Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 14-01-2023 3:03pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương
 
Thụ tinh trong ống nghiệm-chuyển phôi (In vitro fertilization-embryo transfer - IVF-ET) là công nghệ hỗ trợ sinh sản trong đó giao tử (tinh trùng và noãn) được thu nhận và thụ tinh trong điều kiện trong ống nghiệm để tạo thành phôi, sau đó phôi chất lượng tốt được chuyển vào tử cung để phát triển thành bào thai. Chuyển nhiều phôi dẫn đến tỷ lệ đa thai cao lên đến 20%. Mang đa thai có thể làm tăng nguy cơ kết quả thai kỳ bất lợi và gây nguy hiểm cho sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Chuyển đơn phôi có chọn lọc (Elective single embryo transfer- eSET) ngày càng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới như một phương pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ đa thai. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của SET bị hạn chế chủ yếu do thiếu các phương pháp khoa học đánh giá tiềm năng phát triển của phôi. Hiện nay, phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để lựa chọn phôi là đánh giá hình thái. Tuy nhiên, gần 50% phôi có hình thái tốt là thể lệch bội, điều này cho thấy chỉ riêng hình thái học là không đủ để đánh giá nhiễm sắc thể của phôi. Phôi lệch bội là nguyên nhân quan trọng làm giảm tỷ lệ có thai và tăng tỷ lệ sẩy thai trong thụ tinh ống nghiệm. Các nghiên cứu đã xác nhận rằng thể lệch bội có thể gây ra sự ngừng phát triển và thất bại trong quá trình làm tổ của phôi. Phôi thai lệch bội là nguyên nhân của hơn 50% ca sẩy thai. Trên lâm sàng, đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao tạo ra phôi lệch bội, chẳng hạn như phụ nữ lớn tuổi và phụ nữ đã từng bị sẩy thai nhiều lần hoặc thất bại trong quá trình làm tổ, một phương pháp giúp tránh chuyển phôi lệch bội là sử dụng xét nghiệm di truyền tiền làm tổ cho lệch bội (preimplantation genetic testing for aneuploidy - PGT-A) để phân tích số lượng bản sao nhiễm sắc thể trước khi chuyển phôi. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân không trải qua PGT-A trong chu kỳ chuyển phôi tươi và thất bại làm tổ hoặc sẩy thai sau khi chuyển phôi tươi, lựa chọn duy nhất là chọn phôi đông lạnh dựa trên đánh giá hình thái, không xác định được tình trạng nhiễm sắc thể. Đối với những bệnh nhân này, PGT-A của phôi đông lạnh yêu cầu một loạt quy trình bao gồm rã đông, sinh thiết và tái đông lạnh. Đặc biệt, sinh thiết phôi là xâm lấn. Bên cạnh đó, sinh thiết phôi đòi hỏi thiết bị đặc biệt và các chuyên gia được đào tạo bài bản và có thể có tác động tiêu cực đến khả năng phát triển và làm tổ của phôi. Ngoài ra, phải thực hiện theo dõi lâu dài do lo ngại về sự an toàn của em bé sinh ra liên quan đến chu kỳ sinh thiết. Do đó, nếu sự đa bội nhiễm sắc thể của phôi có thể được phát hiện bằng cách sàng lọc nhiễm sắc thể không xâm lấn (noninvasive chromosomal screening - NICS), thì sinh thiết phôi sau khi rã đông sẽ tránh được, điều này làm giảm khả năng làm hư hại phôi. Kể từ khi Stigliani và cộng sự (2013) lần đầu tiên phát hiện ra rằng phôi giải phóng DNA không có tế bào (cell‐free DNA - cfDNA) vào môi trường nuôi cấy trong quá trình nuôi cấy, PGT-A không xâm lấn sử dụng cfDNA đã trở thành điểm nóng nghiên cứu trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Đặc biệt, các nghiên cứu trên môi trường nuôi cấy phôi đông lạnh-rã đông cho thấy so với môi trường nuôi cấy phôi tươi, môi trường nuôi cấy phôi đông lạnh là vật liệu phù hợp hơn cho niPGT-A. Trong các nghiên cứu trước đây, sau khi phôi đông lạnh được rã đông và nuôi cấy trong 14–24 giờ, môi trường nuôi cấy hoặc hỗn hợp chất lỏng dịch khoang phôi và môi trường nuôi cấy được thu thập và mang lại tỷ lệ khuếch đại cfDNA thành công là 92,3–100%. Lấy kết quả toàn bộ phôi làm tiêu chuẩn vàng để so sánh, kết quả từ môi trường nuôi cấy có độ phù hợp cao và đạt độ chính xác 87–100%. Kuznyetsovet và cộng sự (2018) báo cáo rằng tỷ lệ phù hợp giữa kết quả NICS và kết quả toàn bộ phôi thậm chí còn cao hơn so với tỷ lệ giữa kết quả trophectoderm (TE) và kết quả toàn phôi (96,4% so với 87,5%). Tuy nhiên, thời gian rã đông và nuôi cấy phôi tương đối dài (14–24 giờ) trong các nghiên cứu trên so với thời gian trong các chu kỳ chuyển phôi trữ (thường là hai đến ba giờ). Ngoài ra, xem xét rằng một thử nghiệm về sự thay đổi số lượng bản sao (number variation  - CNV) cần 9 giờ, tổng thời gian nuôi cấy trong ống nghiệm sẽ là 23–33 giờ, quá lâu để phôi nang đông lạnh được chuyển phôi trong khoảng thời gian cửa sổ làm tổ tối ưu. Vì vậy, phương pháp áp dụng trong các nghiên cứu trên có thể làm giảm tỷ lệ làm tổ thành công và không phù hợp để áp dụng trong thực hành lâm sàng. Do đó, Rui Chen và cộng sự (2022) đã tiến hành nghiên cứu này nhằm sử dụng một phương pháp rã đông phôi và nuôi cấy có thể thực hiện được trên lâm sàng để chuyển đơn phôi phôi nang (single-blastocyst transfer - SBT) nhằm khám phá ứng dụng lâm sàng của NICS để chuyển đơn phôi phôi nang có chọn lọc (elective single-blastocyst transfer - eSBT) trong chu kỳ chuyển phôi trữ.
 
Nghiên cứu này đã phân tích hồi cứu dữ liệu của 212 ca chuyển phôi trữ với đơn phôi phôi nang được thực hiện tại trung tâm từ tháng 1 năm 2019 đến tháng 7 năm 2019. Phôi đông lạnh được chọn dựa trên các phân loại hình thái được rã đông và nuôi cấy trong 15–20 µL môi trường nuôi cấy trong 6 giờ sau khi rã đông. Các bệnh nhân được theo dõi để đánh giá kết quả lâm sàng. Trong khi đó, môi trường nuôi cấy vi giọt nhỏ đã qua sử dụng của các phôi nang đã được rã đông được thu nhận và đưa vào NICS. Sau đó, mối quan hệ giữa kết quả NICS và kết quả lâm sàng của bệnh nhân được so sánh để khám phá xem liệu kết quả NICS có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả tiềm năng phát triển của phôi đông lạnh-rã đông hay không.
Kết quả cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng, thai diễn tiến và sinh sống ở nhóm nguyên bội cao hơn đáng kể so với nhóm lệch bội (56,2% so với 29,4%) nhưng không khác biệt đáng kể so với tỷ lệ ở nhóm phôi bất thường hỗn hợp/phôi không có dữ liệu (chaotic abnormal/not available - NA) (56,2% so với 60,4 %). So với phôi nang ngày 6 (day6 - D6), phôi nang D5 có tỷ lệ nguyên bội khác biệt không đáng kể (40,4% so với 48,1%, P = 0,320) nhưng làm tăng đáng kể tỷ lệ thai lâm sàng (57,7% so với 22,2%, P < 0,001), tỷ lệ thai diễn tiến (48,1% so với 14,8%, P < 0,001) và tỷ lệ sinh sống (48,1% so với 13,0%, P < 0,001). Tỷ lệ nhóm phôi bất thường hỗn hợp/NA ở phôi D5 cao hơn đáng kể so với phôi D6 (30,1% so với 11,1%, P = 0,006). Tỷ lệ phôi lệch bội cao hơn ở những phôi có chất lượng hình thái thấp hơn (21,5% ở những phôi “tốt” so với 34,6% ở những phôi “khá” so với 46,0% ở những phôi “kém”, P = 0,013); tương ứng thì tỷ lệ thai lâm sàng, thai diễn tiến và tỷ lệ sinh sống nói chung cho thấy sự sụt giảm tương tự.
 
Nghiên cứu này là nghiên cứu lâm sàng hồi cứu quy mô lớn đầu tiên để phân tích mối quan hệ giữa kết quả NICS và kết quả lâm sàng ở những bệnh nhân được chuyển phôi trữ đơn phôi phôi nang được lựa chọn dựa trên chất lượng hình thái. Kết quả cho thấy trong thực hành lâm sàng, phôi đông lạnh có thể được rã đông và nuôi cấy trong 15–20 µL môi trường nuôi cấy trong 6 giờ, và môi trường nuôi cấy được thu thập cho NICS trước khi chuyển phôi. Kết quả lâm sàng của những bệnh nhân được chuyển phôi bình thường tốt hơn đáng kể so với những bệnh nhân được chuyển phôi lệch bội nhưng không khác biệt so với những bệnh nhân được chuyển phôi bất thường hỗn hợp/NA. Phôi tối ưu cho SBT là “phôi nguyên bội có hình thái tốt”, tiếp theo tuần tự là “phôi bất thường hỗn hợp/phôi NA có hình thái tốt”, “phôi nguyên bội có hình thái khá” và “phôi bất thường hỗn hợp/phôi NA có hình thái khá”. Nghiên cứu cho thấy rằng, NICS kết hợp với đánh giá hình thái có thể được sử dụng trên lâm sàng để chọn phôi nang để chuyển trong các chu kỳ chuyển phôi trữ và là một công cụ hiệu quả để hướng đến chuyển phôi trữ SBT.
 
Tài liệu tham khảo: Rui Chen, Ni Tang, Hongzi Du và cộng sự. Clinical application of noninvasive chromosomal screening for elective single-blastocyst transfer in frozen-thawed cycles. J Transl Med. 2022.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK