Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 17-01-2023 8:46am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trần Nhật Ánh Dương - IVFMD Tân Bình

Giới thiệu
Đông lạnh mô buồng trứng (ovarian tissue cryopreservation - OTC) sau đó cấy ghép tự thân đã nổi lên như một lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản đầy hứa hẹn. Gần đây, giải pháp đông lạnh mô buồng trứng kết hợp với nuôi trưởng thành noãn non in vitro (in-vitro maturation - IVM) đã được thực hiện và mang đến những ưu điểm vượt trội hơn, giúp giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh ung thư, tăng tính an toàn và tăng thêm cơ hội để thu nhận noãn trưởng thành (MII) để bảo tồn khả năng sinh sản cho những bệnh nhân điều trị ung thư.
 
Trong nghiên cứu hồi cứu trước đây của nhóm tác giả đã chứng minh rằng IVM kết hợp với OTC ở những bệnh nhân bảo tồn khả năng sinh sản, ngay cả ở trẻ em chưa có kinh nguyệt, mang lại một lượng noãn tương đối có sẵn cho IVM và đông lạnh để sử dụng trong tương lai. Tuy nhiên, một nghiên cứu lại nhận thấy ở nhóm bệnh nhân tuổi rất nhỏ (dưới 6 tuổi), tỷ lệ trưởng thành noãn giảm đáng kể, khiến thủ thuật này trở nên bị hạn chế ở nhóm tuổi này. Bên cạnh đó, khả năng trưởng thành in-vitro của noãn liên quan đến tuổi tác vẫn chưa được phân tích một cách cụ thể. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này nhằm khảo sát khả năng trưởng thành in-vitro của noãn được thu nhận trong quá trình OTC theo từng độ tuổi.
 
Thiết kế nghiên cứu:
Tham gia nghiên cứu gồm 133 bệnh nhân nữ ở độ tuổi 1-35 được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và chưa từng thực hiện hoá xạ trị. Họ được tư vấn về vấn đề bảo tồn khả năng sinh sản và quyết định phẫu thuật cắt và đông lạnh mô buồng trứng (một phần hoặc toàn bộ buồng trứng). Những bệnh nhân này được chia thành sáu nhóm theo độ tuổi thực hiện OTC: (1) 1–5 tuổi; (2) 6 tuổi –  bắt đầu có kinh nguyệt; (3) có kinh nguyệt đến 17 tuổi; (4) 18–24 tuổi; (5) 25–29 tuổi; (6) 30–35 năm. Sau đó tiến hành ghi nhận và so sánh tỉ lệ trưởng thành noãn (tỉ lệ IVM) và số lượng noãn MII thu nhận được ở mỗi nhóm.
 
Quy trình: Tiến hành cắt toàn bộ buồng trứng hoặc một phần buồng trứng bằng thủ thuật nội soi. Sau đó, mô được đặt trong môi trường thích hợp rồi chuyển ngay đến phòng thí nghiệm liền kề để kiểm tra và xử lý mô. Vùng mô vỏ buồng trứng được tách khỏi vùng tủy, rửa sạch bằng môi trường sau đó cắt thành từng mảnh nhỏ 5 mm2 và thực hiện đông lạnh mảnh mô. Các khối phức hợp noãn-cumulus (Oocyte-Cumulus Complex – OCC) sẽ được thu nhận bằng cách chọc hút qua các nang nhỏ có chứa dịch trên vùng vỏ buồng trứng và trong phần môi trường còn sót lại sau khi xử lý mô buồng trứng. Các khối OCC được tìm thấy sẽ được rửa sạch và ủ trong môi trường nuôi cấy để thực hiện IVM. Sau 24 giờ nuôi cấy, các khối OCC sẽ được tách để loại bỏ tế bào hạt xung quanh nhằm đánh giá mức độ trưởng thành của noãn. Trường hợp noãn chưa trưởng thành sẽ được nuôi cấy thêm 24 giờ để đánh giá lại. Cuối cùng, các noãn MII sẽ được trữ lạnh.
 
Kết quả:
Kết quả nhận thấy một sự khác biệt đáng kể về số lượng noãn MII, tỷ lệ bệnh nhân thu nhận được noãn MII và tỷ lệ IVM giữa các nhóm tuổi, từ nhóm rất trẻ (1–5 tuổi) và lớn tuổi (30–35 tuổi), so với nhóm 18–24 tuổi (p < 0,001). Cụ thể như sau: Tế bào noãn ở nhóm nhỏ tuổi nhất (1–5 tuổi) có tỷ lệ trưởng thành in-vitro thấp, với số lượng noãn MII trung bình ở bệnh nhân dưới 6 tuổi là 0,4 và tỷ lệ IVM là 4,6%. Số lượng noãn MII và tỷ lệ IVM tăng dần theo độ tuổi, 23,8% (6 tuổi –  bắt đầu có kinh nguyệt) và 28,4% (từ khi có kinh đến 17 tuổi), tỉ lệ này đạt đỉnh ở nhóm 18–24 tuổi (số lượng noãn MII trung bình là 3,6 và tỉ lệ IVM là 38,1%). Nhưng từ sau nhóm tuổi này, kết quả nhận thấy tỷ lệ IVM giảm đột ngột ở nhóm 25–29 tuổi (19,3%) và cực kỳ thấp (8,9%) ở nhóm 30–35 tuổi.
 
Kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng độ tuổi tối ưu để thực hiện IVM đạt hiệu quả tối đa (được thể hiện bằng tỷ lệ IVM cao nhất) là từ khi bắt đầu có kinh nguyệt đến 25 tuổi (tỷ lệ trưởng thành noãn là 29–38%), trong khi ở các bé gái chưa có kinh nguyệt (đặc biệt là dưới 6 tuổi) và phụ nữ từ 30 tuổi trở lên tỷ lệ IVM cực kỳ thấp (<10%).  Điều này cũng được ghi nhận ở các thông số kết quả khác, chẳng hạn như số lượng noãn MII, tỉ lệ bệnh nhân thu nhận được noãn MII và tỉ lệ trường thành noãn trung bình trong mỗi nhóm tuổi.
 
Từ những kết quả này cũng cho thấy khả năng trưởng thành của các tế bào noãn non thấp ở trẻ em chưa có kinh nguyệt. Mặc dù lý do cụ thể của vấn đề này vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng, nhưng một số giả thiết cho rằng sự thay đổi này có thể bắt nguồn từ những thay đổi thượng di truyền xảy ra trong tế bào noãn theo độ tuổi (Wasserzug-Pash và Klutstein, 2019) và biểu hiện gen khác biệt theo từng độ tuổi (Reyes và cộng sự, 2017). Phát hiện này cũng đã cho thấy việc xử lý và nuôi cấy noãn từ trẻ dưới 6 tuổi và phụ nữ lớn tuổi nên được thực hiện bằng một quy trình khác chứ không phải là quy trình IVM tiêu chuẩn đang được sử dụng hiện nay. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn về các cơ chế và sinh lý khác nhau liên quan đến sự trưởng thành của noãn ở những nhóm tuổi này để có thể phát triển quy trình, giải pháp phù hợp cho bệnh nhân ở các nhóm tuổi này.
 
Kết luận:
Tóm lại, khả năng trưởng thành noãn trong ống nghiệm thu được trong quá trình OTC có liên quan đến độ tuổi của bệnh nhân. Hiệu quả IVM tối ưu là từ khi có kinh nguyệt cho đến 25 tuổi. Trẻ em chưa có kinh nguyệt và phụ nữ trên 30 tuổi có tỷ lệ thành công IVM rất thấp. IVM noãn non được thu nhận từ những bệnh nhân ở các nhóm tuổi này nên được xem xét cẩn thận về hiệu quả và nghiên cứu phương pháp thay thế mới khả thi hơn.
 
Nguồn: Karavani, G., Wasserzug-Pash, P., Mordechai-Daniel, T., Bauman, D., Klutstein, M., & Imbar, T. (2021). Age-Dependent in vitro Maturation Efficacy of Human Oocytes–Is There an Optimal Age?. Frontiers in Cell and Developmental Biology9, 1638.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK