Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 17-01-2023 8:48am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương
 
Công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology - ART), chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF) và chuyển phôi hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection – ICSI), đã phát triển kể từ khi em bé ra đời thông qua IVF vào năm 1978. Sự phát triển nhanh chóng của ART đã dẫn đến sự ổn định của kết quả thai kỳ và sự phổ biến công nghệ. Đồng thời, với sự phát triển của công nghệ phân tích di truyền, xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (preimplantation genetic testing – PGT), trong đó chẩn đoán di truyền được thực hiện từ phôi tiền làm tổ dựa trên kỹ thuật IVF đã ra đời. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân nữ điều trị ART ở Nhật Bản là 38 tuổi. Độ tuổi trung bình này tăng hàng năm và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng. Thể lệch bội, sự hiện diện của số lượng nhiễm sắc thể bất thường, trở nên phổ biến hơn rất nhiều khi tuổi mẹ ngày càng tăng. Xét nghiệm số lượng nhiễm sắc thể bất thường trong phôi được gọi là xét nghiệm di truyền tiền làm tổ phát hiện lệch bội (preimplantation genetic testing for aneuploidy - PGT-A), đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Việc tránh chuyển phôi lệch bội cũng có thể làm giảm tỷ lệ sẩy thai và được báo cáo là rút ngắn chu kỳ điều trị và tăng hiệu quả chi phí. Do đó, PGT-A được coi là có đủ giá trị và đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong điều trị ART, trong đó độ tuổi bệnh nhân điều trị ngày càng tăng. Sinh thiết lá nuôi phôi (Trophectoderm - TE), qua đó nhiều mẫu tế bào có thể được thu nhận trong giai đoạn phôi nang, và phân tích di truyền toàn diện với giải trình tự gen thế hệ mới (next‐generation sequencing - NGS) gần đây đã trở thành phương pháp chiếm ưu thế trong PGT-A. Trong PGT-A, đã có các ý kiến rất khác nhau về việc xử lý phôi khảm. Một nghiên cứu báo cáo rằng những đứa trẻ có karyotypes bình thường đã được sinh ra nhờ sự chuyển phôi nang khảm, trong khi một nghiên cứu khác kiểm tra toàn diện 1000 phôi khảm báo cáo rằng nhiều đứa trẻ đã được sinh ra. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho rằng phôi nang có ≥40% tế bào bất thường không nên được ưu tiên chuyển phôi do tỷ lệ thai diễn tiến thấp. Cũng có tranh luận rằng các yếu tố, chẳng hạn như đặc điểm của bệnh nhân và tỷ lệ phần trăm khảm, nên được xem xét khi xác định có nên chuyển phôi khảm hay không. Phôi khảm là kết quả của lỗi sau thụ tinh trong quá trình phân chia tế bào và do đó, có thể không bị ảnh hưởng ở tuổi; đúng hơn, phôi khảm có thể phát sinh từ kỹ thuật sinh thiết TE. Có báo cáo rằng kết quả phân tích khác nhau tùy theo trung tâm và tỷ lệ phù hợp của khảm xuất hiện bằng sinh thiết lại là thấp. Do đó, Yamato Mizobe và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu này nhằm xem xét sự khác biệt trong kỹ thuật sinh thiết TE ảnh hưởng như thế nào đến tần suất phôi khảm và kết quả phân tích. Nghiên cứu cũng đã đánh giá xem số lượng tế bào được thu nhận sau khi sinh thiết ảnh hưởng như thế nào đến kết quả phân tích NGS. Trong khi việc thu nhận quá ít tế bào làm tăng khả năng kết quả phân tích không chính xác, thì việc thu thập quá nhiều tế bào sẽ làm ảnh hưởng tới phôi. Phôi nang không có chất lượng cao đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Do đó, nghiên cứu đã xác định số lượng tế bào tối ưu sẽ được thu nhận.
 
Nghiên cứu bao gồm 4 nghiên cứu. Trong đó, nghiên cứu I là đánh giá tác động của sự khác biệt giữa các chuyên viên phôi học thực hiện đối với sự xuất hiện của thể khảm. Sinh thiết TE được thực hiện bằng phương pháp pulling. Nghiên cứu này bao gồm 144 phôi nang từ 26 bệnh nhân đồng ý huỷ phôi của họ từ năm 2015 đến năm 2019. Nghiên cứu này so sánh kết quả giữa ba chuyên viên phôi học thực hiện có hơn 5 năm kinh nghiệm và đã trải qua hơn 1 năm đào tạo về kỹ thuật sinh thiết. Nghiên cứu II là đánh giá ảnh hưởng của sự khác biệt trong kỹ thuật sinh thiết TE đối với sự xuất hiện của thể khảm. Trong nghiên cứu này, được thực hiện với tám phôi được sinh thiết bằng phương pháp pulling đã được phân tích trong nghiên cứu I, sau đó được sinh thiết lại bằng phương pháp flicking và kiểm tra xem liệu thể khảm có thay đổi hay không. Sau khi thực hiện sinh thiết bằng phương pháp pulling, các tế bào ngay lập tức được đông lạnh bởi CryoTip. Phương pháp flicking được sử dụng để sinh thiết lại sau 2–3 giờ nuôi cấy phục hồi sau rã đông. Nghiên cứu III đánh giá tác động của sự khác biệt về số lượng tế bào được thu nhận đối với sự xuất hiện của thể khảm. Sinh thiết được thực hiện bằng phương pháp pulling. Nghiên cứu cũng tiến hành xác định ngưỡng số lượng tế bào được thu nhận để dự đoán sự xuất hiện của thể khảm. Nghiên cứu này bao gồm 204 phôi nang từ 18 bệnh nhân đồng ý huỷ phôi (được nuôi cấy từ năm 2016 đến 2019). Nghiên cứu IV tiến hành thu nhận các tế bào theo giá trị ngưỡng ở trên (nghĩa là ≥5 tế bào) và so sánh tỷ lệ nguyên bội, khảm và lệch bội, cũng như số lượng tế bào được thu nhận giữa các lần sinh thiết được thực hiện bằng phương pháp pulling và phương pháp flicking và kiểm tra xem có sự khác biệt nào trong kết quả phân tích NGS giữa 2 phương pháp hay không. Nghiên cứu đã cố gắng thu thập ít nhất năm tế bào. Ngoài ra, các tế bào đã được thu nhận với hai hoặc nhiều chuyên viên phôi học để tránh lựa chọn tùy ý. Nghiên cứu này bao gồm 201 phôi nang từ 108 bệnh nhân đồng ý huỷ phôi (nuôi cấy từ năm 2020 đến 2021).
 
Kết quả cho thấy rằng, nghiên cứu I cho thấy không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ nguyên bội (14,8%–22,7%), thể khảm (14,8%–19,6%) hoặc lệch bội (60,6%–70,4%) giữa ba chuyên viên phôi học. Nghiên cứu II cho thấy thể khảm đã thay đổi trong tất cả các mẫu. Số lượng tế bào được thu nhận bằng phương pháp flicking (8,50 ± 2,27) cao hơn đáng kể so với phương pháp pulling (5,13 ± 0,99). Nghiên cứu III cho thấy số lượng tế bào được thu nhận cao hơn đáng kể trong nhóm Khảm (-) (6,06 ± 1,95) so với nhóm Khảm (+) (5,33 ± 1,53). Giá trị ngưỡng cho số lượng tế bào được thu nhận là năm. Nghiên cứu IV cho thấy số lượng tế bào được thu nhận không khác biệt đáng kể giữa các phương pháp pulling (6,76 ± 1,41) và flicking (7,33 ± 2,02). Cũng không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ nguyên bội (24,4%–26,9%), thể khảm (15,4%–15,6%) hoặc lệch bội (57,7%–60,0%) giữa hai phương pháp.
 
Nghiên cứu hiện tại đã chứng minh rằng nếu kỹ thuật sinh thiết TE và phân tích NGS ổn định, vị trí thu nhận tế bào có ảnh hưởng lớn hơn đến phân tích NGS so với kỹ thuật sinh thiết phôi. Phôi nên được nuôi cấy cho đến khi có thể thu được nhiều tế bào lá nuôi hơn (ít nhất là năm). Trong tương lai, về lĩnh vực này cần cố gắng tối ưu hóa quá trình nuôi cấy phôi, phương pháp sinh thiết và quy trình phân tích để thu được kết quả phân tích NGS ổn định hơn.
Tài liệu tham khảo: Yamato Mizobe, Yukari Kuwatsuru, Yuko Kuroki và cộng sự. The effects of differences in trophectoderm biopsy techniques and the number of cells collected for biopsy on next‐generation sequencing results. Reprod Med Biol. 2022.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK