Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 28-03-2023 11:25am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFMD Tân Bình, Bệnh viện Mỹ Đức
 
Vô tinh (Azoospermia) là tình trạng không tìm thấy tinh trùng trong mẫu tinh dịch sau xuất tinh, được phân loại thành vô tinh do tắc nghẽn (Obstructive azoospermia - OA) và không do tắc nghẽn (Nonobstructive azoospermia - NOA). Ở nhóm NOA, sự sinh tinh không hoàn toàn ngưng lại mà vẫn diễn ra ở một khu vực nhỏ trong tinh hoàn. Với lý thuyết đó, bác sĩ có thể thu tinh trùng từ tinh hoàn bằng phương pháp vi phẫu (Microdissection Testicular Sperm Extraction - mTESE) kết hợp với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection - ICSI) để tạo phôi. Đây được xem là lựa chọn hàng đầu cho nhóm bệnh nhân vô tinh không do tắc nghẽn. Kỹ thuật mTESE giúp tăng tỉ lệ thu hồi tinh trùng và giảm nguy cơ tổn thương lên tinh hoàn so với các phương pháp thủ thuật tinh trùng trước đây. Nguyên tắc của mTESE là sinh thiết những ống sinh tinh mà sự sinh tinh vẫn còn hoạt động và những ống này thường lớn và mờ hơn những ống sinh tinh khác qua siêu âm.

So với những kỹ thuật khác, như IVF cổ điển (Conventional in vitro fertilization) hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intrauterine Insemination - IUI) mà khả năng thành công phụ thuộc nhiều vào khả năng di động và số lượng tinh trùng, đối với nhóm sử dụng tinh trùng từ kỹ thuật mTESE, tinh trùng thường có số lượng ít và khả năng di động kém, những bệnh nhân này thường sẽ thực hiện ICSI. ICSI là kỹ thuật tiêm một tinh trùng vào bào tương noãn, giải quyết được những hạn chế như yêu cầu số lượng tinh trùng nhiều hay tinh trùng di động tốt. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn tinh trùng vẫn là vấn đề rất chủ quan và có thể khác nhau giữa các chuyên viên phôi học và giữa các trung tâm thụ tinh ống nghiệm trên toàn thế giới. Sự lựa chọn tinh trùng di động hay bất động được cho là liên quan đến việc tinh trùng còn sống hay chết sau khi thu được từ tinh hoàn. Một số nghiên cứu bổ sung pentoxifylline để tăng độ chuyển động của tinh trùng tinh hoàn nhằm hỗ trợ lựa chọn tinh trùng có khả năng di động, nếu di động thì đó là tinh trùng còn sống. Hiện nay, số lượng nghiên cứu đánh giá các đặc điểm tinh trùng thu được sau mTESE đối với kết quả ICSI vẫn còn hạn chế.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tỉ lệ  thụ tinh và tỉ lệ thai lâm sàng dựa trên các đặc điểm tinh trùng thu được từ mô tinh hoàn (mTESE) trên nhóm vô sinh nam không do tắc nghẽn (NOA) thực hiện ICSI.

Thiết kế nghiên cứu
Đây là nghiên cứu hồi cứu trên nhóm nam giới vô tinh không do tắc, thực hiện thu nhận tinh trùng từ thủ thuật mô tinh hoàn bằng phương pháp mTESE từ năm 2013 đến năm 2016. Những bệnh nhân sau khi thực hiện mTESE, tìm thấy tinh trùng và đủ chất lượng để thực hiện ICSI. Nghiên cứu ghi nhận các đặc điểm như khả năng di động (di động và không di động) và hình dạng tinh trùng (đánh giá hình dạng đầu, cổ, đuôi và dạng acrosome bất thường hay bình thường). Việc thu nhận tinh trùng sau thủ thuật mô tinh hoàn được cho là thành công nếu tìm thấy ít nhất một trùng trên mỗi quang trường. Những tinh trùng chỉ có đầu hoặc chỉ có đuôi, hoặc đuôi quá ngắn sẽ bị loại bỏ, không dùng để tiêm vào bào tương noãn. Những tinh trùng hai đầu hoặc hai đuôi, hoặc kích thước đầu to quá ngưỡng bình thường cũng bị loại bỏ.

Các kết quả đo lường chính là tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ thai lâm sàng. Trong đó, thụ tinh thành công được định nghĩa là sự xuất hiện của hai tiền nhân (2PN) và có thai lâm sàng được định nghĩa là có tim thai trên siêu âm sau 6 tuần thai. Tất cả phân tích được thực hiện với phần mềm Stata v16, sử dụng các mô hình hồi quy tuyến tính và logistic đa biến. Tỉ lệ chênh lệch (OR) được báo cáo với khoảng tin cậy (CI) 95%. Ý nghĩa thống kê được xác định là P <0,05.

Kết quả
Có tất cả 198 nam giới vô tinh không do tắc đã được tiến thành phẫu thuật tìm tinh trùng từ kỹ thuật mTESE. Tuổi trung bình của các bệnh nhân và vợ của họ lần lượt là 35 ± 8 và 31 ± 5 tuổi. Tỉ lệ thụ tinh trung bình là 44%, tỉ lệ có thai lâm sàng là 38%.

Nhìn chung, những trường hợp không có tinh trùng di động sau mTESE và đầu tinh trùng có nhiều bất thường có liên quan đến tỉ lệ thụ tinh giảm và tỉ lệ thai lâm sàng thấp sau phân tích đơn biến. Theo phân tích đa biến, những bệnh nhân sau thủ thuật thu được tinh trùng di động có tỉ lệ thụ tinh cao hơn và khả năng có thai lâm sàng tăng (4,37; khoảng tin cậy 95%, 1,61-11,85). Những bất thường đầu tinh trùng liên quan đến giảm tỉ lệ có thai lâm sàng (0,40; khoảng tin cậy 95%, 0,18-0,85). Nghiên cứu ghi nhận không có bất kỳ bất thường đầu cụ thể của tinh trùng ngăn cản sự thụ tinh hay có thai thai lâm sàng. Nhóm nam giới có tinh trùng đánh giá acrosome bình thường có tỉ lệ thụ tinh và có thai lâm sàng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm được đánh giá acrosome bất thường (49% so với  35%, p<0,01 và 44% so với 27%). Việc tiêm tinh trùng có bất thường đầu, cổ hoặc đuôi không có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thụ tinh và tỉ lệ thai lâm sàng.

Nghiên cứu vẫn còn hạn chế bởi tính chất thực hiện hồi cứu, có thể có sai lệch về đánh giá đặc điểm tinh trùng giữa các cá nhân khác nhau.

Kết luận
Đây là nghiên cứu toàn diện đầu tiên đánh giá tầm quan trọng của các đặc điểm tinh trùng và tác động của chúng đến kết quả ICSI ở nam giới vô tinh không do tắc. Kết quả cho thấy không có bất thường cụ thể nào, bao gồm việc sử dụng tinh trùng không di động hoặc có hình thái bất thường từ mô tinh hoàn, ngăn cản sự thụ tinh và cản trở khả năng có thai. Do đó, ở nhóm bệnh nhân phải thủ thuật tinh hoàn thu tinh trùng, việc sử dụng tinh trùng có nhiều bất thường đầu và không di động vẫn có cơ hội mang thai.

Nguồn: Aboukhshaba, A., Punjani, N., Doukakis, S., Zaninovic, N., Palermo, G., & Schlegel, P. N. Testicular sperm characteristics in men with nonobstructive azoospermia and their impact on intracytoplasmic sperm injection outcome. Fertility and Sterility. 2022; 117(3), 522-527.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK