Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 18-02-2023 8:19am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Võ Minh Tuấn– IVFMD Tân Bình

Trên toàn cầu, ước tính có hàng triệu người bị vô sinh, và công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) đem lại hy vọng mới cho những cặp vợ chồng với mong muốn trở thành cha mẹ. Tuy nhiên, có tới 60% những người này đã từ bỏ điều trị trước khi mang thai vì nhiều lý do. Khi xem xét các lý do dẫn đến việc ngừng điều trị, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress là một nguyên nhân quan trọng, nhưng tỷ lệ của các tác nhân gây căng thẳng và phản ứng với căng thẳng, cấp tính hoặc mãn tính, vẫn chưa rõ ràng.
 
Trong tổng quan hệ thống này đã đánh giá các đặc điểm, mức độ phổ biến và nguyên nhân dẫn đến stress làm các cặp vợ chồng quyết định dừng lại khi đang điều trị ART. Cơ sở dữ liệu điện tử đã tìm kiếm một cách có hệ thống và tổng hợp các nghiên cứu. Mười hai nghiên cứu đã được đưa vào, với 15.264 người tham gia từ tám quốc gia. Tuổi trung bình của phụ nữ là 34 tuổi, thời gian vô sinh trung bình là 5,7 năm và số chu kỳ điều trị trung bình của mỗi cặp vợ chồng là 2,1. Tỷ lệ stress dao động từ 11%–53% trong các nghiên cứu, khi các kết quả được gộp lại, thì “ căng thẳng” được coi là lý do khiến 743 trong số 2.416 người tham gia ngừng điều trị ART (chiếm 30,8%).
 
Về nguyên nhân chính gây căng thẳng trong quá trình điều trị, một bảng câu hỏi được trả lời bởi 127 phụ nữ từ một trung tâm IVF ở Hoa Kỳ cho rằng đó là do “tình trạng vô sinh ảnh hưởng quá lớn đến mối quan hệ của 2 vợ chồng”, “quá lo lắng, chán nản để tiếp tục”, “khó khăn để đến trung tâm IVF thường xuyên”, “bệnh nhân cho rằng đã cho IVF cơ hội tốt nhất của mình”, và “không thể chịu được tác dụng phụ của thuốc”. Tuổi của người phụ nữ cùng với số lượng noãn thu được và số lượng phôi hữu dụng để chuyển là những yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của điều trị. Trong bối cảnh này, tuổi cao tự nó đã là một nguyên nhân gây căng thẳng ở những bệnh nhân này, điều này càng trầm trọng hơn ở những người có dự trữ buồng trứng giảm. Bảo tồn khả năng sinh sản thông qua “đông lạnh noãn” là một giải pháp thay thế và giảm áp lực thời gian cho những bệnh nhân này. Tuy nhiên, việc bảo tồn khả năng sinh sản của phụ nữ vẫn đòi hỏi các quy trình phức tạp, tốn kém và đôi khi gây đau đớn, có thể gây căng thẳng cho bệnh nhân. Ngoài ra, các cặp vợ chồng có vấn đề về khả năng sinh sản có thể trải qua các trạng thái đau khổ, suy sụp về tinh thần không chỉ liên quan đến tình trạng lâm sàng mà còn liên quan đến các phương pháp điều trị. Các thay đổi về tâm lí tùy thuộc vào niềm tin cá nhân, áp lực từ gia đình, bạn bè và xã hội khi trở thành cha mẹ cũng như việc phải đối mặt với tình trạng không có con, những yếu tố này gây tổn thương và thách thức ở các cặp vợ chồng. Yếu tố cuối cùng dẫn đến việc chấm dứt điều trị có thể là do những kỳ vọng thành công không thực tế và không có khả năng tiếp nhận với thất bại điều trị. Nhiều cặp vợ chồng tự tin bước vào điều trị nhưng cuối cùng lại rơi vào tuyệt vọng sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm không thành công. Việc nhận ra rằng tỷ lệ sinh sống thường dưới 50% mỗi chu kỳ điều trị ART, cộng với chi phí điều trị cao, góp phần làm tăng thêm căng thẳng tâm lý của bệnh nhân. Chi phí tài chính cũng là một yếu tố gây căng thẳng vì ở nhiều hệ thống y tế của các quốc gia khác nhau, các phương pháp điều trị ART không được bảo hiểm hỗ trợ. Do đó, các yếu tố đến từ lâm sàng như: tiên lượng xấu ảnh hưởng đến kết quả điều trị (tuổi cao làm tăng nỗi sợ thất bại) - được cho là yếu tố gây stress quan trọng; sự khó chịu, đau đớn về thể chất do quy trình điều trị; các áp lực đến từ nhu cầu của gia đình, áp lực thời gian và gánh nặng kinh tế cũng được cho là những yếu tố gây căng thẳng.
 
Nghiên cứu có điểm mạnh là đánh giá khá đồng nhất về mục tiêu, tiêu chí thu nhận, định nghĩa, công cụ thu thập dữ liệu và kết quả. Tuy nghiên, hạn chế chính trong đánh giá này là thiếu các nghiên cứu với phương pháp đánh giá, định lượng mức độ căng thẳng của những người tham gia. Các nghiên cứu này dù xác định được mối liên quan giữa căng thẳng và việc ngừng điều trị ART, nhưng không đánh giá liệu các biện pháp can thiệp giảm căng thẳng có làm giảm tỷ lệ ngừng điều trị ART hay không.
 
Tóm lại, khoảng 1/3 số người quyết định ngừng điều trị ART là do stress liên quan đến thất bại điều trị (hoặc sợ thất bại), khó chịu về thể chất, áp lực gia đình, hạn chế về thời gian và gánh nặng kinh tế. Vì không thể tránh khỏi các yếu tố này, nên các biện pháp hỗ trợ tâm lý nên được sử dụng giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn đối phó với căng thẳng và giảm bớt nỗi đau tinh thần. Bệnh nhân cần được cung cấp thông tin đầy đủ, thảo luận về các mối quan tâm trong điều trị và nhận được hướng dẫn về các kết quả xấu có thể xảy ra. Cần có các nghiên cứu sâu hơn để xem liệu các biện pháp can thiệp giảm căng thẳng có thể ngăn ngừa tình trạng này hay không và có giúp cải thiện tỷ lệ sinh sống tích lũy ở nhóm những bệnh nhân này.
 
Nguồn: Sousa, E., Nery, S. F., Casalechi, M., Thimóteo, L. C., Paiva, S. P., Silva-Filho, A. L., & Reis, F. M. (2023). Characteristics, prevalence, and sources of “stress” in individuals who decide to discontinue assisted reproductive technology treatments: A systematic review. Reproductive BioMedicine Online.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK