Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 26-12-2022 2:22pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Phạm Duy Tùng – IVFMD Tân Bình
 
Với sự phát triển của công nghệ hỗ trợ sinh sản (HTSS), quy trình nuôi cấy và trữ lạnh phôi ở các phòng thí nghiệm phôi học ngày càng được cải thiện, số lượng phôi của mỗi bệnh nhân ngày càng nhiều, dẫn đến việc lựa chọn phôi để chuyển cho bệnh nhân càng trở nên quan trọng. Làm cách nào để lựa chọn phôi tốt nhất cho bệnh nhân để tối đa hoá khả năng có thai của bệnh nhân cũng như giảm thiểu rủi ro đa thai cho bệnh nhân. Hầu hết các trung tâm HTSS hiện nay đều thực hiện việc nuôi phôi ngày 5 và lựa chọn một phôi nang để chuyển nhằm tăng tỷ lệ thành công cũng như giảm nguy cơ đa thai cho bệnh nhân. Một công cụ khác cũng được sử dụng gần đây trong việc lựa chọn phôi chuyển là thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ phôi lệch bội (Preimplantation genetic testing for aneuploidy - PGT-A) nhằm xác định các bất thường di truyền ở phôi. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những hạn chế như xuất hiện thể khảm ở phôi, dương tính giả, bệnh nhân phải chờ kết quả lâu trước khi thực hiện chuyển phôi, ảnh hưởng của quá trình sinh thiết đến phôi cũng như chi phí thực hiện xét nghiệm. Do đó, nhiều nghiên cứu nhằm tìm các giải pháp không xâm lấn giúp cải thiện hiệu quả chọn lọc phôi đã được thực hiện. Đáng chú ý nhất là việc nuôi cấy phôi trong tủ theo dõi liên tục time-lapse (TLI) cho phép quan sát toàn bộ quá trình phát triển của phôi (hay được biết đến với tên gọi động học phát triển phôi) mà không cần phải lấy phôi ra khỏi tủ cấy như trước đây. Nhờ đó nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm xác định các thông số động học có khả năng tiên lượng tiềm năng của phôi cũng như phôi có lệch bội hay không thông qua các bất thường trong quá trình phân chia của phôi.
 
Trong quá trình phát triển phôi, đôi khi có những phôi bào bị loại bỏ và không tham gia phân chia hình thành phôi. Những phôi bào bị loại bỏ này không tham gia hình thành khối tế bào nội mô (inner cell mass – ICM) hay tế bào lá nuôi phôi (trophectoderm -TE) mà tồn tại riêng lẻ bên cạnh phôi hoặc nằm trong khoang phôi. Những tế bào này thường có sự suy giảm biểu hiện hoặc biểu hiện không bình thường của protein liên kết khe. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng quá trình loại bỏ này phản ánh quá trình tự sửa chữa của phôi khảm, tuy vậy, các nghiên cứu khảo sát ban đầu cho thấy tỷ lệ phôi nguyên bội giữa phôi có sự loại bỏ và không có sự loại bỏ là như nhau. Tủ TLI cho phép quan sát toàn hoàn toàn quá trình phôi bào bị loại bỏ khỏi sự phát triển chung của phôi, từ đó xác định thời điểm phôi bào bị loại bỏ và ảnh hưởng đến tình trạng nguyên bội của phôi.  Qua đó, có thể sử dụng yếu tố này để đánh giá chất lượng phôi một cách không xâm lấn.
 
Hồi cứu được thực hiện trên những phôi được nuôi trong tủ cấy timelapse và được thực hiện xét nghiệm PGT-A. Phôi sau đó được đánh giá sự loại bỏ phôi bào ở các giai đoạn sớm (phôi phân chia), muộn (phôi dâu hoặc phôi nang), xuất hiện ở cả 2 giai đoạn hoặc không có sự loại bỏ nào. Sau đó, kết hợp với kết quả PGT-A để đưa ra kết luận. 737 phôi nang được sinh thiết từ 143 chu kỳ HTSS của 95 bệnh nhân được cho vào nghiên cứu. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 36,1(độ lệch chuẩn 4,4, từ 25,5-44,8). 457 phôi (62%) mang lệch bội nhiễm sắc thể, 42% (192 phôi) trong số này mang từ 2 nhiễm sắc thể bất thường trở lên. Sau khi sử dụng các công cụ phân tích, nhóm có một số kết quả sau:
  • Phôi không có sự xuất hiện của phôi bào bị loại bỏ có tỷ lệ lệch bội 52,9%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm phôi có sự xuất hiện của phôi bào bị loại bỏ là 68,5% (p<0,001).
  • Sự loại bỏ phôi bào ở giai đoạn sớm không làm tăng tỷ lệ lệch bội (59,2% so với 52,9%, p=0,22)
  • Sự loại bỏ phôi bào ở giai đoạn muộn hoặc ở cả 2 giai đoạn làm tăng đáng kể tỷ lệ lệch bội (77,5% và 71,2% so với 52,9%, p<0,001).
  • Khi phân nhóm bệnh nhân dưới 38 tuổi, các kết quả thu nhận được là tương tự. Cụ thể, nhóm phôi không có sự loại bỏ phôi bào có tỷ lệ lệch bội thấp hơn (46,2%). Trong khi đó, nhóm phôi xuất hiện phôi bào bị loại bỏ ở giai đoạn muộn và cả 2 giai đoạn cũng làm tăng đáng kể tỷ lệ lệch bội (73,6% và 64,3% so với 46,2%, p<0,001). Nhóm xuất hiện sớm có tăng nhưng không đáng kể (50%, p=0,38).
  • Đối với nhóm bệnh nhân trên 38 tuổi, các kết quả cũng tương tự, tuy nhiên, tỷ lệ lệch bội cao ở tất cả các nhóm (từ 73,4-88,9%)
  • Không có mối tương quan sự loại bỏ phôi bào với số lượng bất thường của phôi. Tuy nhiên, tỷ lệ phôi mang nhiều bất thường tăng lên khi thời điểm phôi bào bị loại bỏ muộn hơn (tương ứng với nhóm không có, xuất hiện sớm, xuất hiện muộn và cả 2 lần lượt là 38,7%, 37%, 45,5% và 50%, p=0,043).
 
Sự loại bỏ các phôi bào xuất hiện thường xuyên trong các phòng thí nghiệm phôi học nhưng chỉ có thể được quan sát tường tận khi công nghệ TLI phát triển. Với các lý thuyết ủng hộ việc phôi có cơ chế sửa chữa các bất thường nhiễm sắc thể và loại bỏ các bất thường này thì việc các phôi bào bị loại bỏ và không tham gia vào quá trình hình thành phôi có thể là dấu hiệu cho thấy phôi có thể mang các bất thường về di truyền. Nghiên cứu này cho thấy được các dấu hiệu này là chính xác có ý nghĩa thống kê, đặc biệt khi hiện tượng này xảy ra vào giai đoạn phát triển muộn của phôi. Mặc dù không thể phản ánh chính xác như xét nghiệm PGT-A, nhưng những bằng chứng này có thể được cân nhắc sử dụng trong những trường hợp có thể quan sát động học phát triển của phôi nhưng không thực hiện xét nghiệm PGT-A.
 
Nguồn: Shenoy CC, Bader A, Walker DL, Fredrickson JR, Weaver AL, Zhao Y. Embryo Blastomere Exclusion Identified in a Time-Lapse Culture System Is Associated with Embryo Ploidy [published online ahead of print, 2022 Dec 13]. Reprod Sci. 2022;10.1007/s43032-022-01141-4. doi:10.1007/s43032-022-01141-4

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK