuyển phôi tươi (IR 18,8/100.000 người mỗi năm), aHR 1,59, KTC 95% 1,15 đến 2,20, p = 0,005 và thụ thai tự nhiên, aHR 1,65, KTC 95% 1,24 đến 2,19, p= 0,001. Việc điều chỉnh đối với thai to, cân nặng khi sinh hoặc các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng đã làm giảm nhẹ mối liên quan. Ngoài ra, nguy cơ cao hơn của khối u biểu mô và khối u ác tính sau bất kỳ phương pháp hỗ trợ sinh sản nào và bệnh bạch cầu sau FET đã được quan sát.
 
Tóm lại, trong khi nguy cơ mắc bất kỳ bệnh ung thư nào không cao hơn ở trẻ sinh ra sau khi sử dụng ART thì trẻ sinh ra sau FET có nguy cơ mắc ung thư ở trẻ em cao hơn so với trẻ sinh ra sau chuyển phôi tươi và thụ thai tự nhiên. Tuy nhiên, các kết quả này nên được giải thích thận trọng vì số lượng trẻ em bị ung thư trong nhóm FET nhỏ. Mặc dù rủi ro tuyệt đối là thấp, nhưng những phát hiện này rất quan trọng khi xem xét việc sử dụng ngày càng nhiều chiến lược đông lạnh phôi toàn bộ. Thêm nữa, cần nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để làm sáng tỏ những kết quả này.
 
Nguồn: Sargisian N, Lannering B, Petzold M, Opdahl S, Gissler M, et al. (2022) Cancer in children born after frozen-thawed embryo transfer: A cohort study. PLOS Medicine 19(9): e1004078. https://doi.org/10.1371/journal.pmed.1004078

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK