Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 15-03-2023 8:49am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Duy Khang – IVF Vạn Hạnh

GIỚI THIỆU
Sự phổ biến của hỗ trợ sinh sản trong ba thập kỷ qua được thúc đẩy bởi sự phát triển của các quy trình và kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại rằng một số công nghệ hoặc quy trình có thể làm tăng nguy cơ dị tật sản khoa, chu sinh và bẩm sinh. Trong bối cảnh này, có sự gia tăng các mối lo ngại về ảnh hưởng bất lợi đối với trẻ được sinh ra sau khi thu nhận mẫu tế bào cho xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (preimplantation genetic testing - PGT). PGT được thực hiện để phát hiện các rối loạn di truyền và dị bội trong phôi nhằm tránh chuyển một phôi bất thường về nhiễm sắc thể. Có ba phương pháp xâm lấn khác nhau được thực hiện để thu nhận các tế bào, gồm: sinh thiết thể cực, sinh thiết phôi bào và sinh thiết tế bào lá nuôi (TE).
 
Ảnh hưởng tiềm ẩn của sinh thiết phôi
Phôi động vật có vú được chứng minh có khả năng tự điều chỉnh sự mất tế bào mà không ảnh hưởng đến sự phát triển sau khi làm tổ và sau khi sinh. Tuy nhiên, ở người, sự an toàn của quy trình vẫn còn là một mối lo ngại. Sinh thiết thể cực có thể ít gây xâm lấn hơn. Tuy nhiên, đây là một quy trình khắt khe và tốn thời gian, chỉ cung cấp thông tin di truyền của mẹ.
 
Sinh thiết phôi ở giai đoạn phôi phân chia đòi hỏi phải thu nhận phôi bào ở giai đoạn đầu thông qua quy trình xâm lấn. Sự mất phôi bào ở giai đoạn phát triển ban đầu do quá trình trữ lạnh đã được báo cáo là có liên quan đến số lượng tế bào thấp hơn trong phôi nang.
 
Sinh thiết phôi nang, được đặc trưng bởi việc thu nhận 5-10 tế bào TE mà không ảnh hưởng đến ICM, đã được chứng minh là an toàn hơn so với sinh thiết phôi bào. Do đó, phương pháp này đang dần thay thế phương pháp sinh thiết thể cực và giai đoạn phôi phân chia. Tuy nhiên, ảnh hưởng thực sự của sinh thiết TE vẫn chưa rõ ràng. Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng duy nhất được thiết kế để đánh giá tính an toàn của quy trình sinh thiết TE, được thực hiện bằng cách loại bỏ tối đa năm tế bào, đã chứng minh tính an toàn của quy trình này, xét về tỷ lệ làm tổ và trẻ sinh sống. Bên cạnh đó, β-hCG của mẹ được sản xuất bởi các tế bào lá nuôi nên sinh thiết TE có thể ảnh hưởng đến sự tiết β-hCG. Nồng độ β-hCG huyết thanh vào ngày thứ 12 sau khi chuyển phôi nang sinh thiết thấp hơn đáng kể so với chuyển phôi nang không sinh thiết trong chu kỳ chuyển phôi trữ.
 
Ảnh hưởng gây nhiễu của nguyên nhân vô sinh
Nhiều nghiên cứu đã đánh giá ảnh hưởng của sinh thiết phôi mà không phân biệt giữa PGT-M, PGT-SR và PGT-A. Mặc dù quy trình kỹ thuật được thực hiện tương tự nhau nhưng các chỉ định lại khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất về đặc điểm của bệnh nhân.
 
Ảnh hưởng gây nhiễu của quá trình trữ lạnh phôi
Việc phân tích kết quả di truyền của mẫu sinh thiết đòi hỏi thời gian. Do đó, phôi sau sinh thiết được trữ lạnh và rã đông trước khi chuyển. Tuy nhiên, trữ lạnh đã được báo cáo là có khả năng ảnh hưởng đến kết quả sản khoa và chu sinh. Bằng chứng gần đây cho thấy nguy cơ tiền sản giật cao hơn ở những phụ nữ mang thai sau chuyển phôi trữ so với chuyển phôi tươi. Nghiên cứu khác cũng đã chứng minh phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang được chuyển phôi trữ có nguy cơ sinh con to so với tuổi thai khi mang thai đơn và nguy cơ tiền sản giật cao hơn khi mang thai đôi.
 
PHƯƠNG PHÁP:
Tổng quan này phân tích dữ liệu từ tất cả các nghiên cứu được xuất bản cho đến 04/2021 trên PubMed, Embase, và Thư viện Cochrane. Nghiên cứu xem xét dữ liệu các trường hợp mang thai sau chuyển phôi trữ và phôi tươi từ phôi sinh thiết so với phôi không sinh thiết, từ các báo cáo ca bệnh và loạt ca.
 
KẾT QUẢ:
 Kết cục sản khoa:
Sinh non: Ở bệnh nhân chuyển đơn phôi, chuyển phôi sinh thiết có tỷ lệ sinh non trước 37 tuần tăng nhẹ so với phôi nang không sinh thiết (95% KTC, 1,09–1,33).
Rối loạn tăng huyết áp thai kỳ: Các nghiên cứu đánh giá mối liên quan giữa sinh thiết TE và tăng huyết áp thai kỳ cho kết quả mâu thuẫn. Nguy cơ tiền sản giật tăng đáng kể (gấp 3 lần) của phôi sinh thiết so với phôi không sinh thiết (P=0,02). Mặc khác, không có sự khác biệt về tăng huyết áp thai kỳ giữa hai nhóm. Nghiên cứu khác cho thấy nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ cao hơn đáng kể khi sinh thiết (95% KTC, 1,07–3,52). Tuy nhiên, 3 nghiên cứu khác không tìm thấy sự khác biệt đáng kể sau khi chuyển phôi nang trữ lạnh đã sinh thiết và không sinh thiết.
 
Bất thường nhau thai: Bốn nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ bất thường nhau thai, chẳng hạn như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.
 
Đái tháo đường thai kỳ: Các nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.
 
Kết cục chu sinh:
Cân nặng khi sinh: Trong tám nghiên cứu, tỷ lệ nhẹ cân và rất nhẹ cân ở trẻ sinh đơn thai hoặc đa thai không khác nhau.
 
Thai nhỏ hoặc lớn so với tuổi thai: Hai nghiên cứu hồi cứu đã báo cáo không có sự khác biệt giữa hai nhóm phôi có hoặc không có sinh thiết đối với các chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh.
 
Hồi sức sơ sinh: Phân tích tỷ lệ nhập viện vào đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU) sau khi sinh chỉ ra rằng trẻ sinh ra sau khi sinh thiết phôi nang không phải nhập viện thường xuyên hơn trong giai đoạn sơ sinh so với nhóm chứng.
 
Kết cục lâu dài:
Kết quả thần kinh: Kết quả thần kinh đã được đánh giá ở trẻ em từ 18 tháng đến 9 tuổi. Mối liên hệ tiêu cực giữa sinh thiết phôi cho PGT-A và các tình trạng thần kinh không tồn tại. Điểm số tối ưu thần kinh (neurological optimality score) tương tự nhau giữa trẻ từ phôi được sinh thiết cho PGT-A và nhóm đối chứng.
 
Kết quả huyết áp và nhân trắc học: Không có sự khác biệt về các dị tật, bất thường ở trẻ 2 tuổi được sinh ra từ phôi sinh thiết và nhóm đối chứng. Ngoài ra, sinh thiết phôi không ảnh hưởng đến huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, các chỉ số nhân trắc học cũng như cân nặng, chiều cao, BMI, chu vi vòng đầu/vòng eo ở trẻ 4 tuổi và 9 tuổi.
 
Phát triển tinh thần, thần kinh vận động và nhận thức: Không có sự khác biệt giữa hai nhóm ở trẻ em 2 tuổi, trẻ 4 đến 6 tuổi và 9 tuổi. Bên cạnh đó, sự chậm phát triển không được quan sát thấy ở trẻ sinh ra sau khi sinh thiết cho PGT-M và PGT-A.
 
THẢO LUẬN: Việc đánh giá các kết quả bất lợi có thể xảy ra cho mẹ và con sau khi điều trị sinh thiết là mục tiêu chính của đánh giá này. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa sinh thiết phôi với sinh non trong sinh thiết TE. Bên cạnh đó, nguy cơ tiền sản giật và rối loạn tăng huyết áp thai kỳ đều tăng. Ngược lại, không có mối liên quan giữa sinh thiết phôi với bất thường nhau thai, đái tháo đường thai kỳ, thai to hơn so với tuổi thai.
 
Tương lai của sinh thiết phôi: Thách thức mới trong việc phát triển PGT là phương pháp tiếp cận không xâm lấn (niPGT), phân tích DNA tự do thu được từ môi trường nuôi cấy đã sử dụng nhằm hạn chế tất cả các khiếm khuyết có thể xảy ra liên quan đến sinh thiết phôi. Những lợi ích tiềm năng của chiến lược này: ngăn chặn nguy cơ tổn thương cho phôi, phương pháp đầy hứa hẹn cho các quốc gia mà pháp luật không cho phép sinh thiết phôi, trình độ chuyên môn thấp hơn.
 
KẾT LUẬN: PGT vẫn là một trong những quy trình gây tranh cãi gay gắt nhất của y học sinh sản. Bài đánh giá này tìm thấy mối quan hệ của sinh thiết TE với nguy cơ rối loạn tăng huyết áp thai kỳ và kết cục chu sinh bất lợi.
 
Nguồn: Alteri, A., Cermisoni, G. C., Pozzoni, M., Gaeta, G., Cavoretto, P. I., & Viganò, P. (2023). Obstetric, neonatal, and child health outcomes following embryo biopsy for preimplantation genetic testing. Human Reproduction Update.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK