Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 28-03-2023 11:27am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh, IVFMD Tân Bình – Bệnh viện Mỹ Đức
 
Ngày nay, công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technologies - ART) đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho các cặp đôi sau một thời gian không sử dụng phương pháp tránh thai nhưng vẫn chưa có con. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiếm muộn như lớn tuổi, bất thường noãn, bất thường nội mạc tử cung ở nữ giới, tinh trùng chất lượng kém hoặc chưa rõ nguyên nhân. Trong đó, vô sinh do yếu tố nam chiếm khoảng 1/3 các nguyên nhân (33,3%) bên cạnh yếu tố do nữ và chưa rõ nguyên nhân. Các nguyên nhân vô sinh do yếu tố nam giới có thể kể đến như số lượng tinh trùng ít, khả năng di động kém, hình dạng bất thường dẫn đến khả năng thụ thai thấp ở nhóm xuất tinh bình thường. Hoặc khi người nam mắc các bệnh như viêm tuyến tiền liệt, viêm bao quy đầu, viêm tinh hoàn cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng. Bên cạnh đó, tắc nghẽn khiến tinh trùng không thể xuất ra ngoài theo con đường thông thường dẫn đến tinh trạng trong tinh dịch không tìm thấy tinh trùng là một trong những nguyên nhân hiếm muộn. “Oligozoospermia” là một thuật ngữ dành cho tình trạng nam giới có số lượng tinh trùng ít, chiếm khoảng 10% trường hợp vô sinh do nam giới. Trong đó, tình trạng xấu nhất của oligozoospermia là azoospermia, được định nghĩa là không tìm thấy tinh trùng trong mẫu tinh dịch xuất tinh. Tình trạng không tìm thấy tinh trùng trong mẫu tinh dịch chiếm 10% các trường hợp vô sinh do yếu tố nam. Nguyên nhân vô tinh có thể do viêm nhiễm, do bẩm sinh không có ống dẫn tinh hoặc do thắt ống dẫn tinh trước đó mà không thể mổ nối lại được..., vì vậy trong tinh dịch xuất ra không tìm thấy tinh trùng. Trước đây, người nam giới thiểu tinh hoặc không tìm thấy tinh trùng sau xuất tinh phải sử dụng tinh trùng từ người hiến tặng như là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học, nhóm nam giới vô tinh do tắc nghẽn có thể thu được tinh trùng qua thủ thuật như thu nhận tinh trùng từ tinh hoàn (Testicular Sperm Extraction - TESE), thu tinh trùng từ tinh hoàn vi phẫu (Microsurgical epididymal sperm aspiration - MESA), thu tinh trùng qua mào tinh (Percutaneous Epididymal Sperm Aspiration - PESA) và thu tinh trùng từ tinh hoàn qua da (Testicular sperm aspiration - TESA). Sau khi thu được tinh trùng từ thủ thuật, kỹ thuật tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương noãn (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection - ICSI), dù số lượng tinh trùng thu được hạn chế nhưng sự kết hợp tinh trùng và noãn của chính cặp vợ chồng đó để có một đứa trẻ đã trở nên khả thi. Kỹ thuật ICSI đã giải quyết những hạn chế của kỹ thuật IVF cổ điển là cần phải có số lượng tinh trùng nhiều để tạo phôi.
 
Mặc dù việc thủ thuật thu nhận tinh trùng từ tinh hoàn theo truyền thống được dành riêng cho nam giới bị vô tinh hoặc thiểu tinh nặng, nhưng các nghiên cứu gần đây đã gợi ý rằng tinh trùng từ tinh hoàn có thể mang lại kết quả ICSI vượt trội ngay cả đối với nam giới thiểu tinh với giả thuyết cho rằng tinh trùng từ tinh hoàn có tỉ lệ phân mảnh DNA tinh trùng thấp hơn so với tinh trùng xuất tinh. Sự phân mảnh DNA của tinh trùng là kết quả của tổn thương DNA oxy hóa xảy ra trong quá trình di chuyển của tinh trùng qua mào tinh hoàn và ống sinh tinh và một số nghiên cứu cho thấy có thể liên quan đến việc giảm tỉ lệ có thai. Trong thực hành lâm sàng, việc thực hiện xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng cho tất cả nam giới bị thiểu tinh sẽ làm tăng thêm thời gian và chi phí đáng kể.  Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn có thể là một cách hiệu quả hơn để cải thiện chất lượng tinh trùng, tỷ lệ thụ tinh, chất lượng phôi và tỉ lệ trẻ sinh sống. Do đó, nghiên cứu đã thực hiện một thay đổi trong thực hành để cung cấp cho những người đàn ông có thông số tinh dịch bất thường (Oligozoospermia) chọn sử dụng tinh trùng thu được từ TESE cho ICSI mà không cần xét nghiệm phân mảnh DNA.
 
Nghiên cứu được thực hiện nhằm so sánh kết quả điều trị giữa sử dụng tinh trùng thu được từ tinh hoàn với tinh trùng từ tinh dịch (xuất tinh bình thường) trên nhóm nam thiểu tinh (Oligozoospermia).
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là nghiên cứu hồi cứu trên các cặp vợ chồng vô sinh do yếu tố nam – thiểu tinh (tổng số tinh trùng di động < 25 triệu/mẫu xuất tinh) theo tiêu chuẩn đánh giá tinh dịch WHO 2010 trong chu kỳ điều trị thực hiện ICSI. Trong đó, nhóm nghiên cứu chia thành hai nhóm là nhóm sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn (TESE) và sử dụng tinh trùng từ tinh dịch từ năm 2016 – 2019. Kết quả chính của nghiên cứu là tỉ lệ trẻ sinh sống. Các kết quả phụ bao gồm tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ hình thành phôi nang, tỉ lệ có thai và tỉ lệ sẩy thai.
 
Kết quả
Có tổng cộng 159 cặp đôi điều trị hiếm muộn thực hiện ICSI đủ điều kiện nhận vào nghiên cứu. Giữa nhóm sử dụng tinh trùng từ TESE và nhóm tinh trùng từ tinh dịch không có sự khác biệt có ý nghĩa về độ tuổi, BMI và dự trữ buồng trứng. Tổng số tinh trùng di động không có sự khác biệt giữa nhóm tinh trùng thu từ tinh hoàn (5,4x106) và tinh trùng từ tinh dịch (3,6x106), ngoại trừ phần trăm tinh trùng di động cao hơn ở nhóm tinh dịch so với nhóm TESE (40% so với 29%). Tổng số noãn trưởng thành thu được tương tự giữa hai nhóm, nhưng ở nhóm TESE có liên quan đến giảm tỉ lệ thụ tinh vào khoảng 20% (60,0% so với 80,6%) và giảm 50% số lượng phôi phát triển đến giai đoạn phôi nang so với nhóm sử dụng tinh trùng từ tinh dịch. Bên cạnh đó, so với sử dụng tinh trùng trong tinh dịch, việc sử dụng TESE không cải thiện có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ sẩy thai (11% so với 9%) hoặc tỉ lệ sinh trẻ sinh sống (50,0% so với 31,3%).
 
Kết luận
Như vậy, việc sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn (TESE) không cải thiện kết quả điều trị so với sử dụng tinh trùng từ tinh dịch ở nhóm vô sinh nam do thiểu tinh (oligospermia).
 
Nguồn: Rauchfuss, L. M. K., Kim, T., Bleess, J. L., Ziegelmann, M. J., & Shenoy, C. C. Testicular sperm extraction vs. ejaculated sperm use for nonazoospermic male factor infertility. Fertility and sterility. 2021;116(4), 963-970.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK