Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 27-12-2022 8:54am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Nguyễn Quỳnh Như - Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột
 
Kể từ sau ca sinh sống đầu tiên từ noãn IVM vào năm 1991, số lượng các nghiên cứu về kỹ thuật này ngày càng tăng dần. Kỹ thuật IVM đã được áp dụng để giảm hội chứng quá kích buồng trứng ở bệnh nhân PCOS và cũng được sử dụng như một công cụ để khám phá cơ chế của sự trưởng thành nhân noãn. Tuy vậy, các nghiên cứu ghi nhận rằng phôi có nguồn gốc từ noãn IVM cho thấy khả năng phát triển thấp hơn so với các phôi có nguồn gốc từ noãn trưởng thành in vivo. Nguyên nhân là các noãn IVM không những bị mất đi sự hỗ trợ của nang noãn, mà còn đối mặt với sự rối loạn chuyển hoá, mất cân bằng oxy hoá, tăng đứt gãy chuỗi kép DNA. Do đó, việc giảm thiểu tối đa những thiệt hại này là một trong những cách chính để cải thiện khả năng phát triển của noãn IVM.
 
Rapamycin là kháng sinh được sản xuất bởi Streptomyces hygroscopicus , được xác định lần đầu tiên vào năm 1975, với tác dụng kháng nấm và ức chế miễn dịch. Một số nghiên cứu trước đây đã báo cáo tác dụng của rapamycin đối với noãn động vật (bò, lợn), cơ chế chính xác của rapamycin là kích hoạt sự tự thực bào của noãn. Sau khi quá trình tự thực bào được kích hoạt mức độ phiên mã mRNA của gen BAX liên quan đến apoptosis giảm trong khi gen ức chế apoptosis BCL-XL tăng cao. Ngoài ra, 10nM paramycin trong môi trường nuôi cấy noãn chuột đã cho thấy giúp làm giảm ROS và cải thiện khả năng sữa chữa các tổn thương DNA. Tuy nhiên, tác dụng của rapamycin đối với IVM noãn người chưa được nghiên cứu. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu tác động của rapamycin đối với sự trưởng thành và khả năng phát triển của noãn người sau IVM, đánh giá tác dụng bảo vệ đối với tính toàn vẹn DNA và tính an toàn bằng cách phân tích di truyền của phôi.
Các noãn sau chọc hút được nuôi cấy 2-3h trước khi tách sạch cumulus và đánh giá độ trưởng thành của noãn. Những noãn GV được thu nhận và nuôi cấy timelaspe trong môi trường có và không có 10nM rapamycin.
 
Tổng cộng có 202 noãn GV được hiến tặng ở nhóm đối chứng và 156 noãn ở nhóm nghiên cứu. Tất cả các đặc điểm lâm sàng giữa 2 nhóm không có sự khác biệt đáng kể. Trong quá trình nuôi cấy, tất cả noãn đều được ghi lại sự phát triển riêng biệt. Tỷ lệ GVBD của noãn ở nhóm rapamycin cao hơn đáng kể nhóm đối chứng (91,7% so với 66,8%, p< 0,001). Sau 24h nuôi cấy, tỷ lệ noãn trưởng thành ở 2 nhóm không có sự khác biệt. Tuy nhiên khi nuôi cấy thêm đến 48h tỷ lệ này ở nhóm rapamycin vượt xa đáng kể so với nhóm chứng (82,7% và 63,4%, p<0,001).
 
Noãn trưởng thành được ICSI và nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang. Nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thụ tinh bình thường và tỷ lệ phát triển đến giai đoạn phôi nang của 2 nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, các noãn trưởng thành trong vòng 24h và trong vòng từ 24–48h được đánh giá riêng biệt và kết quả cho thấy rapamycin có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ phôi tốt của noãn IVM trưởng thành trong vòng 24 giờ (37,2% so với 23,6%, P  =  0,036). Đối với các noãn trưởng thành ở 24–48 giờ, không quan sát thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
 
Để đánh giá tổn thương DNA, nhóm nghiên cứu tiến hành đo histone γH2AX để xem xét sự đứt gãy mạch đôi DNA. Bằng cách đếm số lượng tiêu điểm γH2AX sau khi nhuộm huỳnh quang hoặc đo cường độ huỳnh quang, mức độ tổn thương DNA trong noãn được ghi nhận. Kết quả ghi nhận cường độ huỳnh quang γH2AX của noãn ở nhóm chứng là 0,6 ± 0,1 (n = 12) và 0,3 ± 0,0 ở nhóm rapamycin (n = 9) và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p  =  0,048) . Điều này cho thấy noãn nuôi cấy có rapamycin ít bị tổn thương DNA hơn so với nuôi cấy thông thường.
 
Trong đánh giá tính an toàn của rapamycin, có 3 phôi nang nuôi cấy trong rapamycin được lựa chọn phân tích di truyền. Kết quả cho thấy không có phôi lệch bội, có 1 phôi khảm 30%. Mặc dù mẫu hạn chế nhưng kết quả sơ bộ cho thấy việc bổ sung paramycin trong môi trường nuôi cấy không gây bất thường di truyền dị bội cho phôi.
 
Tóm lại, nghiên cứu cung cấp bằng chứng về tác dụng của rapamycin 10 nM hỗ trợ cải thiện kết quả IVM ở người, chủ yếu bằng cách tăng tỷ lệ GVBD, tỷ lệ trưởng thành noãn và tỷ lệ phôi tốt sau ICSI, giảm tổn thương DNA. Tuy nhiên, sự an toàn của rapamycin trên noãn người cần được nghiên cứu nhiều hơn trước khi sử dụng như một thành phần chính của môi trường nuôi cấy.
 
TLTK: Qiyu Yang, Qingsong Xi, Meng Wang, Jing Liu, Zhou Li, Juan Hu, Lei Jin, Lixia Zhu, Rapamycin improves the developmental competence of human oocytes by alleviating DNA damage during IVM, Human Reproduction Open, Volume 2022, Issue 4, 2022

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK